6 kỹ năng giúp trẻ phòng ngừa bạo lực học đường
Sau hàng loạt vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận, giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan (ĐH Nguyễn Huệ – Đồng Nai) đã gởi đến Tuổi Trẻ Online bài viết nhằm góp phần loại bỏ vấn nạn này.
6 kỹ năng giúp trẻ phòng ngừa bạo lực học đường
Sau hàng loạt vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận, giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan (ĐH Nguyễn Huệ – Đồng Nai) đã gởi đến Tuổi Trẻ Online bài viết nhằm góp phần loại bỏ vấn nạn này.
|
Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu những vụ bạo lực học đường trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy kể cả trẻ gây ra bạo lực hay là nạn nhân của bạo lực học đường đều do thiếu kỹ năng trước các hoàn cảnh bạo lực cụ thể.
Đó chính là các cách ứng xử, hành vi, lời nói thích ứng có hiệu quả tìm ra lối thoát khỏi bế tắc trong tình huống nảy sinh bạo lực như bắt nạt, cô lập, hành hung…
Đối với lứa tuổi nhạy cảm này, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để hình thành cho các em những kỹ năng cần thiết sau:
1. Kỹ năng nhận biết các dấu hiệu của bạo lực học đường. Cũng như các tệ nạn xã hội khác, bạo lực học đường có những dấu hiệu đặc trưng tiềm ẩn hoặc biểu hiện qua các ứng xử hằng ngày giữa học sinh với nhau.
Để cảnh cáo bọn gây rối trẻ cần học cách tạo tư thế tự tin, bản lĩnh như đứng thẳng, ngẩng cao đầu. Nhìn thẳng vào đối tượng đi gây gổ, ức hiếp, dùng câu trả lời dứt khoát mạnh mẽ, những lời ngắn gọn. Dạy trẻ lưu ý đối với nhóm chuyên gây bạo lực học đường, chúng rất thích chọc ghẹo những ai yếu đuối, khép nép và đừng bao giờ tỏ thái độ, hành vi khiêu khích, gây sự chú ý không cần thiết từ những nhóm bạn xấu”. |
Giảng viên Tâm lý Lê Phạm Phương Lan |
Nhất là dấu hiệu tiền bạo lực như nhìn đểu, trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay, ruồng bỏ, cô lập, luôn bị gây sự, bị ức hiếp, hăm dọa, mang hung khí trong người… Nếu trẻ được trang bị những kỹ năng nhận biết các dấu hiệu nguy cơ bạo lực học đường, từ đó trẻ sẽ biết cách né tránh khỏi bế tắc trong cách hành xử.
2. Kỹ năng bày tỏ chính kiến để phê phán và tiếp nhận các cách phòng chống bạo lực học đường. Phải hình thành cho trẻ kỹ năng nhận biết, phân tích, đánh giá các hành vi, biểu hiện thái độ của những người xung quanh. Trẻ sẽ biết phân định đâu là đúng - sai, tốt - xấu.
Nhờ đó trẻ biết lựa chọn học hỏi hành vi tốt, phù hợp với chuẩn mực xã hội, tránh được hành vi xấu không được xã hội chấp nhận. Trong các vụ bạo lực học đường, trẻ có thể là nạn nhân và cũng có thể là thủ lĩnh, gấu nhí, nhưng cả hai đều gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách.
Khi trẻ nhận định, phân tích, trẻ cũng biết được gây ra bạo lực học đường là hành vi xấu, không được xã hội chấp nhận, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý và phải cải tạo trong trường giáo dưỡng, từ đó mà lựa chọn cách ứng xử phù hợp.
3. Kỹ năng hoà nhập và tham gia các nhóm bạn, hội bạn nhằm phòng chống bạo lực học đường. Biết tham gia vào các nhóm bạn khác nhau như nhóm bạn học tập, nhóm bạn học tiếng Anh, nhóm bạn chơi thân…
Duy trì và phát triển sự thân thiện các mối quan hệ bạn bè giúp trẻ tương tác một cách tích cực với những người xung quanh. Kỹ năng này cũng hướng trẻ biết chọn bạn mà chơi, cùng bạn tìm cách né những trận ẩu đả và nhờ bạn thông tin đến người khác nếu có dấu hiệu của việc gây sự, xung đột. Tránh những người bạn “trái tính, trái nết” có nguy cơ tiềm ẩn bạo lực học đường.
