24/12/2024

Căngtin bệnh viện cũng “chặt chém” bệnh nhân

Khảo sát tại nhiều bệnh viện tại TP.HCM cho thấy: sữa, bánh, nước ngọt… là những loại hàng hóa mà hầu như ai cũng phải mua đang được bán với giá cao hơn bên ngoài nhiều.

 

Căngtin bệnh viện cũng “chặt chém” bệnh nhân

Khảo sát tại nhiều bệnh viện tại TP.HCM cho thấy: sữa, bánh, nước ngọt… là những loại hàng hóa mà hầu như ai cũng phải mua đang được bán với giá cao hơn bên ngoài nhiều.

 

 

 

Căngtin bệnh viện cũng “chặt chém” bệnh nhân

Khách mua nước giải khát tại Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo khảo sát, lốc sữa đậu nành Fami 6 hộp siêu thị bán giá 28.000 đồng, căngtin bệnh viện bán 45.000 đồng, lốc 6 lon nước yến bên ngoài bán giá 54.000 đồng thì trong bệnh viện bán tới 80.000 đồng…

Nghẹn ngào 
mua hàng giá cao

Tranh thủ lúc chồng vừa vô thuốc xong còn thiêm thiếp ngủ, chị Lan (quê Đồng Nai) xuống căngtin Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mua đồ. Chị mua cái ca nhựa, tuýp kem đánh răng, chai nước rửa chén và một lốc sữa tươi.

Lên tới phòng, mấy bà mấy cô đi chăm người nhà mới bảo sao mua dưới đó chi cho mắc, sữa này bên ngoài bệnh viện bán cỡ hai mươi mấy ngàn đồng, còn trong này bán ba chục ngàn đồng.

Mấy món đồ khác cũng mắc hơn mấy ngàn đồng. Nghe tới đó chị Lan thẫn thờ, ngồi ngơ ra. Chị nghèn nghẹn bảo: “Từ ngày chồng bệnh, bao nhiêu tiền của lo thuốc thang hết. Mười ngàn ấy tôi mua được cả một bữa cơm. Nào giờ có mua sữa đâu mà biết giá mắc hay rẻ”.

Mấy người chung phòng kể nhiều bữa chị Lan mua cơm trắng về, lấy nước tương chan vô ăn. Giá một bữa ăn như thế chưa tới mười ngàn đồng…

Không riêng gì ở bệnh viện này, tình trạng trên diễn ra rất phổ biến tại các bệnh viện ở TP.HCM. Chị Võ Thị Lan (quê Tiền Giang) có con trai bị bệnh nặng, đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Khoản ứng viện phí hơn 5 triệu đồng cùng nhiều khoản tiền khác khiến gia đình chị chật vật.

“Biết là căngtin bán giá cao hơn bên ngoài, nhưng tui không thể đi ra ngoài mua được vì không dám để cháu nằm một mình quá lâu trong phòng. Rồi những lúc đêm khuya cũng đành phải mua hàng ở đây” – chị Lan nói.

Ở căngtin Bệnh viện Nhi Đồng 1, lốc nước yến 6 lon được bán với giá 72.000 đồng, trong khi giá siêu thị cùng mặt hàng chỉ 54.000 đồng.

Trong số các bệnh viện chúng tôi khảo sát, căngtin bán giá khủng nhất là ở Bệnh viện Hùng Vương. Một người nhà bệnh nhân bức xúc khi mua hộp cốm lợi sữa với giá 270.000 đồng, nhưng ra bên ngoài hỏi thì giá thấp hơn rất nhiều.

Hộp bánh mặn AFC loại 4 gói bên ngoài bán 14.000 đồng, trong căngtin bán tới 30.000 đồng, sữa Fami bán 45.000 đồng so với 28.000 đồng bên ngoài. Anh Vinh đi chăm vợ và con gái mới sinh bị bà ngoại rầy vì mua trúng hai món hàng giá cao này.

Bà đã dặn ra ngoài cổng chứ đừng mua ở căngtin bệnh viện tốn nhiều tiền nhưng anh ngại đi xa, lại nghĩ chắc giá cao hơn ở ngoài không bao nhiêu.

“Tui có biết đâu, ra mua một lốc sữa đậu nành 45.000 đồng, bịch bánh mặn cho bà ngoại ăn khuya có sức chăm cháu. Ai dè bà cụ bảo sữa ấy bên ngoài bán chỉ 30.000 đồng, bịch bánh tôi mua 30.000 đồng, bên ngoài giá chưa tới 20.000 đồng” – anh Vinh nói.

Anh bảo vì nhà không dư dả gì, đi bệnh viện phải chắt chiu từng đồng nên bà cụ xót của, rầy rà anh suốt buổi.

Ở Bệnh viện Từ Dũ, một lốc 4 hộp sữa tươi Cô gái Hà Lan có đường được bán giá 36.000 đồng. Nếu bán lẻ, giá mỗi hộp là 9.000 đồng.

