26/12/2024

Hơn 200 web bẩn, cực kỳ nguy hại núp trong web giải trí

Hơn 200 website bẩn, 42 web được cho là cực kì nguy hại cho người tiêu dùng được “ẩn nấp” dưới dạng trang web giải trí, nhất là web xem phim.

 

Hơn 200 web bẩn, cực kỳ nguy hại núp trong web giải trí

Hơn 200 website bẩn, 42 web được cho là cực kì nguy hại cho người tiêu dùng được “ẩn nấp” dưới dạng trang web giải trí, nhất là web xem phim.

 

 

 

Hơn 200 web bẩn, cực kỳ nguy hại núp trong web giải trí
Ông Matthew Kurlanzik đại diện FOX Century 21 phát biểu tại Hội thảo về bản quyền  -  Ảnh: Minh Trang

Đây là một trong số những con số đáng lưu tâm trong hội thảo Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh an toàn tổ chức vào sáng 16-11 tại TP HCM.

Hội thảo này được tổ chức bởi VCA - một liên minh gồm 8 chủ sở hữu nội dung bản quyền số lớn tại Việt Nam và quốc tế gồm VTV, Casbaa – Hiệp hội truyền hình trả tiền khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Hãng FOX Century 21, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ MPA, Uỷ ban bản quyền tác giả Hàn Quốc (KCC), Công ty K+, công ty BHD và Hội sở hữu trí tuệ TP HCM. 

Hội thảo xoay quanh một vấn đề khá khó khăn: đó là cuộc chiến giữa các công ty sở hữu những website có nội dung bản quyền và những website lậu.

Web lậu vì sao vẫn sống tốt?

Không cần nói nhiều, khán giả đều hiểu: giải trí trực tuyến đang là một xu hướng không thể chối bỏ của thế giới. 

“Khán giả không còn xem các chương trình thu phát sóng thông qua vệ tinh nữa bởi đã có giải trí online” – ông John Medeiros giám đốc pháp lý của Casbaa cho biết.

Chính vì sự chuyển đổi phương thức này mà năm 2012, 53% lợi nhuận thu được từ quảng cáo của Mỹ được bán qua mạng.

Năm 2017 dự đoán sẽ tăng lên 80%, riêng khu vực châu Á con số này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Và quảng cáo cũng chính là “nguồn oxy” nuôi sống các website lậu.

Hơn 200 web bẩn, cực kỳ nguy hại núp trong web giải trí
Có những trang web lậu có tới hơn 4 triệu lượt view/tháng…

Dù không ai muốn những nhãn hàng tên tuổi của mình đứng chung cùng với các banner quảng cáo khiêu dâm, hay thiếu bổ ích của các web lậu nhưng với nguồn lợi khổng lồ từ người dùng mang lại, web lậu không thể nằm ngoài danh sách của các công ty quảng cáo lớn.

Theo thống kê tại hội thảo này, có những trang web lậu có tới hơn 4 triệu lượt view/tháng, thậm chí một bộ phim Hollywood mới ra rạp được đưa lên web có thể lên đến 2 triệu lượt xem.

Rất nhanh nhạy trong việc cập nhật phim mới bởi những web lậu không phải bỏ bất cứ chi phí nào cho việc mua phim, trả bản quyền, hầu hết cho người xem free không phải trả chi phí.

Điều này đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng tại VN. Sự cạnh tranh này với các web phim chính thống mới ra đời thời gian gần đây tại VN, vì thế càng trở nên khốc liệt và khó khăn hơn bội phần.

“Phải có cầu thì mới có cung. Chúng tôi rất hiểu điều đó. Cho nên phần còn lại, phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn của người tiêu dùng” – Bà Ngô Thị Bích Hạnh, phó giám đốc công ty BHD, đơn vị vừa giới thiệu một web phim online có bản quyền tại VN chia sẻ.

Năm 2012, 53% lợi nhuận thu được từ quảng cáo của Mỹ được bán qua mạng. Năm 2017 dự đoán sẽ tăng lên 80%, riêng khu vực châu Á con số này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Và quảng cáo cũng chính là “nguồn oxy” nuôi sống các wbsite lậu.

Người dùng internet Việt Nam bị đánh cắp tài khoản thường xuyên?

Trong báo cáo của ông Neil Gane, Giám đốc quản lý của IPT Solutions LTD – công ty về các giải pháp dành cho người dùng internet thì Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng tài khoản Facebook nhiều nhất trên thế giới (so với tổng số dân) với khoảng 40 triệu tài khoản Facebook.

