24/01/2025

Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1: Cần trả học sinh về đúng trình độ

Để học sinh sáng học lớp 5, chiều học lớp 1 sẽ phản tác dụng, chưa kể nếu học sinh cùng trường biết thì nguy cơ bị cười nhạo, đàm tiếu rất cao.

 

Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1: Cần trả học sinh về đúng trình độ

Để học sinh sáng học lớp 5, chiều học lớp 1 sẽ phản tác dụng, chưa kể nếu học sinh cùng trường biết thì nguy cơ bị cười nhạo, đàm tiếu rất cao. 





Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1: Cần trả học sinh về đúng trình độ

Đối với một đứa trẻ, không gì nghiêm trọng hơn việc thường xuyên bị biến thành trò cười. Đây là ý kiến của chuyên gia sau khi bài Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1 đăng trên Thanh Niên ngày 24.10.
Học sinh bị biến thành trò cười
Tiến sĩ Dương Minh Thành, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích: “Việc học sinh (HS) lớp 4, 5, 6 nhưng đọc chưa thông, viết chưa rành, không làm được các phép cộng trong phạm vi 20, tức là trình độ ở mức chưa hoàn thành xong lớp 1. Nguyên nhân của hiện tượng này là do đánh giá cuối năm. Đáng lý HS phải được đánh giá ở mức chưa đạt, đưa vào diện cần phải hỗ trợ, giúp đỡ, sau đó mới đánh giá tiếp. Các cấp quản lý cũng chưa quan tâm nhiều đến những vấn đề này nên tới tận lớp 5 mới phát hiện ra. Đến lúc đó phải thực hiện giải pháp tình thế phụ đạo, dẫn tới HS vừa học chương trình lớp 5 vừa phải phụ đạo lớp 1, 2”.
Theo ông Thành, phụ đạo chỉ hiệu quả và hỗ trợ tốt cho HS gặp khó khăn trong một vài vấn đề học tập nhỏ, ví dụ sau một vài buổi học vẫn chưa thực hiện phép cộng được thì cần hỗ trợ bằng cách phụ đạo để theo kịp với các bài học tiếp theo. Trường hợp HS lớp 5 mà trình độ chỉ lớp 1, 2 thì là hổng gần như toàn bộ kiến thức của nhiều lớp. Lúc này phụ đạo không còn tác dụng nữa. Việc HS tiếp tục học lớp 5 chỉ khoét sâu thêm cái hố kiến thức đó, có thể dẫn đến HS không học nổi và cuối cùng là bỏ học.
Ông Thành cho rằng học 2 chương trình sẽ ảnh hưởng lên tâm lý của đứa trẻ. Buổi sáng học chung với các bạn lớp 5, HS đó sẽ bị tách ra đám bạn lớp này do học quá yếu. Buổi chiều HS đó sẽ học ghép với lớp 1, 2 và trở thành nỗi xấu hổ trước những HS nhỏ tuổi hơn. Khi đó HS này có thể trở thành điều đàm tiếu, bình phẩm của cả lớp. “HS tiểu học có xu hướng biến bạn thành trò cười và thường tỏ ra tàn nhẫn với bạn (cười nhạo, chọc ghẹo, nghỉ chơi…). Đối với một đứa trẻ, không gì nghiêm trọng hơn việc nó thường xuyên bị biến thành trò cười của cả lớp”, ông Thành nhấn mạnh.
Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1: Cần trả học sinh về đúng trình độ - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1