“Giá này bằng với giá ở mấy cửa hàng tiện lợi mà tôi hay ghé mua vào giữa khuya. Trước giờ tui nào có vô bệnh viện mà biết giá cao giá thấp thế nào, nhưng ở bệnh viện mà bán giá cao hơn bình thường thì tội cho người dân quá.

Mấy cửa hàng tiện lợi bán giá cao vì họ phải mở cửa cả ngày cả đêm, rồi ai thích thì mua, không thích thì thôi. Còn ở bệnh viện nhiều người chẳng biết đi đâu, cứ phải xuống căngtin mua, rất tội” – anh Nguyễn Văn Chính, người nhà bệnh nhân ở đây, nói.

“Bệnh viện 
không bảo kê”

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong hồ sơ mời thầu gói quản lý và khai thác cửa hàng bách hoá A trong khuôn viên Bệnh viện Hùng Vương phát hành ngày 24-6-2016 có ghi rõ yêu cầu nhà thầu phải công khai giá treo tại cửa hàng, cam kết bán hàng bình ổn giá và các loại hàng h thông dụng có giá bán tại bệnh viện không cao quá 5% so với giá bán của siêu thị Co.op Mart và các siêu thị khác cùng thời điểm.

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết trong quá trình bán, nhà thầu đã nâng giá thành lên rất cao. Bệnh viện đã nhiều lần nhắc nhở nhưng cũng không khắc phục.

Bà Tuyết nói bệnh viện nhận thấy đây là điều bất cập, không có tính nhân bản nên đã tổ chức đấu thầu mới và không cho nhà thầu này tham dự. Trong thời gian chờ kết quả thầu mới, bệnh viện sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát.

Bà Tuyết cho biết thêm hiện tại bệnh viện đang xin phép P.12 (Q.5) để được xây cửa hàng bách hóa trong bệnh viện và chính bệnh viện sẽ thực hiện công việc này nhằm phục vụ người bệnh, thân nhân người bệnh được đầy đủ các mặt hàng cần thiết khi vào viện với giá hợp lý nhất.

Đồng thời, bệnh viện cũng đã đặt các tủ bán nước tự động trong khuôn viên nhằm cung cấp các loại thức uống với giá đúng giá thị trường.

Ông Võ Duy Thức, trưởng phòng hành chính – quản trị Bệnh viện Ung bướu, cho biết sẽ kiểm tra lại ngay giá bán tại căngtin.

Ông cho rằng căngtin bệnh viện thực tế không thể bán giá thấp bằng siêu thị, nhưng cao hơn phải ở một mức hợp lý. Theo ông Thức, không thể cho rằng giá cao gấp đôi, gấp ba giá bên ngoài rồi nói do giá thầu cao quá nên phải tăng giá bán để trục lợi.

“Tôi sẽ làm việc ngay với căngtin và yêu cầu chỉnh giá hợp lý, niêm yết giá công khai. Tôi sẽ trực tiếp giám sát và khoa dinh dưỡng sẽ giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để gây thiệt hại cho bệnh nhân. Nếu sai với những gì đã cam kết, chúng tôi sẽ yêu cầu ngưng hoạt động” – ông Thức nói.

Ông cho biết thêm bệnh viện cũng muốn tổ chức căngtin để dễ dàng quản lý và phục vụ tốt cho bệnh nhân nhưng không có nhân sự, biên chế để làm việc này.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều mặt hàng bán với giá rất cao so với giá siêu thị bên ngoài.

Trưởng phòng hành chính bệnh viện Nguyễn Hồng Hà cho biết tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu của bệnh viện là giá cả hợp lý, kinh nghiệm và năng lực. Giá bán cao có thể do thời điểm nhập hàng có lúc giá cao, có lúc giá thấp hơn.

Ông khẳng định bệnh viện không bảo kê cho vấn đề đội giá để “chém chặt” bệnh nhân. Bệnh viện có đội đi giám sát các vấn đề về dịch vụ đấu thầu phải theo quy định của Nhà nước, kiểm tra nhắc nhở.

Đại diện bệnh viện cũng cho biết bệnh viện sẽ giám sát để cân đối giá, kiểm soát trong nhiều tuần việc thực hiện cam kết giá, nếu không sẽ phạt theo hợp đồng.

Do mức giá đấu thầu cao?

Theo ý kiến của một nhà thầu tại một bệnh viện lớn của TP, một số bệnh viện khi đấu thầu chỉ tập trung vào yếu tố giá. Đơn vị nào ra giá thầu cao hơn thì được nhận.

Ông này cho biết nhiều đơn vị trúng thầu với giá cao hơn rất nhiều so với giá ban đầu bệnh viện đưa ra. Vị này cho rằng việc đưa ra mức thầu cao như vậy đã buộc các nhà thầu phải nâng giá để bù lại chi phí.

Thực tế dựa trên số lượng bệnh nhân, bệnh viện có thể tính toán được tương đối giá thầu như thế nào là hợp lý.

NHÓM PV CTXH