23/01/2025

Một ngày tập làm vườn của trẻ mầm non

Tại một trường mầm non, mỗi ngày các bé 4-5 tuổi có khoảng 20-30 phút tham gia lao động… như người lớn.

 

Một ngày tập làm vườn của trẻ mầm non

Tại một trường mầm non, mỗi ngày các bé 4-5 tuổi có khoảng 20-30 phút tham gia lao động… như người lớn.

 

 

 

Một ngày tập làm vườn của trẻ mầm non
Cô giáo hướng dẫn các bé nhổ cỏ trong vườn hoa – Ảnh: VĨNH HÀ

Đây là tiết học thú vị nhất trong ngày của những học sinh Trường mầm non Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội.

Khám phá

9g sáng, các bé mầm non 4-5 tuổi Trường mầm non Thạch Bàn có mặt tại vườn rau sạch ngay trong vườn trường. Các cô cấp dưỡng của trường cho biết hôm nay là buổi thu hoạch rau cải. Các bé được vào vườn rau để giúp các cô cấp dưỡng nhổ rau…

“Con thích lắm vì cô bảo các con hái rau giúp cô, rau này dùng để nấu canh cho chúng con trưa nay” – một bé gái nói.

Trong vườn rau, những đứa trẻ hồn nhiên nói với nhau: “Cô khen tớ làm tốt, phải nhổ thế này chứ?”. Không chỉ để trẻ trải nghiệm theo kiểu quan sát từ xa, làm thử qua quýt, mà với sự hướng dẫn của các cô giáo, các bé nhổ rau và xếp rất gọn gàng.

Các bé trai còn nhận nhiệm vụ khiêng rổ rau để lên bàn cân. Một bé trai tỏ vẻ rất hãnh diện vì được cô chọn để nhìn cân xem rau nặng bao nhiêu. Cậu bé với vẻ mặt nghiêm túc, chăm chú theo dõi cân, rồi đĩnh đạc thông báo “9 cân ạ!”.

Cô giáo hướng dẫn các bé cho thêm rau vào rổ để đủ 10 cân, rồi cô trò cùng chở rau trên chiếc xe đẩy, đến giao cho các cô cấp 
dưỡng ở nhà bếp.

Cô Nghi Hương, hiệu trưởng Trường mầm non Thạch Bàn, cho biết: “Ngoài việc hướng dẫn trẻ biết các kỹ năng trong một công việc cụ thể nào đó, chúng tôi cũng muốn trẻ biết được các công đoạn để tạo nên sản phẩm sử dụng trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là để các bé biết thành quả của lao động là thế nào”.

Tại một lớp học khác của Trường Thạch Bàn, trong giờ lao động, các bé được các cô giáo hướng dẫn nhổ cỏ và xới đất trong vườn. Mỗi bé được phát một cái bay nhỏ để xới đất. Các bé 4 tuổi chưa biết cách diễn đạt lưu loát, nhưng cũng tỏ ra hiểu biết những gì cô giáo hướng dẫn. “Xới đất để cây tốt hơn ạ” – một bé cho biết.

Trong khuôn viên trường, một nhóm học sinh khác được giao nhiệm vụ nhặt rác. Vì vườn trường khá sạch nên quanh đó chỉ có lá khô rơi. Một cậu bé thu hút sự chú ý của chúng tôi, với chiếc rổ nhặt lá trên tay. Mỗi khi bước vào đám cỏ để nhặt lá, cậu bé lại bỏ dép bên ngoài, đi chân không vào. Bé nói: “Con làm vậy 
để không hỏng cỏ”.

Các bé đều có những cử chỉ vụng về đúng với lứa tuổi của mình, nhưng thái độ lao động thì hào hứng và nghiêm túc.

Theo cô Nghi Hương, khi xây dựng trường, với lợi thế có diện tích rộng, trường đã cố gắng đưa vào vườn trường những cây ăn quả, những khoảnh đất trồng rau, trồng hoa… không chỉ với mục đích làm đẹp khuôn viên mà còn tận dụng để giáo dục lao động cho học sinh, tập cho các bé tiếp xúc, tìm hiểu môi trường tự nhiên trong điều kiện an toàn nhất có thể. Vườn trường có nhiều loại cây ăn quả như xoài, khế, bưởi đang ra quả.

