27/12/2024

Nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học

Tối nay (14-11), chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do báo Tuổi Trẻ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long đồng tổ chức sẽ khép lại với lễ công bố và trao giải.

 CHƯƠNG TRÌNH “TRI THỨC TRẺ VÌ GIÁO DỤC”:

Nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học

 Tối nay (14-11), chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do báo Tuổi Trẻ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long đồng tổ chức sẽ khép lại với lễ công bố và trao giải.

 

 

 

Nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học
Mô hình “Xây dựng CLB tim mạch định hướng chuyên khoa cho sinh viên y dược” của CLB tim mạch ĐH Y dược Huế có số lượt bình chọn nhiều nhất với 3.579 người bình chọn – Ảnh: T.L.

Sau hơn năm tháng phát động, chương trình đã thu hút 267 công trình, sáng kiến dự thi của 214 tác giả và 53 nhóm tác giả.

Đáng chú ý là trong số đó có 108 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả; 92 sáng kiến sáng tạo, chế tạo các công cụ phục vụ giảng dạy, học tập; 67 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Góp phần nhỏ bé cho hoạt động dạy và học

Tác giả dự thi nhiều người là giáo viên, đoàn viên thanh niên trẻ công tác trong ngành giáo dục. Nhưng cũng có người làm việc ở các lĩnh vực khác “rất quan tâm đến việc đổi mới giáo dục”. Đặc biệt, có 20 công trình của tác giả là học sinh, sinh viên. Trong đó, tác giả nhỏ nhất tham gia mới 12 tuổi ở Lạng Sơn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bạn Đặng Thị Minh Thu, Trường THPT Ngô Sỹ Liên (TP Bắc Giang) – tác giả công trình “Nghiên cứu xây dựng hệ thống các bài thực hành hoá học ở trường THPT theo mô hình định hướng sản phẩm”, cho biết: “Việc tham dự chương trình không chỉ thoả mãn mong muốn sáng tạo, góp phần nhỏ bé cho hoạt động dạy học hiện nay mà còn là dịp để có thể biết đến những mô hình tốt, sản phẩm có ích, qua đó có thể học hỏi, áp dụng vào chính công việc chuyên môn của mình sau này”.

Còn bạn Lê Văn Chung, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) – tác giả công trình “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khoẻ”, cũng chia sẻ: “Qua chương trình, tôi hi vọng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng, các nhà quản lý giáo dục để giúp các sản phẩm, ý tưởng được hiện thực hóa và ứng dụng rộng rãi”.

Thống kê của ban tổ chức cho thấy có 81 công trình, sáng kiến nói về các vấn đề chung của giáo dục hoặc có thể áp dụng ở nhiều bậc học; 65 công trình sáng kiến hướng vào bậc THPT; 55 công trình, sáng kiến hướng vào bậc THCS; 36 công trình, sáng kiến hướng vào bậc ĐH, CĐ; 19 công trình, sáng kiến hướng vào bậc tiểu học và có 11 công trình, sáng kiến hướng vào bậc mầm non.

Đặc biệt quan tâm ứng dụng thực tiễn

Ngày 13-11, ban giám khảo của chương trình đã hoàn thành việc chấm thi. Trong đó có phần phỏng vấn các tác giả, nhóm tác giả vào chung khảo để lựa chọn những công trình, sáng kiến “đắt giá” nhất trao thưởng.

Ông Nguyễn Quân – nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, thành viên ban giám khảo – nhận xét: “Chất lượng của các công trình tương xứng với kỳ vọng của chúng tôi. Cụ thể là các công trình vào chung khảo đều đáp ứng tiêu chí: tính mới, tính khả thi. Chúng tôi cũng trao đổi kỹ với nhóm tác giả và thấy rằng họ đầu tư rất bài bản. Chất lượng của các công trình cũng đa dạng, có sản phẩm chỉ ở mức ý tưởng hay nhưng có tác phẩm đã được khảo nghiệm nhiều nơi”.

Còn ông Trần Quang Quý – nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT – bày tỏ quan điểm: “Tôi coi trọng tính sáng tạo của công trình nhằm phát triển năng lực học sinh. Đây cũng là định hướng của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Các tác giả đều trẻ, nhưng đã thể hiện sự quan tâm tới vấn đề đổi mới của chương trình – sách giáo khoa phổ thông hiện nay, điều này rất đáng trân trọng. Nhiều sản phẩm chế tạo dụng cụ dạy học, thí nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học rất thiết thực”.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quân thì có nhiều công trình có chất lượng nhưng để sản xuất đại trà và có thể thương mại hoá thì các tác giả cần hoàn thiện hơn, tạo được tính cạnh tranh khi đưa ra thị trường. Các thành viên ban giám khảo cũng cho rằng có một số công trình, sáng kiến sau khi được hoàn thiện theo góp ý của các nhà chuyên môn sẽ có thể đóng góp tốt cho việc đổi mới giáo dục hiện nay. Nhưng để làm được điều này cần có sự chung tay hỗ trợ của xã hội để giúp các tác giả trẻ tiếp tục hiện thực hoá ước mơ…

Ông LÊ QUỐC PHONG (uỷ viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn, chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam):

Giải quyết việc khó dưới góc nhìn người trẻ

2016 là năm đầu tiên chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được triển khai, tuy nhiên đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều bạn trẻ.

