23/12/2024

Zika tăng nhanh ở TP.HCM

Nhiều người nghĩ rằng Zika có biểu hiện bệnh nhẹ, không nguy hiểm như sốt xuất huyết, nhưng thực tế Zika tiềm ẩn nguy hiểm về lâu dài.

 

Zika tăng nhanh ở TP.HCM

Nhiều người nghĩ rằng Zika có biểu hiện bệnh nhẹ, không nguy hiểm như sốt xuất huyết, nhưng thực tế Zika tiềm ẩn nguy hiểm về lâu dài.

 

 

Zika tăng nhanh ở TP.HCM
Trung tâm Y tế dự phòng Q.2 tổ chức phun thuốc diệt muỗi trong nhà, ngoài ngõ tại P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM – Ảnh: VĂN TIÊN

Giám sát dịch tễ trong 4 tuần gần đây tại khu vực TP.HCM, ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đánh giá số mắc Zika đang gia tăng/số mẫu lấy, ở giai đoạn đầu giám sát tỉ lệ mắc trên số mẫu lấy là 6% và gần đây đã tăng lên 12%.

Theo ông Lân, biểu hiện bệnh ở người nhiễm Zika khá giống với bệnh sốt xuất huyết, cũng đau đầu, sốt, đau khớp, đau cơ, phát ban…, nhưng ở phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu thai kỳ thì tiềm ẩn nguy cơ sinh con bị dị tật đầu nhỏ, không loại trừ có thể có những dị tật khác ở mắt, tai, xương.

Zika đang lan rộng

TP.HCM vừa ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới và số mắc trên toàn thành phố đã lên tới 17 ca, tính đến chiều 1-11. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành phía Nam như Long An, Đắk Lắk, Trà Vinh, Khánh Hoà… đã ghi nhận người nhiễm Zika.

Khánh Hòa cũng có nghiên cứu xác nhận tỉ lệ muỗi tự nhiên mang virút Zika còn cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết vốn là căn bệnh đã lưu hành nhiều năm ở VN.

Theo ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số ca mắc và địa bàn có người mắc Zika ở VN sẽ còn lan rộng, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.

“Mưa nhiều, đô thị hoá và thời tiết nóng – ẩm là điều kiện để muỗi vằn phát triển. TP.HCM mỗi ngày đón khoảng 60% khách du lịch tới VN, thế giới có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc Zika, khu vực Đông Nam Á thì 2-3 tháng gần đây số ca mắc gia tăng nhanh”- ông Phu phân tích.

Theo ông Phu, bên cạnh giám sát để phát hiện và xử lý các ổ dịch Zika, hiện phòng chống lây truyền Zika từ mẹ sang con là hoạt động cần tập trung nhiều nhất. Qua thăm khám thực tế cho bé gái hơn 4 tháng tuổi bị dị tật đầu nhỏ liên quan tới Zika ở Đắk Lắk, ông Phu cho biết chu vi vòng đầu của bé nhỏ hơn các bạn cùng lứa tuổi tới 7-8cm.

“Zika đã được ghi nhận từ 1947 nhưng các nghiên cứu về căn bệnh này và chứng đầu nhỏ mới chỉ được tiến hành tập trung từ năm 2015 đến nay. Có những thống kê quốc tế cho thấy khu vực châu Mỹ Latin bị thiệt hại 3,5 tỉ USD năm 2016 do Zika, nhưng khoản kinh phí để hỗ trợ chăm sóc trẻ bị dị tật đầu nhỏ do virút Zika và gia đình của họ trong tương lai sẽ lớn hơn nhiều lần”- ông Phu chia sẻ.

Phòng chống ra sao?

Theo ông Phan Trọng Lân, gần 80% những trường hợp nhiễm virút Zika không có biểu hiện lâm sàng với thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Đường lây truyền bệnh chính là do muỗi mang virút Zika truyền, nhưng theo ông Phu, có những nghiên cứu cho rằng virút Zika cũng có trong nước mắt.

Virút Zika cũng có thể lây qua quan hệ tình dục và thời gian an toàn để phòng tránh lây truyền bệnh do virút Zika qua đường tình dục lên tới… 6 tháng, thậm chí có tài liệu cho biết thời gian nguy cơ có thể dài hơn 6 tháng. Trong giai đoạn này, các cặp vợ chồng và bạn tình nên thực hiện tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su.

Theo ông Lân, các bằng chứng cho đến nay thì người đã mắc Zika được coi như có miễn dịch suốt đời.

Theo ông Trần Danh Cường, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, bên cạnh Zika hiện có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến dị tật não bé ở trẻ em, nhưng 1-10% bà mẹ mang thai mắc Zika trong ba tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sinh con bị dị tật não bé.

“Nếu thai phụ có các triệu chứng của bệnh do virút Zika thì siêu âm có thể phát hiện ra dị tật não bé, nếu đo chu vi vòng đầu của thai nhi liên tiếp hai lần cách nhau một tuần mà vòng đầu không tăng có thể nghĩ đến dị tật đầu nhỏ để tiếp tục sàng lọc và tư vấn”- ông Cường cho biết.

Ngoài ra, đối với khu vực phía Nam từ tháng 9 đến tháng 11 là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, mật độ muỗi cao trong năm. Với hai lý do này khi số người nhiễm virút Zika gia tăng thì khả năng lây nhiễm virút này cho những người có thai, dự định mang thai 
sẽ lớn hơn.

Khác nhau giữa Zika và sốt xuất huyết

Theo ông Lân, biểu hiện của hai căn bệnh này là khá giống nhau, nhưng người mắc sốt xuất huyết có thể có những dấu hiệu lâm sàng nặng nề hơn, trong khi phần lớn người mắc Zika được coi là mức độ bệnh nhẹ.

Tuy nhiên nếu được điều trị sớm, đúng phương pháp thì người mắc sốt xuất huyết đều khỏi bệnh và không để lại di chứng. Trong khi nếu người nhiễm virút Zika là phụ nữ mang thai ở ba tháng đầu thai kỳ thì có nguy cơ sinh ra trẻ bị dị tật đầu nhỏ.

Nếu trường hợp bệnh nhẹ, không phát hiện bệnh ngay từ thời điểm mang thai, đến khi trẻ được sinh ra mới được xác định bị dị tật thì việc phòng chống dịch sẽ bị chậm trễ ít nhất là 6 tháng.

Ông Lân lưu ý những người đã bị mắc virút Zika ít nhất trong 7 ngày đầu kể từ khi mắc bệnh không để muỗi đốt vì thời gian này virút trong máu nhân lên nhiều nhất và khi muỗi đốt có thể lây lan cho người khác.

Kiểm tra liên tục

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết ban chỉ đạo phòng chống dịch ngành y tế TP.HCM nhận định có thể thêm nhiều trường hợp mắc mới trong thời gian tới. Trong sáng 1-11, 3 tổ công tác do lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP đã kiểm tra hoạt động phòng chống Zika và sốt xuất huyết tại các phường xã có trường hợp nhiễm virút Zika và sẽ tiếp tục kiểm tra trong những ngày tiếp theo.

LAN ANH – THÙY DƯƠNG