23/01/2025

Hội có được liên kết, nhận tài trợ nước ngoài ?

Dự luật Về hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khoá 13, và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2, QH khoá 14.

 

Hội có được liên kết, nhận tài trợ nước ngoài ?

Dự luật Về hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khoá 13, và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2, QH khoá 14.



 


Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu trong phiên thảo luận  /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu trong phiên thảo luậnẢNH: NGỌC THẮNG

 

Trong phiên Quốc hội thảo luận dự án luật Về hội diễn ra hôm qua (25.10), một trong những điểm có nhiều ý kiến tranh luận là quy định “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Dự luật Về hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa 13, và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2, QH khoá 14.
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự luật của Uỷ ban Thường vụ (UBTV) QH cho biết có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Loại thứ nhất tán thành quy định trên, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá nhà nước và chế độ. Báo cáo của UBTV QH dẫn nguồn Bộ Nội vụ cho biết hiện cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều. Do đó, các trường hợp đặc biệt này do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định này là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể. Việc quy định các trường hợp đặc biệt có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính. Báo cáo của UBTV QH cho biết dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất.
Cần làm rõ “các trường hợp đặc biệt”
ĐB Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, thẳng thắn cho rằng quy định trên là “hơi bị khiên cưỡng”. Theo ĐB Trí, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng, nhưng quy định như dự luật làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế, các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện… ĐB Trí đề nghị cần làm rõ các trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, nếu không rất khó thực hiện. “Nhất là những hoạt động tài trợ liên quan đến thuốc men hoặc những cứu trợ tức khắc sẽ rất khó thực hiện, vì còn đi xin cơ chế đặc biệt. Quy định như vậy cản trở sự hội nhập, điều đó không thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng”, ĐB Trí nói.
Bày tỏ nhất trí với quan điểm giải trình về việc phòng ngừa việc liên kết gia nhập nhận tài trợ để hoạt động trái pháp luật chống phá nhà nước và chế độ, nhưng ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của QH, cho rằng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay việc các hội liên kết gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu, mang lại nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và nguồn hỗ trợ hoạt động hiệu quả.
Trong khi đó ĐB Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hội Luật gia VN) dẫn chứng trường hợp Hội Luật gia VN là thành viên của Hội Luật gia dân chủ thế giới, Hội Luật gia châu Á – Thái Bình Dương… trong quá trình hoạt động đã nhận tài trợ của một số tổ chức, nhưng hoạt động này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao chứ không phải liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích của giới luật gia. Theo ĐB Quyền, cần quy định vấn đề này một cách mềm dẻo hơn để có thể vừa quản lý, vừa nắm được những hoạt động này, đồng thời tiếp tục triển khai chủ trương mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế.
Chưa bao quát hết các hình thái về hội
Nhận xét chung về dự luật, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng “hội” trong luật này chỉ tồn tại dưới một hình thức đơn nhất, trong khi trên thực tế hội đang tồn tại dưới rất nhiều hình thức như là tổng hội, liên hiệp hội, liên đoàn. Mỗi hình thức có cơ cấu, có cách thức tổ chức và cơ chế hoạt động khác nhau chứ không hoàn toàn giống như hội. Theo ĐB Cương, các quy định trong dự luật không tạo ra một hành lang pháp lý để điều chỉnh các hình thức khác của hội như Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. “Luật này ra đời không điều chỉnh thì văn bản nào sẽ điều chỉnh?”, ĐB Cương nêu câu hỏi.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng trên tinh thần bóc tách hết các hội chính trị, đoàn thể đặc thù… thì dự luật chỉ còn quy định về các hội xã hội chuyên môn, nghề nghiệp. “Tuy nhiên, cấu trúc của luật thì còn quá nặng về thủ tục, giấy tờ thành lập, quy trình… trong khi chưa làm rõ quyền hạn, nghĩa vụ của hội để cởi trói cho các hội hoạt động”, ĐB Lan nói.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nhận xét nhiều điều trong dự luật vẫn nặng về quản lý nhà nước, không mở ra được những mối quan hệ để mở mang thêm quyền con người, quyền công dân một cách thực sự năng động, sáng tạo trong giai đoạn mới để hội nhập và phát triển mạnh.
Theo ĐB Cương, vì dự thảo vẫn còn nhiều quy định chưa đảm bảo sự nhất quán các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nên cần có thêm thời gian để chỉnh lý, hoàn thiện, chưa nên thông qua tại kỳ họp thứ 2 này.

 

Trường Sơn