23/12/2024

Lo ngại ứng xử của phụ huynh với giáo viên

Việc phụ huynh đến trường thóa mạ, chửi bới giáo viên, thậm chí sử dụng bạo lực vì cho rằng giáo viên có lỗi với con mình không còn là chuyện hiếm. Cách ứng xử này nhận được nhiều ý kiến lo ngại.

 

Lo ngại ứng xử của phụ huynh với giáo viên

Việc phụ huynh đến trường thóa mạ, chửi bới giáo viên, thậm chí sử dụng bạo lực vì cho rằng giáo viên có lỗi với con mình không còn là chuyện hiếm. Cách ứng xử này nhận được nhiều ý kiến lo ngại.




 

 

Minh hoạ: DAD

Con mình luôn luôn đúng !
Mới đây tại Đà Nẵng, một phụ huynh đã xông vào trường giờ tan học, tát cô giáo ngay trước mặt con và đông đảo học sinh (HS) khác, gây nhiều bức xúc về hành vi ứng xử. Theo tường trình của giáo viên (GV), trước đó trong giờ ngủ trưa, HS nói chuyện với bạn, không chịu ngủ mặc dù được GV nhắc nhở nhiều lần. GV đã phát vào vai HS, móng tay trượt qua mặt gây xước. Buổi chiều đi đón con thấy có vết xước ở má, nghe con kể là do cô đánh, phụ huynh lập tức dẫn con lao vào sân trường tát cô giáo.
Giám thị của một trường tiểu học tại Q.Tân Phú, TP.HCM chia sẻ: “Thực sự có rất nhiều áp lực cho GV ở trường. Mỗi lớp có đến 40 – 50 HS. Các cháu lại đang ở lứa tuổi quậy phá, ít khi nghe lời. Nhiều khi mệt mỏi, nói mà HS bướng bỉnh không nghe, cô lấy thước đánh nhẹ vào mông hay tay để nhắc nhở. Trẻ bèn về nhà mách phụ huynh. Phụ huynh chưa cần biết cụ thể câu chuyện ra sao, cứ tưởng con mình bị đánh đau một cách vô cớ, bèn chạy lên trường xông vào gặp cô giáo với thái độ rất nóng nảy. Bảo vệ giữ lại thì chửi bới đòi phản ánh lên báo chí, viết bài lên Facebook…”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi, TP.HCM, nhận định: “Không có cha mẹ nào không thương con. Chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ về điều đó. Nhưng cũng chính vì quá thương con nên nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn tin vào những câu chuyện con kể về trường lớp. Nhiều em gây ra lỗi nhưng khi về nhà lại kể méo mó câu chuyện, hướng lỗi về phía nhà trường gây hiểu lầm cho phụ huynh”.
Theo ông Dương Thanh Tùng, một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), đa số cha mẹ ít khi chấp nhận con mình sai mà luôn nghĩ lỗi thuộc về nhà trường. “Sau khi nghe con kể chuyện, điều phụ huynh nên làm là hỏi thêm để tìm hiểu xem con mình có điều gì mâu thuẫn không, có nói dối, nói sai chỗ nào không? Nếu nhận định cô giáo có những cư xử chưa đúng thì gọi điện hoặc hẹn gặp GV để trao đổi, giải tỏa sự việc, tránh để con trẻ thấy giữa nhà trường và gia đình có sự căng thẳng, mâu thuẫn”, ông Tùng nêu quan điểm.
Không dám phạt học trò
Mặc dù Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với HS các trường phổ thông nêu rất rõ về các trường hợp vi phạm và cách xử lý nhưng hầu hết các trường đều rất hạn chế việc xử phạt học trò. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), cho biết: “Nếu HS mắc lỗi, thường nhà trường cố gắng tránh phải đưa ra các hình thức kỷ luật, làm sao để môi trường học tập yên ổn là tốt nhất. Chúng tôi hạn chế lỗi của học trò bằng cách khuyên răn từng bước một. Đầu năm học họp phụ huynh, trường cũng đưa ra các tình huống để mong phụ huynh hỗ trợ, phối hợp với trường trong việc giáo dục con em. Về phía GV, chúng tôi họp hằng tháng động viên thầy cô ráng kiềm chế nếu học trò có lời nói hay hành vi chưa đúng mực, đồng thời nghiêm cấm GV đánh HS”.
Ông Nguyễn Văn Hùng tâm sự: “Tại Trường THCS Đồng Khởi, với những vi phạm mang tính xúc phạm, trường sẽ mời phụ huynh lên trao đổi hợp tác xử lý. Tuy nhiên, trước những tình huống như vậy, chúng tôi vẫn động viên GV cần bình tĩnh, kiềm chế”.
Một GV chủ nhiệm đang công tác tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM) tâm tư: “Ngày nay GV rất ngại va chạm với học trò. Chỉ cần HS về nói sai lệch với cha mẹ là GV gặp rắc rối. Với HS bướng bỉnh, ham chơi, bỏ học, quậy phá, mắc lỗi thì GV chỉ dám nhắc nhở chứ không dám phạt. Phụ huynh cưng con như vàng, ngọc nên thường sẽ cảm thấy khó chấp nhận khi con mình bị phạt”.
Trẻ sẽ ỷ lại, ương bướng