Quảng cáo Facebook vì thế phát triển rầm rộ hơn và nguy cơ tiềm ẩn từ những quảng cáo này cũng nguy hại hơn cho người dùng internet.

Hơn 200 web bẩn, cực kỳ nguy hại núp trong web giải trí
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng tài khỏan Facebook nhiều nhất trên thế giới

Bạn có bao giờ thức dậy vào buổi sáng và phát hiện ra mình bỗng trở thành hội viên của một hội…vớ vẩn nào đó trên Facebook mà trước đó bạn chưa hề tham gia hay đăng ký?

Đó chỉ là một phần rất nhỏ thuật ăn cắp dữ liệu cá nhân của các tài khoản mạng xã hội mà người dùng internet vô tình tiếp tay khi click vào các game, các bài bói toán trên mạng xã hội.

Và đó cũng chỉ là một trong những nguy hại nhỏ so với những gì mà người dùng sử dụng web lậu để xem phim, giải trí có thể chưa biết đến.

“Một trong những virus nguy hiểm nhất hiện nay là Ransomware. Virus này buộc người dùng phải chuộc lại tài khoản đã bị đánh cắp bằng việc phải mua các Bitcoin (đồng tiền ảo có giá trị thực) để trả.

Tôi lấy ví dụ như vừa qua bộ phim Game of thrones (Trò chơi vương quyền) gây cơn sốt toàn cầu, rất nhiều người tìm xem phim và rất nhiều web bẩn đã xuất hiện kèm theo link của bộ phim này.

Khi bạn cài đặt hoặc click vào các website, máy tính của bạn đã bị nhiễm virus. Tất cả thông tin trong máy tính sẽ bị lấy cắp. Và chúng sẽ bắt bạn chuộc tiền để lấy lại thông tin tài khoản.

75% gia đình trên thế giới hiện nay đều không có sao lưu dữ liệu máy tính. Nên khi mất dữ liệu máy tính là toàn bộ các thông tin của bạn đều biến mất.

Điều quan trọng hơn là Ransomware tại châu Á đang gia tăng bởi tốc độ phát triện internet tại châu Á đang cực kì nhanh. Bạn có thể nghĩ nó xa vời, nhưng nó rất rất gần với bạn, chỉ với một cú click chuột” – ông Neil Gann nhấn mạnh.

“Nếu coi phim ảnh giải trí là thức ăn cho tâm trí thì web lậu là những “quán ăn” độc hại bán thực phẩm bẩn, dù nó cho không, nhưng làm gì có cái gì thật tốt mà lại cho không?”
Bà Phan Cẩm Tú, đại diện của MPA Việt Nam

Cuộc chiến với website lậu: Người tiêu dùng quyết định tất cả!

Sự nguy hiểm đối với người tiêu dung khi giải trí ở các web lậu không có bản quyền được bà Phan Cẩm Tú, đại diện của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (MPA) ví như những thức ăn bẩn mà chúng ta đang tìm cách từ bỏ.

Hơn 200 web bẩn, cực kỳ nguy hại núp trong web giải trí
Game of thrones (Trò chơi vương quyền) gây cơn sốt toàn cầu, rất nhiều người tìm xem phim và rất nhiều web bẩn đã xuất hiện kèm theo link của bộ phim này.

“Nếu coi phim ảnh giải trí là thức ăn cho tâm trí thì web lậu là những “quán ăn” độc hại bán thực phẩm bẩn, dù nó cho không, nhưng làm gì có cái gì thật tốt mà lại cho không?”- bà Tú nói.

Dù có nhiều khó khăn trong việc xử lí như chia sẻ của ông Ngô Huy Toàn, Phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin mạng, Bộ TT-TT rằng: Các host lậu hiện nay ở VN chủ yếu được đặt tại Mỹ, Canada, HongKong… nên rất khó xử lí cho các cơ quan chức năng.

Nhưng nếu có sự phối hợp giữa các đơn vị bản quyền, Bộ TT-TT sẵn sàng và tham gia và ủng hộ việc ngăn chặn các web giải trí lậu, tạo môi trường giải trí lành mạnh và an toàn cho người tiêu dùng VN.

Dĩ nhiên trong khuôn khổ một buổi Hội thảo bị giới hạn bởi thời gian và một vấn đề quá khó để nói cho “vuông” như bản quyền giải trí mạng.

Các chủ toạ mong chờ sẽ có những buổi làm việc nhiều bên để cùng nhau đưa ra những biện pháp tối ưu nhất vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa bảo vệc quyền lợi của các chủ sở hữu có bản quyền đang chật vật tồn tại tại thị trường giải trí mạng VN. 

MINH TRANG