Hàng loạt vấn đề “nóng” gây bức xúc dư luận thời gian qua được các đại biểu thẳng thắn chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi đăng đàn trước Quốc hội ngày 16.11.
‘Không phải có sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn’
Hàng loạt vấn đề “nóng” gây bức xúc dư luận thời gian qua được các đại biểu thẳng thắn chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi đăng đàn trước Quốc hội ngày 16.11.
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm về mặt nhà nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công thương, đại biểu (ĐB) Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm xử lý ông Vũ Huy Hoàng về mặt nhà nước, nhằm bảo đảm kịp thời, nghiêm minh và đúng quy định của pháp luật… Theo Bộ trưởng có cần thiết nghiên cứu để các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi luật Cán bộ, công chức nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý xử lý nghiêm mọi vi phạm của cán bộ công vụ mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự, kể cả vi phạm sau khi nghỉ hưu hoặc ra khỏi bộ máy nhà nước”.
Hàng loạt vụ cán bộ, công chức đánh người, hành hung nhà báo thời gian gần đây khiến dư luận đặt câu hỏi liệu số cán bộ, công chức bây giờ có còn là công bộc của dân không?
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)
Bộ trưởng Nội vụ sau một hồi suy nghĩ, cho rằng riêng xử lý về mặt nhà nước đối với ông Vũ Huy Hoàng là một vấn đề khó chưa có tiền lệ. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ có biện pháp xử lý về mặt hành chính. Điều này, theo Bộ trưởng, đã thể hiện quyết tâm về mặt chính trị đối với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu nếu có sai phạm vẫn có hình thức xử lý. “Trên nguyên tắc đó cũng cảnh báo cho các đồng chí đang tại chức, không phải có sai phạm rồi nghỉ hưu là hạ cánh an toàn, là hết trách nhiệm với Đảng, Nhà nước. Đây là vấn đề khó và mới, pháp luật chưa có nhưng cũng phải tạo một cơ sở pháp lý để giải quyết. Hiện nay, luật Cán bộ, công chức chưa có quy định xử lý cán bộ hưu trí, Bộ Nội vụ đang chuẩn bị tổng kết 10 năm về luật này nhằm sửa đổi. Trong khi chờ sửa đổi, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ có văn bản khác phù hợp quy định để xử lý trước mắt cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu”, tư lệnh ngành nội vụ khẳng định.
Bổ nhiệm người nhà thay vì chọn người tài
ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) tiếp tục chất vấn, thời gian qua một số vụ án tham nhũng nghìn tỉ đồng rất đau đớn có liên quan đến công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ: “Có những cán bộ được đề bạt, khen thưởng nhiều danh hiệu nhưng sau đó lại tình cờ phát hiện tham nhũng nghiêm trọng. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân của tình trạng này. Bộ trưởng có giải pháp gì để đột phá nhanh chóng ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà thay vì người tài vào bộ máy nhà nước”. Đáp lại, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết sắp tới đây Bộ sẽ nghiên cứu lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm, phối hợp với Ban tổ chức T.Ư xây dựng quy trình, phân định rõ chức năng nhiệm vụ từng cấp. “Sai cấp nào thì cấp đó chịu. Phải phân biệt rõ từng nhiệm vụ, chức năng để khắc phục tình trạng bổ nhiệm rồi mà cán bộ đó không đúng yêu cầu thì không có ai đứng ra chịu trách nhiệm”, ông khẳng định.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu tình trạng “đúng quy trình” hiện nay đang trở thành bà đỡ, rèm che, bảo hộ cho một số cán bộ lãnh đạo suy thoái thực hiện thành công việc chọn người nhà mà không chọn người tài, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chia sẻ quan điểm này và hỏi Bộ trưởng: “Cử tri kêu ca tuyển dụng không minh bạch, thi tuyển, xét tuyển có vẻ nghiêm túc nhưng chỉ là hình thức. Bộ trưởng có ý kiến gì hay, đề nghị chia sẻ?”.
Bộ trưởng Tân thừa nhận có tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân do hiện nay hình thức tuyển dụng tập trung 90% xét tuyển, trong khi thi tuyển rất công khai, minh bạch lại chỉ có 10%. Tới đây, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ thay đổi hình thức, đảo lại xét tuyển chỉ còn 10%, thi tuyển 90%. Chưa thoả mãn, ĐB Cương tranh luận: “Bộ trưởng nói thi tuyển hoàn toàn công khai, minh bạch không hoàn toàn như vậy. Thực tế diễn ra như thế nào thì Bộ trưởng từng ở địa phương cũng đã biết. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp sở nội vụ cho biết mỗi lần có tuyển dụng là nhận được rất nhiều điện thoại, thư từ các kiểu. Nói thực, thi tuyển tôi biết bấy lâu nay Bộ trưởng chỉ đạo thanh tra rất cố gắng nhưng không mang lại kết quả, thanh tra vào đã an bài, phát hiện một số sai phạm cũng chỉ hạn hữu. Có tiêu chuẩn biên chế về thì con cháu lãnh đạo huyện, xã đã nhận hết rồi còn đồng bào dân tộc lấy đâu ra nữa”.