Phụ huynh nên cho trẻ về đúng vị trí của bé: một thành viên đồng đẳng trong gia đình, là một cá nhân của xã hội, thành viên của một tổ chức, có quy định, luật lệ. Thương con không đúng cách sẽ thành hại con, trẻ sẽ ỷ lại, ương bướng và khó bảo theo suốt cuộc đời về sau. Làm được như vậy, phu huynh cần theo dõi, uốn nắn dạy dỗ các bé cùng với việc trao đổi thường xuyên với cô giáo để rèn các dấu hiệu tiêu cực, khen các tín hiệu tích cực.    
Trần Hưng (phụ huynh tại Q.1, TP.HCM)
Không nên hành xử thô bạo
Việc đánh GV là ý thức kém hiểu biết của một số phụ huynh nóng tính. Cha mẹ muốn thể hiện với con rằng “có ba mẹ đây, đừng sợ” mà không hề biết hậu quả của việc này: Con sẽ hành xử bạo lực tương tự. Đồng thời chúng sẽ có tâm lý vênh váo, đắc ý với bạn bè và thậm chí ngay cả với thầy cô, rằng “nếu động vào tôi đã có ba mẹ tôi xử lý”. Trong bất cứ tình huống nào, phụ huynh cũng nên nhẹ nhàng gặp GV hỏi cho rõ chứ không nên có cách hành xử thô bạo.    
Xuân Nghĩa (phụ huynh tại TP.HCM)
Con học được gì nếu thấy mẹ đánh GV ?
Nếu HS đánh nhau là xấu thì hiện tượng thầy cô giáo đánh HS, thầy cô giáo đánh nhau, phụ huynh đánh GV lại càng xấu. Nếu cứ nghe con bị mắng, bị phạt, bị “đì” là xông vào trường phản ứng với GV thì chỉ khiến con học được ở ba mẹ cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, cách đổ lỗi cho người khác. Con sẽ vô thức bắt chước cách giải quyết vấn đề của ba mẹ. Con mình sẽ học được gì nếu phụ huynh đánh GV?    
Thu Hà (phụ huynh ở Hà Nội)
Xung đột gây khủng hoảng niềm tin
Gia đình và nhà trường phải là đồng minh trong việc giáo dục con trẻ. Nếu 2 lực lượng này xung đột, trẻ sẽ khủng hoảng niềm tin, không biết phải theo giá trị nào. Khi GV bị cha mẹ đánh ngay trước mặt, trẻ sẽ thấy hả hê, từ đó coi thường GV. Vai trò của người thầy, của môi trường giáo dục sẽ suy giảm đáng kể. Lâu dần, GV sẽ thờ ơ, không quan tâm tới hành vi đúng sai của trẻ vì sợ đụng chạm.  
 Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A (Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM)
Hình thành tâm lý, hành vi lệch lạc cho trẻ
GV đánh HS là sai nhưng phụ huynh đánh GV cũng sai. Trẻ được ba mẹ bảo vệ bằng cách đó sẽ coi thường GV. Lúc đó, học trò sẽ không nghe lời thầy, tự do làm điều mình muốn trong lớp học, nguy hiểm hơn là hình thành tâm lý và hành vi lệch lạc, chẳng hạn như coi thường nhà trường và thầy cô, thích sử dụng bạo lực…    
Dương Thanh Tùng (phụ huynh ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM)


Mỹ Quyên