Các bài dự thi đến từ 49 tỉnh, thành phố trên cả nước với sự tham gia đa dạng của các đối tượng như học sinh, giáo viên các cấp, cán bộ quản lý giáo dục và cả những trí thức trẻ đang công tác ngoài ngành giáo dục.

Nội dung của những đề tài, sáng kiến dự thi rất phong phú như: các sáng chế dụng cụ học tập, các phương pháp học hiệu quả, giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính trong học đường…

Đây là tín hiệu tích cực không chỉ cho thấy sự quan tâm của các bạn trẻ với chương trình, mà còn là sự quan tâm của tuổi trẻ đối với ngành giáo dục.

Các việc khó, việc mới được giải quyết dưới góc nhìn và tinh thần đam mê, nhiệt huyết của những người trẻ.

Sự thành công của chương trình chính là giải pháp hiệu quả của đoàn tham gia thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chúng tôi mong từ thành công của lần này, chương trình sẽ là điểm đến của những bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước tâm huyết với ngành giáo dục, chương trình cũng sẽ cố gắng trở thành cầu nối hiện thực hóa những ý tưởng, sáng kiến giá trị, khả thi.

TS Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):

Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu để ứng dụng

Về mặt quản lý nhà nước, để ứng dụng các công trình, Nhà nước có thể cấp thêm kinh phí bên cạnh các nguồn lực xã hội như các doanh nghiệp, như Tập đoàn Thiên Long.

Sau khi tìm ra các sản phẩm có tính mới và thực tiễn, Bộ GD-ĐT nên giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu thêm về những sản phẩm này.

Nếu những sản phẩm từ cuộc thi có giá trị, có khả năng tách ra làm một bộ môn riêng hoặc phát triển năng lực người học thì bộ nên chấp nhận để đổi mới. Sự vào cuộc của Bộ GD-ĐT là cách tốt nhất để ứng dụng rộng rãi các công trình này.

TS Võ Văn Thành Nghĩa (tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long):

Khơi dậy tiềm năng của trí thức trẻ

Có nhiều người cho rằng việc giới hạn độ tuổi của tác giả dự thi dưới 35 tuổi khiến chương trình hạn chế trong việc thu hút nhiều người tham gia. Nhưng như tên gọi của chương trình, chúng tôi muốn nhắm đến lực lượng trí thức trẻ vì họ là lực lượng chính sẽ tham gia quá trình đổi mới hiện nay và trong các năm tới. Với việc tạo một “sân chơi” riêng cho người trẻ, chúng tôi hi vọng sẽ khơi dậy được tiềm năng của trí thức trẻ, là cơ hội để người trẻ đem sức mạnh tinh thần, trí tuệ góp phần cho sự nghiệp giáo dục. Mặt khác, việc tập trung vào trí thức trẻ, chúng tôi cũng mong muốn có thể lắng nghe, hiểu biết thêm về cách nghĩ, cách làm, quan niệm của người trẻ trong việc đổi mới giáo dục. Đây cũng là một cách để chúng ta suy nghĩ về việc “trẻ hoá” cách làm nhằm đổi mới giáo dục.

25.469 người tham gia bình chọn

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long đồng tổ chức, khởi động từ tháng 4-2016.

Chương trình lần đầu tiên tổ chức và sẽ diễn ra thường niên từ giai đoạn 2016-2020 nhằm tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên, trí thức trẻ thực hiện, đề xuất các công trình, sáng kiến hỗ trợ việc giảng dạy, học tập.

Hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 9, chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký các công trình nghiên cứu, sáng kiến. Ban tổ chức sẽ triển khai việc bình chọn công khai trên mạng.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” khuyến khích mọi đối tượng thanh niên, trí thức trẻ là công dân VN dưới 35 tuổi tham gia.

Dự kiến hằng năm lựa chọn 12-15 công trình, sáng kiến vào vòng chung kết toàn quốc kèm giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/chương trình, sáng kiến.

Trong vòng chung kết sẽ lựa chọn tối đa năm công trình, sáng tạo tiêu biểu để trao giải thưởng với trị giá 100 triệu đồng/công trình, sáng kiến.

Năm nay có 25.469 người tham gia bình chọn cho 146 công trình (121 công trình, sáng kiến khác không được bình chọn). Mô hình “Xây dựng CLB tim mạch định hướng chuyên khoa cho sinh viên y dược” của CLB tim mạch – ĐH Y dược Huế có số lượt bình chọn nhiều nhất với 3.579 người bình chọn.

Ban giám khảo sẽ chọn 5 công trình xuất sắc trong 15 công trình vào chung khảo để trao thưởng vào tối nay (14-11).

VĨNH HÀ