23/01/2025

Văn chương lục tỉnh xưa… mất tích

Nói đến văn học Nam bộ là nói những đóng góp “khởi động” của nền văn học quốc ngữ, viết bằng chữ cái Latin, thay cho chữ Hán và Nôm…

 

Văn chương lục tỉnh xưa… mất tích

Nói đến văn học Nam bộ là nói những đóng góp “khởi động” của nền văn học quốc ngữ, viết bằng chữ cái Latin, thay cho chữ Hán và Nôm…




Báo chí quốc ngữ phát triển từ rất sớm ở Nam bộ  /// Ảnh: Tam Thái

Báo chí quốc ngữ phát triển từ rất sớm ở Nam bộẢNH: TAM THÁI

Sáng 28.10, Viện Văn học, Trường ĐH Thủ Dầu Một và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề về văn học và ngôn ngữ Nam bộ”, với những tư liệu và nhiều phát hiện mới nhất từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu tên tuổi trên cả nước.
Mở đầu hội thảo, GS Phong Lê (Viện Văn học) khẳng định: “Nói đến văn học Nam bộ là nói những đóng góp “khởi động” của nền văn học quốc ngữ, viết bằng chữ cái Latin, thay cho chữ Hán và Nôm, là phương tiện hữu hiệu để xây dựng nền báo chí quốc ngữ với các tờ Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh nhân văn. Tác giả ở Nam bộ sau Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản còn một số người có cả Tây học và Hán học: Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… hoạt động trên các lĩnh vực: sưu tầm, biên khảo, dịch thuật”.
Phan Khôi được các nhà nghiên cứu xem là người mở đầu cho thể thi thoại quốc ngữ, tiền khởi cho phê bình văn học sau này. Hoạt động phê bình thơ sôi nổi trên Công luận báo (từ 1936 – 1938) với các cây bút tiêu biểu: Bùi Thế Mỹ, Vân Hạc Lê Văn Hòe, Ngô Văn Đức, Vương Tử, Phong Trần…
Trước 1945, Lục tỉnh là tên gọi của vùng đất Nam bộ, nơi đầu tiên có báo chữ quốc ngữ là tờ Gia Định báo. Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy: “Văn chương Lục tỉnh từ cuối thế kỷ 19 đã rất phong phú về thể loại, số lượng và tác giả với hàng ngàn tác phẩm in báo. Những tên tuổi: Nguyễn Liên Phong, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Dư Hoài, Mai Nham, Nguyễn Viên Kiều, Phan Đạt Hảo, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Chánh Chiếu… xuất hiện khá đều đặn trên báo hằng tuần. Không chỉ viết chuyện tình, dịch truyện Tàu, mà cả truyện Tây, họ còn viết bài ca, viết tuồng, làm thơ, phú… Tôi đã tìm thấy truyện văn xuôi đầu tiên đăng trênGia Định báo số ra ngày 1.12.1881: Tên chăn bò, Thằng ăn trộm với con heonhưng không ghi tên tác giả. Sau này, khi dò lại cuốn Truyện Langsa diễn ra quốc ngữ của ông Trương Minh Ký thì thấy cả hai truyện trong ấy. 6 năm sau, ông Nguyễn Trọng Quản cho ra đời truyện Thầy Lazaro Phiền. Các tác phẩm in trên báo Nam kỳ: Đố ngộ cố nhân (Nguyễn Dư Hoàn), Chuyện thằng Lằng (Mai Nham), Chuyện vợ ngoan làm quan cho chồng (Phạm Hảo Hạt), Chuyện người cạo râu vô duyên bạc phận (Nguyễn Thới Nhàn), Hai chị em ruột (FXT), Mài gươm dạy vợ (Lương Dủ Thúc)…”. Ông trăn trở: “Nhưng rồi tất cả tác phẩm nói trên đều mất tích trong văn học sử và chưa được ghi nhận trong sách giáo khoa. Thiết nghĩ, đã đến lúc phải trả lại sự công bằng cho nền văn học đã đi tiên phong phát triển văn học chữ quốc ngữ của vùng đất Nam bộ”.