Cán bộ đánh dân, không xứng đáng làm công bộc
Những trường hợp như ĐB nêu thấy xét không đủ điều kiện, tiêu chuẩn công chức thì nên loại ngay ra khỏi bộ máy, không xứng đáng là công bộc của dân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn trách nhiệm của Bộ Nội vụ tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ: “Sau 4 tháng kể từ khi tôi chất vấn, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Bộ trưởng. Xin cho biết, có hay không có tình trạng trên, đặc biệt có người không đủ tiêu chuẩn. Trách nhiệm của Bộ trong thanh, kiểm tra và giải pháp khắc phục. Tại sao 4 tháng mà chưa có kết quả kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng và cử tri”.
“Đến giờ này Bộ đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và địa phương. Có hay không bổ nhiệm ồ ạt, đến giờ này theo báo cáo sơ bộ nhận thấy hiện tượng bổ nhiệm nhiều cuối nhiệm kỳ là có. Nhưng chúng ta phải phân tích cho rõ bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, đúng quy hoạch. Cần có thời gian để Bộ tiến hành thanh tra một số nơi mà thấy cần thiết thanh tra công vụ làm rõ vấn đề. Bộ chỉ đạo thanh tra công vụ 2 đơn vị qua báo cáo Thủ tướng sẽ có kết quả và thông tin lại cụ thể trong thời gian tới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời.
Chưa hài lòng, ĐB Nga giơ biển tranh luận và nhắc Bộ trưởng văn bản chất vấn đã được gửi đi 4 tháng trước, nay có báo cáo sơ bộ nhưng bà lại không nhận được, trong khi đó đều là vấn đề cử tri vô cùng bức xúc. “Tôi đề nghị Bộ trưởng cần chỉ đạo thanh tra trọng điểm ngay một số đơn vị để có trả lời cho cử tri”. Trong phần trả lời sau đó, Bộ trưởng Nội vụ xin tiếp thu ý kiến, đồng thời hứa ngay hôm nay (17.11) sẽ gửi báo cáo sơ bộ, các báo cáo còn lại khi đầy đủ sẽ gửi tiếp.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi: “Hàng loạt vụ cán bộ, công chức đánh người, hành hung nhà báo thời gian gần đây khiến dư luận đặt câu hỏi liệu số cán bộ, công chức bây giờ có còn là công bộc của dân không? Cán bộ công chức hành xử thiếu văn hóa, côn đồ, coi thường đạo đức, pháp luật điều đó thực sự đáng báo động trong công tác tuyển dụng công chức. Xin Bộ trưởng cho biết liệu có thể xây dựng nhà nước liêm chính với một bộ phận cán bộ như thế, giải pháp nâng cao ý thức, đạo đức cho cán bộ, công chức?”.
Bộ trưởng Tân cho biết: “Quản lý cán bộ công chức là nhiệm vụ của các cơ quan trực tiếp quản lý. Những trường hợp như ĐB nêu thấy xét không đủ điều kiện, tiêu chuẩn công chức thì nên loại ngay ra khỏi bộ máy, không xứng đáng là công bộc của dân. Tôi nghĩ chúng ta cần có một thái độ dứt khoát đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm, năng lực kém. Công chức vi phạm pháp luật, có hành động như thế cần xem xét xử lý nghiêm túc, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra gây ảnh hưởng chung tới cả bộ máy”.
Lương không đủ 50% mức sống tối thiểu
Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết liên tiếp trong các năm 2014 và 2015 lương cán bộ, công chức không được tăng theo đúng lộ trình. Bộ tính toán, năm 2017 nếu tính của cả 2 năm trên và phần còn thiếu của năm 2016 lẽ ra mức lương cơ sở phải tăng thêm 26%. Tuy nhiên, ngân sách khó khăn nên Chính phủ trình, Quốc hội phải thông qua mức tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng từ 1.7.2017. Mức này theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân không đảm bảo được một nửa cuộc sống tối thiểu của cán bộ, công chức vì theo chủ trương của Bộ Chính trị lương cơ sở tối thiểu phải đạt 3.300.000 đồng/tháng.