Một ngôi trường tại TP.HCM có hàng chục học sinh sáng học lớp 5 nhưng chiều phải chuyển xuống học lớp 1 vì không thực hiện được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi số tự nhiên 20, không biết đọc rành rẽ… 
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích: “HS không có căn bản, qua nhiều lần đánh giá không đạt nhưng vì một lý do nào đó giáo viên vẫn cho lên lớp thì sẽ rất mệt mỏi cho HS đó, vì những kiến thức ở lớp trên sẽ khiến học sinh bị ngộp, cảm thấy quá sức và mệt mỏi. Bên cạnh đó, HS này còn phải học thêm chương trình của lớp dưới nên thời gian và trách nhiệm học lại tăng gấp đôi so với một HS bình thường. Như vậy, làm sao em có thể tiếp thu được. Chính cách đánh giá bừa bãi của nhà trường đã biến những HS này thành con rối, làm trò cười cho thiên hạ”.
Có thể mất cả tuổi thơ
Tiến sĩ Thành cho rằng giải pháp tốt nhất với những trường hợp ngồi nhầm lớp là trả HS về đúng lớp và tìm cách hỗ trợ. Những HS ít thông minh phải “đi” chậm hơn. Vì vậy, cần cho những HS ngồi nhầm lớp “đi” chậm lại (tức là ở lại lớp) và có những biện pháp hỗ trợ thêm, chứ đừng để HS đó lên đến lớp 5 rồi lại quay về lớp 1, 2. Thà làm chậm từng bước vẫn nhanh hơn, hiệu quả hơn so với việc để HS đó đi quá xa rồi quay trở lại làm lại từ đầu.
Tiến sĩ Dương Minh Thành cảnh báo: “Ngồi nhầm lớp là một hiện tượng bất thường của giáo dục và gây hệ lụy không nhỏ lên những đứa trẻ mà người lớn không lường trước được. Một đứa trẻ bị ngồi nhầm lớp mà không được phát hiện kịp thời có thể mất cả tuổi thơ lẫn tương lai. Do đó, giáo dục bằng mọi cách đừng để điều này xảy ra mà nên tìm cách hỗ trợ HS khi gặp khó khăn. “Đừng để mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát để rồi dùng những biện pháp tình thế để khoả lấp, che giấu. Làm như thế chỉ làm tình hình nghiêm trọng hơn và gây những hệ luỵ lâu dài”, ông Thành nhấn mạnh.
Ý kiến
Thực trạng ở rất nhiều trường
Qua quan sát trong hơn 17 năm làm nghề, 10 năm làm công tác quản lý ở 2 trường tiểu học và đã có những đợt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với rất nhiều trường bạn, tôi khẳng định HS ngồi nhầm lớp không chỉ có ở một trường mà đang tồn tại ở rất nhiều trường. Khi nhìn vào báo cáo thành tích cuối năm do các trường đưa lên thì thấy ngay từ quận trung tâm tới vùng ven đều theo một mô típ 3/4 bài báo cáo là thành tích và chỉ có khoảng 1/4 về những tồn tại. Trong con số 1/4 đó chủ yếu nói về yếu kém cơ sở vật chất, khó khăn khi thực hiện các thông tư, quy định mới, mà rất hiếm khi nêu khó khăn về công tác chuyên môn hay số HS yếu kém. Nếu một trường nào đó có nhiều HS yếu, chấp nhận để HS ở lại lớp thì cũng có nghĩa là chấp nhận tách mình ra khỏi “cuộc đua ngầm”. Từ nhiều áp lực, các trường buộc phải đặt chỉ tiêu và gắng sức để đạt những chỉ tiêu đó. Cũng có một số trường hợp “túng quá thì làm liều” dùng mẹo, dùng mánh hoặc cho điểm đại để HS qua luôn.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 (TP.HCM)
Không nên đặt chỉ tiêu
Với những trường hợp HS quá yếu thì giáo viên chủ nhiệm cần phải mạnh dạn đưa lên ban giám hiệu để đưa HS đó ra hội đồng sư phạm của trường cùng bàn bạc, tìm cách giúp đỡ, chứ nhà trường không thể giao trắng cho giáo viên chủ nhiệm. Để các trường dám nhìn thẳng, nói thật thay vì đặt chỉ tiêu đầu năm phải đạt bao nhiêu phần trăm HS khá giỏi, chỉ được để bao nhiêu phần trăm HS yếu… thì nên căn cứ vào con số do các giáo viên chủ nhiệm báo cáo sau này.
Một hiệu trưởng tại TP.HCM
Cử người có chuyên môn hỗ trợ giáo viên
Trong trường hợp HS học yếu, trường đã dùng nhiều biện pháp mà vẫn không tiến bộ thì có thể đưa danh sách lên Sở. Sở sẵn sàng cử người có chuyên môn để hỗ trợ giáo viên về phương pháp giảng dạy phù hợp với những HS này. Trường hợp HS nghi mắc chứng khó học, chậm phát triển trí tuệ thì có thể đưa đi khám ở những cơ sở tin cậy.
 

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM


Lam Ngọc