Cầm tấm bằng kỹ sư chăn nuôi chuyên ngành động vật hoang dã, anh Đoàn Phan Dinh (25 tuổi) rời thủ phủ miền Tây về quê ở ấp An Hoà (xã An Khánh, H.Châu Thành, Đồng Tháp) nuôi heo rừng.
Tự tạo cơ hội: Lập trang trại nuôi heo rừng
Cầm tấm bằng kỹ sư chăn nuôi chuyên ngành động vật hoang dã, anh Đoàn Phan Dinh (25 tuổi) rời thủ phủ miền Tây về quê ở ấp An Hoà (xã An Khánh, H.Châu Thành, Đồng Tháp) nuôi heo rừng.
Dinh kể anh về quê vì chỉ có ở quê mới thỏa được ước muốn nuôi heo rừng đã ấp ủ từ khi còn trên ghế nhà trường. Khoảng năm 2010, khi còn đang học, anh tranh thủ thời gian đi làm thêm kiếm tiền mua heo giống để thực hiện ước mơ.
Tận dụng diện tích vườn nhà để nuôi thả heo rừng, mỗi năm ông Phan Như Phi thu về từ 200 – 300 triệu đồng.
Sau một thời gian tích cóp, anh mua được 2 con heo rừng mang về quê, khoanh 50 m2 đất trong vườn nhãn của gia đình để nuôi. Rồi 2 con heo đầu tiên sinh sản, anh đã để lại làm giống nhân đàn. Anh còn mua thêm heo con về nuôi. Anh Dinh cho biết thêm, lúc ra trường cũng có nhiều nơi mời về làm việc nhưng anh quyết định rời Cần Thơ vì nếu ở TP vẫn làm công, trong khi về quê anh lại làm chủ và thoả được đam mê nuôi heo rừng.
Trang trại của anh Dinh ứng dụng hầu hết các kỹ thuật chăn nuôi heo tiên tiến nhất hiện nay, nhất là cách nuôi hở phù hợp với con heo rừng. Vì là loài ưa di chuyển, thích ủi bới nên đệm lót sinh học được anh ưu tiên sử dụng giúp kiểm soát tốt chất thải, từ đó mầm bệnh cũng được cách ly hiệu quả. Ngoài ra, thức ăn cho đàn heo là những loại rất bình thường có khắp nơi ở miền Tây như: chuối cây, khoai lang, lục bình, bã đậu nành, hèm, cám… Nhờ vậy, giá thành sản xuất heo rừng ở trang trại của anh Dinh thấp, giá bán cạnh tranh.
Sau khi đã thành công với cách tổ chức sản xuất tại gia đình, anh Dinh quyết định mở rộng sản xuất thông qua việc tìm kiếm một cách làm ăn mới, đưa giống heo chất lượng đến với nông dân để cùng nhau làm giàu. Anh bán heo giống cho người nuôi, sau đó sẽ cho người rành kỹ thuật đến hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh, cách thức cho ăn, tiêm phòng vắc xin… rồi thu mua lại heo thịt hoặc heo giống. Hiện anh đang hợp tác với khoảng 100 hộ dân theo hình thức này. Thường sau khoảng 4 – 6 tháng, các hộ chăn nuôi heo rừng có thể lãi khoảng 1 triệu đồng/con. Ngoài ra, anh còn hợp tác với đối tác mở thêm trang trại heo rừng tại Cần Thơ. Ông Võ Thành Đô (ngụ xã Thuận An, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) sau khi tham quan trang trại và được anh Dinh hướng dẫn kỹ thuật, cách thức chế biến thức ăn cho heo, đã tỏ ra rất tâm đắc và cho hay sẽ mua khoảng 50 con heo giống về nuôi.
Hiện tại, mặc dù heo rừng của anh Dinh được nuôi ở đồng bằng nhưng do được kiểm soát tốt từ giống đến quy trình sản xuất nên chất lượng rất đảm bảo. Bây giờ, từ các nguồn nuôi, mỗi tháng trang trại heo rừng của anh xuất bán khoảng 250 con heo thịt, giá bán tại trang trại khoảng 120.000 đồng/kg. Ngoài ra trang trại của anh còn đang quản lý khoảng 600 con heo nái, nên có thể xuất bán hàng trăm con giống với giá khoảng 1 triệu đồng/con.
Anh Dinh tâm sự: “Khi VN hội nhập sâu rộng với thế giới thì ngành chăn nuôi sẽ chịu thêm nhiều áp lực cạnh tranh từ những mặt hàng chăn nuôi giá rẻ của các nước lớn. Tuy nhiên, tôi tin tưởng với sản phẩm đặc thù như heo rừng và có bước chuẩn bị tốt về sản xuất theo hướng an toàn sinh học thì sản phẩm thịt vẫn có đầu ra ổn định”. Còn định hướng phát triển trong thời gian tới, anh cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất của trang trại. Ngoài heo rừng, anh đang tìm hiểu để phát triển nuôi thêm gà, vịt theo hướng an toàn sinh học và cũng thực hiện theo cách đưa về từng hộ dân. Ngoài ra, anh còn dự định lớn hơn là xây dựng đề án phát triển heo rừng tại ĐBSCL. Theo anh Dinh, nếu được như thế thì ngành chăn nuôi này mới có cơ sở phát triển bền vững.
Bạn đọc quan tâm đến mô hình chăn nuôi heo rừng của anh Dinh, có thể liên hệ: Đoàn Phan Dinh (ấp An Hòa, xã An Khánh, H.Châu Thành, Đồng Tháp). Điện thoại: 0972633430.