Mờ nhạt hội đồng trường
Cơ chế hội đồng trường (HĐT) đã được quy định hàng chục năm qua, nhưng hiện có rất ít cơ sở giáo dục lập HĐT.
Mờ nhạt hội đồng trường
Cơ chế hội đồng trường (HĐT) đã được quy định hàng chục năm qua, nhưng hiện có rất ít cơ sở giáo dục lập HĐT.
Dù đã thực hiện tự chủ theo đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015, nhưng đến nay Trường ĐH Ngoại thương vẫn chưa có hội đồng trường – Ảnh: NAM TRẦN |
“Vướng cả cơ chế bộ chủ quản, cả vai trò hiện tại của hiệu trưởng, nên chủ trương này nhiều năm qua không thể đi vào cuộc sống |
Ông Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT) |
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, dù số lượng HĐT trong hệ thống các trường ĐH công lập nói chung và các trường được thí điểm tự chủ nói riêng còn khiêm tốn, nhưng ngay cả các HĐT ít ỏi hiện có thì hoạt động cũng rất hình thức.
Bộ chủ quản không muốn buông
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy trong 14 trường ĐH được Thủ tướng phê duyệt thực hiện đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, đã có 10 trường thành lập được HĐT. Tỉ lệ trường có HĐT trong hệ thống các trường ĐH nói chung còn thấp hơn rất nhiều.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Viết Khuyến – nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) – cho biết thực tế cơ chế HĐT đã được đưa ra trong điều lệ trường ĐH từ năm 2003.
Sau đó, Luật giáo dục năm 2005, Luật giáo dục ĐH năm 2012, Điều lệ trường ĐH năm 2014… tiếp tục khẳng định HĐT là tổ chức quản trị, đại diện cho chủ sở hữu của trường ĐH.
Với trường ĐH công lập, chủ sở hữu là cộng đồng nên HĐT có tư cách đại diện cho cộng đồng. HĐT đúng nghĩa được xác lập là cơ quan quyền lực có vai trò lớn trong hoạch định chiến lược phát triển nhà trường, giám sát việc thực hiện các quyết nghị của HĐT.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cơ chế HĐT chưa được các trường ĐH ủng hộ. Tới nay, trong tổng số trên 180 trường ĐH công lập mới chỉ một vài trường có HĐT. Ngay tại những trường này, HĐT cũng hoạt động rất mờ nhạt.
Theo ông Khuyến, để HĐT là cơ quan quyền lực cao nhất phải xóa bỏ khái niệm bộ chủ quản, nhưng bản thân bộ chủ quản không muốn buông vai trò quản lý với nhà trường nên không ủng hộ.
Ngoài ra, HĐT đúng nghĩa được quyết định ai sẽ là hiệu trưởng, nhưng hiệu trưởng đương nhiệm của nhà trường cũng không muốn bị chia sẻ quyền lực nên cũng không mặn mà.
GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – cho biết về hình thức, HĐT được trao quyền rất lớn, nhưng vì không có quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng nên thực tế hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm trước HĐT.
Theo đó, năm 2010, kết quả giám sát của Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trong 440 trường ĐH, CĐ lúc đó thì chưa có tới 10 trường có HĐT và các HĐT đã có thì hầu như không hoạt động.
Các thành viên ngoài trường hầu như không dự phiên họp nào, không có bất cứ hoạt động gì, trừ sự hiện diện tại phiên họp công bố quyết định thành lập hội đồng.
Chỉ là cơ quan “tham vấn hình thức”
Dẫn chứng cụ thể cho vai trò mờ nhạt của những HĐT hiện có, ông Lê Viết Khuyến cho biết cách đây 1-2 năm, khi đến làm việc với một trường ĐH lớn tại TP.HCM đã lập HĐT thì chính hiệu trưởng nhà trường khuyên chủ tịch HĐT “nên nghỉ ngơi ở nhà vì không có việc gì làm, nhà trường vẫn trả lương đều đặn”.