4. Kỹ năng làm chủ và ứng phó với hệ lụy do bạo lực học đường. Học sinh các cấp trung học cơ sở và đầu trung học phổ thông thì hoạt động chủ đạo là thiết lập các mối quan hệ bạn bè. Các em rất coi trọng tình cảm trong tình bạn. Một chút bất hoà cũng làm cho chúng “mất ăn, mất ngủ”, thậm chí rơi vào trạng thái stress.
Thường trực có suy nghĩ bất mãn là bị bạn bè sỉ nhục thì không còn gì thể diện nên xuất hiện ý định tiêu cực. Vì thế người lớn phải gần gũi, quan tâm, chia sẻ động viên trẻ biết vượt qua, bản lĩnh hơn mà sống và học tập. Kỹ năng này giúp học sinh cân bằng tâm lý, tránh được trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực, tránh được sự trầm cảm - nguy cơ cao nhất dẫn đến tự tử.
5. Kỹ năng kiềm chế cảm xúc tiêu cực khi bị bạo hành. Học sinh ở giai đoạn này thường cảm xúc của chúng chưa ổn định, dễ bị xáo trộn, dễ bị kích động dẫn đến “làm càn”, hoặc bị trầm cảm quá mức dẫn tới hành vi tiêu cực tự tổn thương, tự sát… Học sinh nếu bị rơi vào thế bị bạo lực (bị ức hiếp, tẩy chay, bị đánh đập) sẽ bế tắc, không kiểm soát được mình, dẫn tới hậu quả xấu.
Do đó, cần dạy cho trẻ các kỹ năng kiểm soát cảm xúc bằng cách biết như hít thở sâu, đếm từ 1-10, nghĩ đến một câu chuyện hài, tìm mọi cách để hạ hỏa. Cùng thảo luận về các tình huống giả định, khuyến khích trẻ tự nghĩ ra cách xử lý tình huống, nếu chưa hợp lý thì người lớn điều chỉnh, uốn nắn phù hợp. Khuyến khích các buổi diễn tập bằng lời nói và hành động. Đóng vai theo chủ đề các cảnh bạo lực, hướng dẫn thực hành, trình diễn
6. Kỹ năng xử lý tình trạng khẩn cấp, bất thường khi xảy ra bạo lực học đường. Biết cầu cứu khi đối mặt với nguy cơ bạo lực học đường, đừng bao giờ để mình rơi vào thế bí, trở thành nạn nhân của những cuộc hành hung. Cũng đừng nghĩ rằng chúng sẽ đánh mình cảnh cáo chứ không dám quá tay.
Nếu cần thiết hãy nhẫn nhịn, lùi bước để tránh bạo lực nhưng không phải cam chịu “liều mình” chịu trận. Tìm những người đáng tin cậy gần nhất để chia sẻ những dấu hiệu tiền bạo lực. Trẻ có thể gặp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tổng phụ trách Đội, người phụ trách Đoàn thanh niên, chuyên viên tâm lý học đường… hoặc bất kỳ ai là người lớn hơn có khả năng cứu giúp mình và trình bày ngắn gọn, rõ ràng vấn đề mình đang gặp phải.
Tốt nhất là khi bị trêu chọc, sỉ nhục nên im lặng, coi như không có chuyện gì, đi thẳng về hướng có đông người khác. Nếu thấy nguy hại đến thân thể, trẻ có thể cầu cứu bằng cách la lớn, chạy nhanh đến những nơi an toàn như phòng bảo vệ, nhà người dân và gọi điện thoại cho người thân.
Đánh nhau là phương thức cuối cùng nếu trẻ buộc phải tự vệ, phản kháng. Vì thế, nếu có điều kiện nên cho trẻ học một số động tác võ thuật để tự bảo vệ mình, nhằm phòng ngừa bạo lực học đường một cách nhân văn.