Từ chỉ địa hình gây… hiểu lầm
Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng do địa hình đường nước phức tạp và “kỳ dị” nên trong ngôn ngữ Nam bộ, các từ chỉ địa hình thường bị hiểu lầm.
Nhà nghiên cứu Lê Công Lý (Phân viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia VN tại TP.HCM) đúc kết: “Búng chính là biến âm của bung/bụng, là chỗ nông sâu và phình rộng ra như cái bụng, cũng gọi là bùng binh. Về mặt cắt ngang nó chỉ là khúc sông phình ra, về mặt cắt dọc thì sâu hơn những đoạn khác do đó tạo nên dòng xoáy, có nguy cơ làm chìm ghe thuyền, ví dụ: búng Bò, búng Đình, búng Xuyến (Vĩnh Long), búng Tàu (Hậu Giang, Sóc Trăng), xéo Búng, búng Bình Thiên (An Giang). Hiện nay do không hiểu nghĩa của từ búng nên thường tưởng lầm là bún: rạch búng Bò bị viết thành rạch bún Bò (Vĩnh Long), búng Xáng thành bún Xáng (Cần Thơ), chợ Búng gọi là chợ Bún (Bình Dương)”.
Về ngôn ngữ, tiếng Sài Gòn – TP.HCM mang đặc trưng của phương ngữ Nam bộ, thạc sĩ Trần Thị Thúy An phân tích: “Một số âm vị là phụ âm đầu quặt lưỡi được chuyển thành âm bẹt lưỡi tương ứng: Hàng Xanh – Hàng Sanh. Âm tiết còn có sự chuyển đổi giữa các nguyên âm cùng dòng (hoặc khác dòng) với nhau theo thói quen phát âm của người địa phương, dần dần phản ánh vào địa danh: Gò Vắp – Gò Vấp, Hàu Võ – Hào Võ, Rạch Ong – Rạch Ông… Ngoài âm chính, yếu tố còn lại là âm cuối cũng chịu sự tác động của phương ngữ: sông Tắt – sông Tắc, Các Lái – Cát Lái, rạch Chiết – cầu Rạch Chiếc…”.
Vấn đề tiếng lóng thịnh hành trước đây ở Nam bộ cũng là đề tài hấp dẫn được nhà thơ Lê Minh Quốc đề cập, gây thích thú. Nhiều từ nay đã cũ và thậm chí biến mất đã góp phần làm nên sự giàu có, phong phú, đa dạng thêm cho tiếng Việt và sự độc đáo cho văn học và ngôn ngữ của vùng đất phương Nam.
Cám hiền lành, Tấm xấu xí mưu mô
Cũng hầu như ít được nhắc đến là những dị bản truyện Tấm Cám ở vùng Nam bộ, chẳng hạn như bản in truyện Tấm Cám do G.Jeanneau sưu tầm ở Mỹ Tho được công bố năm 1886 và một bản kể của người Kinh do A.Landes sưu tầm công bố cùng năm tại Sài Gòn với nhan đề: Histoire de con Tấm et de con Cám. Điều thú vị là tên gọi và tính cách hai nhân vật chính trong các dị bản này khác với truyện Tấm Cám thông thường mà chúng ta tiếp xúc ngày nay: Cám là cô gái hiền lành bị hãm hại, Tấm là cô gái xấu xí, mưu mô.
Thạc sĩ Lê Thị Thanh Vy (Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết: “Khảo sát các truyện kể Tấm Cám ở Nam bộ, chúng ta thấy có hiện tượng thú vị. An Giang có 5 truyện thì có 1 truyện Tấm là nhân vật phản diện; Bạc Liêu có 14 truyện thì 4 truyện Tấm cũng không phải là người tốt, 12 truyện không phải Tấm hóa thành cây xoan đào mà đều hoá thành bụp măng, không phải chim vàng anh mà là chim te te quành quạch, con cá bống có khi là cá bống mú hoặc cá hú; đều không có đi hội đánh rơi giày mà treo giày trên sừng trâu phơi, con quạ cắp giày thả xuống cung vua”. Cũng theo nghiên cứu của thạc sĩ Thanh Vy, trong 21 dị bản Tấm Cám ở Nam bộ, nếu không phải Tấm làm mắm Cám thì sẽ là thái tử, quản gia của thái tử, vua, thậm chí bà lão làm việc này, có dị bản kể Cám bị sét đánh chết.


 

Lê Công Sơn