“Một trường khác tôi được mục sở thị thì hiệu trưởng nhà trường lại chỉ định trưởng phòng tổ chức làm chủ tịch HĐT. Cơ cấu như thế thì chủ tịch HĐT còn vai trò gì nữa? HĐT đúng nghĩa còn phải được quyền tuyển chọn, thậm chí tuyển dụng hiệu trưởng, nhưng đây thì ngược lại…” – ông Khuyến nói.
GS.TS Lê Vinh Danh, hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng cốt lõi của vấn đề là làm sao cho HĐT có quyền lực thật sự và độc lập với hiệu trưởng. Hiện nay hàng loạt HĐT không có được điều này.
Có HĐT mời một hiệu trưởng đã về hưu làm chủ tịch, có nơi cử phó hiệu trưởng nhà trường, chủ tịch công đoàn hoặc một trưởng khoa kiêm nhiệm.
Theo ông Danh, những người này đều ở tư thế “mặc áo không qua khỏi đầu” so với hiệu trưởng vì họ đều là thuộc cấp, nên không thể làm trái ý hiệu trưởng. Do vậy, HĐT rơi vào chỗ chỉ là cơ quan “tham vấn hình thức”, để hợp thức những vấn đề mà hiệu trưởng muốn.
Ngoài ra, HĐT có thực quyền là HĐT phải quản lý được hai vấn đề cốt lõi là “nhân sự và tài chính – tài sản”, nhưng thực tế hiện nay cả hai vấn đề này đều do bộ chủ quản của trường nắm.
“Ví dụ để bổ nhiệm hiệu trưởng một trường ĐH công lập nào đó, bao giờ cũng làm theo quy trình nhân sự do bộ chủ quản quyết định.
Trong quy trình này, đảng ủy và HĐT đều có ý kiến nhưng ý kiến của HĐT lại không quan trọng bằng ý kiến của đảng ủy.
Tuy nhiên, dù ý kiến của đảng uỷ và HĐT thế nào thì bộ chủ quản vẫn quyết định cuối cùng. Hai vấn đề trên khiến HĐT hiện nay không có vai trò gì cả. Thực chất lâu nay ở nhiều trường ĐH công lập, HĐT không có vai trò gì, chỉ là hình thức” – ông Danh khẳng định.
Lãnh đạo một số trường ĐH công lập ở TP.HCM cho rằng đối với các trường tư thục, hội đồng quản trị nhà trường nắm tài chính, làm chủ nên có quyền quyết định mọi vấn đề của trường, hiệu trưởng chỉ là người làm thuê.
Trong khi đối với trường công lập, tình hình chung hiện nay khi thực hiện Luật giáo dục ĐH và điều lệ trường ĐH các trường chưa rõ nên có tâm lý còn băn khoăn, do chưa thông vai trò giữa HĐT và đảng uỷ.
Ở các trường công lập, đảng uỷ lãnh đạo toàn diện, trong đó có vấn đề nhân sự. Hiệu trưởng muốn đề xuất gì đều phải thông qua đảng uỷ, trình cấp trên.
“Điều quan trọng là cấp trên có chịu giao hẳn toàn quyền cho HĐT hay không. Vì trên thực tế nhiều trường đã có HĐT nhưng quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó đều do cơ quan chủ quản làm. Nếu tiếp tục cơ chế này thì HĐT vẫn chỉ là hình thức và trường ĐH sẽ khó tự chủ được” – hiệu trưởng một trường ĐH nói.
Bổ nhiệm hiệu trưởng theo đề nghị của hội đồng trường Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây khẳng định Chính phủ đã nhất trí đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH gắn với nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đổi mới mô hình quản trị ĐH theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (HĐT) tương tự đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, HĐT phải được kiện toàn là cấp có thực quyền, không thể hoạt động hình thức như đa số các HĐT hiện có. Đặc biệt, để đẩy mạnh thực hiện thí điểm các trường ĐH tự chủ, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT ban hành hoặc trình ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của HĐT. Theo đó, cơ quan chủ quản bổ nhiệm hoặc phê duyệt HĐT, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các chức danh lãnh đạo trong trường theo đề nghị của HĐT. |