22/01/2025

Tự vẫn sau sinh vì trầm cảm

Giữa tháng 10, một phụ nữ 25 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội mới sinh con được một tháng đã nhảy cầu tự tử vì bị trầm cảm sau sinh khiến nhiều người bàng hoàng trước sự nguy hiểm của chứng bệnh này.

 

Tự vẫn sau sinh vì trầm cảm 

Giữa tháng 10, một phụ nữ 25 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội mới sinh con được một tháng đã nhảy cầu tự tử vì bị trầm cảm sau sinh khiến nhiều người bàng hoàng trước sự nguy hiểm của chứng bệnh này.

 

 

 

Tự vẫn sau sinh vì trầm cảm 
Điều trị cho bệnh nhân trầm cảm sau sinh tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 – Ảnh: QUỲNH LIÊN

Gần đây, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 tiếp nhận nhiều ca bệnh trầm cảm nặng.

Khốn khổ khi gia đình không tin bệnh

Chị T. ở Thanh Hoá nhập viện do trầm cảm, có ý định tự tử. Theo TS.BS Tô Thanh Phương – phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, sau khi sinh con được một tháng, chị T. xuất hiện các biểu hiện khác thường như bồn chồn không yên, bứt rứt khó chịu, mất năng lượng làm việc.

Chị T. tìm hiểu thì biết mình có những triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh, tuy nhiên khi thổ lộ điều này với chồng thì liền bị át đi, cả gia đình nhà chồng không tin, cho rằng chị T. lười biếng nên mượn cớ bệnh để thoái thác việc. Không khí gia đình chị vì thế rất căng thẳng.

Đỉnh điểm chị T. định ôm con nhảy từ lầu hai xuống đất tự vẫn vì cho rằng đứa con chính là căn nguyên của mọi bức xúc, ức chế của bản thân.

Chị T. đến khám ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, các bác sĩ xác định bị trầm cảm sau sinh rất nặng. Sau khi trải qua các liệu pháp điều trị tâm thần, chị T. đã ổn định và được xuất viện 10 ngày qua.

Còn chị A. 25 tuổi ở Nam Định bị suy giảm cân nặng nghiêm trọng từ 57kg xuống còn 24kg, trong vòng 5 tháng sau sinh. Nữ bệnh nhân này cũng cho biết đã từng có ý định ôm con tự tử.

Không thể coi thường

TS.BS Tô Thanh Phương cho biết bệnh trầm cảm sau sinh hiện chưa được xã hội nhìn nhận đúng mực.

Rất nhiều người bệnh đã chia sẻ với ông Phương rằng không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tinh thần từ phía bạn đời, người thân khi họ có những biểu hiện của rối loạn tâm lý, trầm cảm sau sinh.

Thậm chí, có phụ nữ khi gặp các triệu chứng của trầm cảm sau sinh muốn đến khám bác sĩ nhưng bị gia đình ngăn cản, cấm đoán, không ít người đã có ý định tự tử vì rơi vào tình trạng không ai tin mình bị bệnh, không biết chia sẻ với ai…

Theo ông Phương, về mặt sinh lý, phụ nữ mang thai gia tăng nhanh chóng lượng hormone estrogen nhưng khi sinh xong, lượng hormone này bị suy giảm đột ngột kéo theo các vấn đề về tâm sinh lý.

Hầu hết các phụ nữ sau sinh trong tuần đầu đều có tình trạng lo lắng thái quá, bất an, rối loạn giấc ngủ, hay suy nghĩ lung tung…

Nếu tình trạng trên kéo dài hơn 10 ngày không suy giảm thì sẽ có nguy cơ nặng, trở thành bệnh, còn triệu chứng kéo dài từ ngày thứ 15 trở đi thì người phụ nữ được xác định có bệnh lý loạn thần sau sinh (hưng cảm quá mức và trầm cảm).

Theo thống kê, cứ 100 phụ nữ sau sinh sẽ có từ 1-1,5 người bị loạn thần sau sinh và chiếm từ 70-80% trong số này là bị trầm cảm.

Nên chuẩn bị tốt 
trước khi sinh

Cũng theo bác sĩ Phương, bệnh lý trầm cảm nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng đang có xu hướng tăng do áp lực phát triển của xã hội.

Kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều, lối sống hiện đại như quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai trước hôn nhân… là căn nguyên gián tiếp của trầm cảm sau sinh.

Nguyên nhân trực tiếp là từ cuộc sống gia đình, quan hệ vợ chồng không hòa thuận và cả tính cách của con người. Người nào sống khép kín, có điều gì cứ chôn chặt trong lòng thì sẽ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn.

“Trước khi có ý định mang thai, người phụ nữ phải được chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần, sức khỏe thể chất, vật chất và sự hòa thuận vợ chồng. Nếu như kết hôn và mang thai trong tình trạng túng thiếu, nợ nần hẳn người phụ nữ sẽ rơi vào trạng thái bất an, lo lắng, và nếu như cộng vào đó là sức khoẻ không tốt, không được sự chia sẻ từ phía người thân trong việc chăm sóc bản thân và đứa con, sản phụ sẽ có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh” – bác sĩ Phương nói.

Bác sĩ Phương nhấn mạnh đến vai trò của người chồng trong việc quan tâm và chia sẻ với vợ việc chăm sóc con cái. Trong quá trình vợ mang thai và sinh đẻ, người chồng càng phải trách nhiệm hơn, gánh vác tài chính, đừng để vợ phải lo lắng kinh tế.

Đặc biệt là những tuần đầu sau sinh, khi người phụ nữ thường có các biểu hiện tâm lý bất an, hay cáu gắt, mất ngủ, người chồng cần phải ở bên cạnh động viên, chăm sóc vợ con nhiều hơn để tránh các biểu hiện tâm lý tiến triển thành bệnh lý trầm cảm.

Các triệu chứng nhận diện trầm cảm

Bốn triệu chứng chính: khí sắc buồn rầu, bi quan chán nản. Giảm sở thích, giảm hứng thú. Giảm năng lượng, mệt mỏi. Không muốn làm gì.

Bảy triệu chứng phụ: Giảm sự tập trung, do dự không quyết đoán. Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan. Giảm sút lòng tự trọng, tự tin. Nghĩ mình tội lỗi, không xứng đáng. Có ý định, hành vi tự sát. Rối loạn giấc ngủ. Rối loạn ăn uống.

Xuất hiện một số hoang tưởng

Theo các bác sĩ, hầu hết những phụ nữ trầm cảm sau sinh xuất hiện những hoang tưởng xung quanh đứa con như: chăm sóc, lo lắng cho đứa trẻ thái quá, trời nóng lo lạnh mặc nhiều quần áo quá, ủ kỹ quá, trời lạnh lại lo trẻ nóng, để trẻ mặc áo mỏng, bật quạt…

Hoặc suy nghĩ tiêu cực về tương lai đứa con như sau này con sẽ không ra gì, không rõ ràng về giới tính… Có khi lại lo con bị đánh tráo, bị bắt cóc.

Những trường hợp nặng hơn, người bệnh xuất hiện ảo thanh xui khiến tự tử hoặc giết con…

QUỲNH LIÊN