23/12/2024

Dân ‘cố thủ’ trong chung cư chưa xây xong, làm sao di dời?

Thực tế tại TP.HCM cho thấy khi người mua căn hộ đã vào sống trong chung cư chưa nghiệm thu, cơ quan chức năng rất khó xử lý đưa người dân ra ngoài.

 

Dân ‘cố thủ’ trong chung cư chưa xây xong, làm sao di dời?

Thực tế tại TP.HCM cho thấy khi người mua căn hộ đã vào sống trong chung cư chưa nghiệm thu, cơ quan chức năng rất khó xử lý đưa người dân ra ngoài.

 

 

 

Dân 'cố thủ' trong chung cư chưa xây xong, làm sao di dời?
Chung cư Sài Gòn Town số 83/16 Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú dù chưa nghiệm thu nhưng nhiều hộ dân đã nhận nhà vào ở – Ảnh: TỰ TRUNG

Thời gian qua tại một số chung cư chưa nghiệm thu, khi người dân vào ở, chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng, vật liệu ngổn ngang, không đảm bảo an toàn.

Dân “cố thủ”, khó di dời

Tại chung cư Bảy Hiền Tower (Q.Tân Bình), sau khi phát hiện chủ đầu tư đưa người dân vào ở khi công trình chưa hoàn thiện, cơ quan chức năng sử dụng biện pháp cắt điện, nước, tạo áp lực buộc chủ đầu tư di dời người dân ra.

Việc làm này gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân. Sau đó, dù chủ đầu tư thuê khách sạn để di dời người dân ra ở tạm nhưng họ vẫn không chịu vì sợ chật hẹp, sinh hoạt bất tiện.

Tiếp đó, chủ đầu tư đồng ý phương án dời các hộ dân này sang các căn hộ rộng thoáng ở chung cư Bàu Cát 2 (Q.Tân Bình) nhưng họ cũng không chịu đi. Sau đó, hàng loạt cuộc họp, phương án được đưa ra nhưng đến nay người dân vẫn một mực xin ở lại…

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hầu hết người dân vào sinh sống trong chung cư chưa nghiệm thu khi được yêu cầu dời ra đều “cố thủ”, không chịu ra. Cơ quan chức năng cũng rất khó dùng biện pháp cưỡng chế hành chính vì liên quan đến tài sản của người dân. Vì vậy phải vừa vận động, thuyết phục người dân vừa buộc chủ đầu tư chấp hành.

Theo vị đại diện này, việc để “lọt” các chung cư vi phạm là do chủ đầu tư lén lút đưa dân vào ở. Lực lượng thanh tra của sở tại địa bàn không đủ để chốt chặn 24/24 giờ. Ngoài ra, nhiều chung cư khi xây xong phần thô, người dân tự đến hoàn chỉnh nội thất, rồi lén lút dọn vào ở nên rất khó kiểm soát.

Khi phát hiện, thanh tra sở kết hợp với UBND quận và phường xử phạt, yêu cầu chủ đầu tư bố trí chỗ ở tạm để di dời dân ra nhưng không nhận được sự hợp tác của người dân.

Trả lời câu hỏi để xảy ra sai phạm thì trách nhiệm thuộc về ai, vị này cho biết việc kiểm tra các dự án nhà ở thương mại thuộc về trách nhiệm của thanh tra Sở Xây dựng TP, nhưng một mình lực lượng này không thể kiểm soát hết được.

Vì vậy cần sự phối hợp của chính quyền địa phương nơi các dự án đang xây dựng. Riêng trường hợp cư dân vào chung cư chưa nghiệm thu ở “chui” nhưng vẫn đăng ký tạm trú tại địa phương thì cơ quan đăng ký cho người dân phải chịu trách nhiệm.

Cơ quan chức năng không thể bất lực

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 12-10 đăng bài “Ép khách vào ở chung cư dở dang?” phản ánh nhiều chủ đầu tư chung cư tại TP.HCM vi phạm khi cho khách vào ở tại chung cư chưa xây xong, UBND Q.Tân Phú cho biết riêng trên địa bàn quận này đã phát hiện năm chung cư cho dân vào ở khi chưa nghiệm thu.

Đó là các chung cư: Sài Gòn Town, Đặng Thành (P.Hòa Thạnh), Khang Gia, Tân Hương (P.Tân Quý) và Babylon (P.Tân Thành). Trong đó ở chung cư Khang Gia, chủ đầu tư đã đưa dân vào ở 300/338 căn hộ. Hiện nay việc xử lý đối với những chung cư này chỉ dừng lại ở việc lập biên bản buộc chủ đầu tư ngưng bàn giao căn hộ và di dời người dân ra khỏi chung cư.

Thực tế cho thấy do không chặn ngay từ đầu nên việc xử lý vi phạm về sau gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có chung cư người dân vẫn được đăng ký tạm trú trước khi dọn vào ở. Tuy nhiên khi được hỏi, cơ quan chức năng lại cho rằng do người dân vào ở “chui” nên không phát hiện sớm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết để xảy ra việc chủ đầu tư đưa dân vào ở công trình chưa nghiệm thu cần quy trách nhiệm cụ thể. Theo ông Hiệp, trước giờ cơ quan chức năng chưa giải quyết mạnh tay nên tình trạng này cứ tiếp diễn. Trong việc này, ông Hiệp chỉ rõ trách nhiệm cao nhất là của chủ đầu tư, sau đó đến cơ quan chức năng.

Theo ông Hiệp, khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng phải có nhiều biện pháp xử lý thật nặng mới đủ răn đe chủ đầu tư. Cơ quan chức năng không thể nói bất lực trước việc xử lý vi phạm của chủ đầu tư và bất lực trong việc di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngay cả Bộ Xây dựng nếu thấy địa phương nào lề mề xử lý tình trạng sai phạm cũng cần phải có tiếng nói, quan điểm chỉ đạo xử lý. “Vi phạm thì cơ quan nhà nước đã biết hết, không thể nói do sơ suất, khó quá mà không xử lý” – ông Hiệp nói.

Kiến nghị tăng mức phạt lên nhiều lần

Theo UBND Q.Tân Phú, mức phạt tại nghị định 121 năm 2013 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng) chỉ xử phạt hành vi đưa người vào ở khi công trình chưa nghiệm thu của chủ đầu tư ở mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Mức phạt này chưa đủ răn đe đối với chủ đầu tư. Do hành vi này có thể gây nguy hại đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân nên UBND Q.Tân Phú đã có văn bản kiến nghị Sở Xây dựng TP báo cáo UBND TP để kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng tăng mức phạt lên nhiều lần đối với hành vi vi phạm trên.

TIẾN LONG, [email protected]