Các bé sẽ được tìm hiểu về trái cây, biết được cây rau cải thì trồng để ăn lá, còn cây su hào thì phải chờ có củ mới thu hoạch được. “Nhiều cháu bé rất thích thú khi phát hiện sâu ăn lá rau. Nhân đó chúng tôi cũng tranh thủ dạy cho các bé đây là loài có hại cho rau trồng như thế 
nào” – một cô giáo kể.

Dạy tự lập 
và biết chia sẻ

Ngoài giờ học chính, các lớp mẫu giáo của Trường Thạch Bàn đều dành thời gian để các cô giáo dạy trẻ những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, giúp trẻ có thể tự lập, như vệ sinh cá nhân, tự mặc áo, cài khuy, dọn đồ dùng học tập, đồ chơi… Nhưng việc rèn kỹ năng tự lập này không chỉ gói gọn trong các góc học tập tại lớp, mà các cô giáo đã tận dụng những sự kiện thời sự khác nhau đang diễn ra để dạy trẻ biết làm việc nhà, biết chia sẻ với mọi người xung quanh.

Chương trình ủng hộ quần áo rét cho trẻ em ở miền Trung bị lũ lụt vừa được Trường Thạch Bàn khởi xướng trong tuần qua. Và chính các cô cậu bé 4-5 tuổi trong giờ học lao động đã được các cô giáo hướng dẫn phân loại quần áo, gấp quần áo xếp vào thùng cactông để chuyển cho các bạn đang gặp khó khăn ở miền Trung.

Xem các bé ngồi chăm chú nghe cô giáo hướng dẫn và tự mình gấp những chiếc áo rét vuông vắn, gọn gàng, thật không tin nổi các bé đang ở độ tuổi chỉ biết ăn biết ngủ. Một bé gái nhỏ nhắn chật vật với chiếc áo tưởng như to hơn cả người mình, nhưng cuối cùng vẫn gấp được, vẻ mặt bé vui sướng khi được 
cô giáo khen “gấp đẹp”.

Các cô giáo phụ trách lớp gấp quần áo cho biết trước giờ cho các bé thực hành, các cô đã phải sơ loại trước quần áo, chọn những chiếc áo có độ dày vừa phải, sạch sẽ, không rườm rà. Vừa hướng dẫn các bé gấp, các cô vừa giải thích đâu là áo khoác mặc mùa đông, đâu là áo mỏng mặc ngày trời ấm hơn và vì sao phải gửi số quần áo này cho các bạn nhỏ ở miền Trung…

Việc xếp đồ vào thùng cũng được các cô hướng dẫn cụ thể, thứ nào xếp xuống trước, thứ nào xếp sau cho gọn gàng và để được nhiều đồ. Cô chỉ hướng dẫn, còn các bé phải tự làm.

“Chúng tôi đã tiến hành thăm dò ý kiến cha mẹ học sinh. Đa số các bậc phụ huynh đều ủng hộ cách nhà trường dạy kỹ năng cho học sinh ở bên ngoài không gian lớp học.

Chúng tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu các hình thức lao động khác để tạo sự thay đổi cho học sinh, làm sao cho các cháu cảm thấy vui, hấp dẫn nhưng qua đó giáo dục các cháu những kỹ năng cần thiết, sự hiểu biết về cuộc sống xung quanh, biết tự lập và biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô, cha mẹ bằng những việc làm cụ thể” – cô Hương nói.

Chú trọng giáo dục kỹ năng

Trường mầm non Thạch Bàn hiện có trên 800 học sinh. Tất cả các bé từ 3-5 tuổi đều được tiếp cận với lao động qua những tiết học ngoài trời thú vị. Theo cô Nghi Hương, trong năm học này trường chú trọng nhất vào việc giáo dục kỹ năng cho trẻ. Và một trong các bài học rèn kỹ năng là thông qua lao động, với những công việc đơn giản, thường ngày…

VĨNH HÀ