15/11/2024

Không đơn giản chỉ là… đau đầu

Nhiều người cho biết họ thường xuyên đối diện với những cơn đau đầu khi làm việc. Cơn đau đầu có thể đến vì áp lực lớn, khối lượng công việc đồ sộ, cũng có khi đến từ… đồng nghiệp.

 

Không đơn giản chỉ là… đau đầu

 Nhiều người cho biết họ thường xuyên đối diện với những cơn đau đầu khi làm việc. Cơn đau đầu có thể đến vì áp lực lớn, khối lượng công việc đồ sộ, cũng có khi đến từ… đồng nghiệp.

 

 

 

Không đơn giản chỉ là… đau đầu
Làm việc quá sức cũng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu – Ảnh: MỸ YÊN

Cô N.Tr. (45 tuổi, TP.HCM) kể nhiều lần đi làm về đến nhà là “mệt từ đầu óc tới tinh thần” vì ngoài lượng công việc rất lớn phải giải quyết hằng ngày, cô còn phải “điên đầu” với cô đồng nghiệp “lắm chiêu” của mình.

“Tôi sụt ký, đầu óc lúc nào cũng căng cứng, không tập trung được. Đi khám nhiều khoa chẳng ra bệnh, đến khi gặp bác sĩ thần kinh, tâm lý, nghe họ khơi gợi vài câu về áp lực công việc, đồng nghiệp là tôi… khóc vỡ òa. Lúc đó mới biết mình bị bệnh gì” – cô nói.

Đau đầu vì công việc, mệt mỏi vì đồng nghiệp

PGS.TS Trần Văn Cường, chủ tịch Hội Tâm thần học VN, cho biết không ít trường hợp người đi làm bị stress vì luôn phải làm việc quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi hay gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của đồng nghiệp. Lâu dài sẽ dẫn đến các biểu hiện như đau đầu thường xuyên, khó thở, táo bón, buồn nôn, không tập trung, ăn không ngon… làm suy giảm cả thể chất và tinh thần.

Theo bác sĩ Lê Văn Tuấn – khoa nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, đau đầu do công việc là một dạng của đau đầu loại căng thẳng. Đây là loại đau đầu thường gặp nhất trong dân số với tỉ lệ khoảng 48% ở nữ và 38% ở nam.

Đặc điểm của đau đầu loại căng thẳng là đau vùng trán hay vùng chẩm hai bên, tính chất đau âm ỉ kiểu ép chằng hay căng, cường độ đau thường từ nhẹ đến vừa, thời gian cơn đau nếu không điều trị thường từ 30 phút đến 1 tuần.

Ngoài ra, người đau đầu loại căng thẳng cũng dễ bị mất ngủ, hay hồi hộp, lo lắng.

Đau đầu kéo dài 
thành… nguy hiểm

Những người hay bị stress, căng thẳng trong cuộc sống, công việc, thiếu ngủ còn có thể bị đau nửa đầu migraine.

Theo PGS.TS Vũ Anh Nhị – chủ tịch Hội Thần kinh TP.HCM, phó chủ tịch Hội Thần kinh VN, cơn đau đầu migraine có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và có cường độ đau mạnh nhất so với tất cả các loại đau đầu khác.

Đặc tính của đau đầu migraine là đau nửa đầu (thỉnh thoảng có đau hai bên), cảm giác đập, giật giật đau buốt một bên đầu, đi kèm cảm giác buồn nôn hoặc nôn ói. Cường độ đau có thể tăng lên khi tiếp xúc với ánh sáng, tiếng ồn.

Việc đau đầu kéo dài trên ba tháng sẽ trở thành mãn tính. Ảnh hưởng của đau đầu mãn tính đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống là rất lớn. Người bệnh có thể bị suy giảm nhận thức, kém trí nhớ, mất năng lực làm việc, mất ngủ trầm trọng, rối loạn ăn uống, gây ảnh hưởng đến cảm xúc, hạnh 
phúc gia đình…

Người đau đầu mãn tính còn có thể bị tăng lipid máu, mắc các bệnh lý tiêu hoá, rối loạn tim mạch, cao huyết áp… Đau đầu migraine kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến thị lực, có thể gây mù và là yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não.

Cách đối phó đau đầu

Theo các bác sĩ, biện pháp tốt nhất đối với các cơn đau đầu do căng thẳng, stress, lo lắng là giảm các yếu tố gây ra. Ngoài việc đến bác sĩ khám, tự bản thân mỗi người phải chú ý tìm ra nguyên nhân để có cách tự chữa lành cho mình.

PGS.TS Trần Văn Cường khuyên mọi người tự rèn luyện để tránh xa khỏi stress bằng cách tránh tiếp xúc với những người có thể gây căng thẳng, mệt mỏi cho mình, siêng năng tập thể dục, tập yoga, chơi thể thao. Về mặt tinh thần, nên cân bằng mọi việc trong cuộc sống và cố gắng điềm tĩnh, không nghiêm trọng hóa các vấn đề, giảm bớt gánh nặng công việc…

Nếu đau đầu nhiều thì có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường nhưng cần phải hết sức cẩn trọng. “Nhiều người có thói quen cứ có cơn đau đầu là lại tìm đến các loại thuốc giảm đau mà không biết rằng không nên dùng thuốc giảm đau quá 2 ngày trong tuần. Nhiều trường hợp lạm dụng thuốc giảm đau và gây nên một loại đau đầu mới, khó trị hơn, đó là đau đầu do dùng thuốc quá nhiều” – bác sĩ Lê Văn 
Tuấn cảnh báo.

Stress rất có hại cho hệ tiêu hoá

Stress làm ảnh hưởng và rối loạn hoạt động của dây thần kinh số 10, là dây thần kinh chủ yếu điều hòa các hoạt động của ống tiêu hóa từ thực quản đến ruột già. Stress kéo dài có thể dẫn đến viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, stress thúc đẩy xuất hiện những cơn đau cấp tính, những cơn ợ chua, nôn ói hoặc tái phát viêm loét dạ dày trên người đã bị viêm loét dạ dày trước đây.

Stress kéo dài là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ruột kích thích (còn gọi là viêm đại tràng co thắt) với các triệu chứng rất khó chịu như đau quặn bụng, kích thích đi cầu nhiều lần, phân sệt lỏng, mót cầu, sôi bụng, trướng bụng.

Stress còn làm cho hệ tiêu hóa hoạt động không tốt khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn, lạt miệng, ăn không ngon, lâu dài có thể dẫn đến sụt cân là tiền đề cho các bệnh nội khoa khác như lao, nhiễm trùng…

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)

Bác sĩ Lê Văn Tuấn lưu ý người bị đau đầu gặp các dấu hiệu cảnh báo về đau đầu nguy hiểm phải đi khám ngay.

Các dấu hiệu cảnh báo: Đau đầu ở người có bệnh lý toàn thân như ung thư, suy giảm miễn dịch mắc phải. Đau đầu lần đầu tiên xuất hiện ở người sau 40 tuổi. Đau đầu dữ dội với khởi phát cấp. Đau đầu kèm theo các dấu hiệu thần kinh bất thường như nhìn mờ, nhìn hai hình, yếu nửa người, đi không vững. Đau đầu nhưng tính chất lại thay đổi so với các lần đau đầu trước đây. Đau đầu kèm cổ cứng. Đau đầu kèm với co giật.

TRÀ MY