24/01/2025

Vĩnh biệt ti vi analog

Ngày 16.8.2016 nhiều đài truyền hình trong cả nước chính thức chia tay với truyền hình analog – nói nôm na là ti vi có râu, hoặc dùng ăng ten nhánh để nhường chỗ cho truyền hình kỹ thuật số.

 

Vĩnh biệt ti vi analog

Ngày 16.8.2016 nhiều đài truyền hình trong cả nước chính thức chia tay với truyền hình analog – nói nôm na là ti vi có râu, hoặc dùng ăng ten nhánh để nhường chỗ cho truyền hình kỹ thuật số.




Người dân Sài Gòn xem ti vi công cộng tại bến Bạch Đằng năm 1967  /// Ảnh: T.L

 

Người dân Sài Gòn xem ti vi công cộng tại bến Bạch Đằng năm 1967ẢNH: T.L

Cái thùng có hình như chớp bóng
Nhớ cái ngày trọng đại 29.1.1966 , lũ con nít chen chúc cùng bà con lối xóm, trải chiếu ngồi dưới đất. Ai đến sau thì đứng để chiêm ngưỡng cái máy “tàng hình”. Đến giờ trọng đại, ông liên gia trưởng trở thành người uy quyền, trịnh trọng cầm chìa khóa mở cái thùng đặt trên bục cao. Khi ông bật điện lên thì trên màn kiếng hiện ra rất nhiều con “lăng quăng” đen trắng, chạy nhảy tùm lum. Rồi sau đó có người xuất hiện y như… chớp bóng. Từ ngày đó, bà con xóm tôi biết đến cái hơi thở “kim thời” được gọi bằng cái tên rất Mỹ: ti vi (viết tắt từ chữ TV – television).
Thời gian đầu khi xem ti vi tụi tôi thường ngước lên trời nhìn chiếc máy bay đang lượn vòng vòng và cho rằng hình ảnh xuất hiện trên mặt kiếng là do máy bay thả xuống. Lớn lên, có dịp tìm hiểu thì đúng vậy. Vì vào thời sơ khai, chưa có trụ sở phát sóng nên hằng đêm có 2 chiếc máy bay “thả hình” vô ăng ten, được gọi là Ó Xanh – Constellation C-121.
Mỗi tối 2 chiếc máy bay này có nhiệm vụ bay trên không phận Sài Gòn 4 tiếng đồng hồ, và chấm dứt sứ mệnh “thả hình” vào máy ti vi vào ngày 2.3.1966, khi Nha Vô tuyến truyền hình được thành lập từ Nghị định số 702/TBTTCH/NĐ. Công việc phát hình không còn dùng máy bay nữa mà nhờ vào đài phát tuyến là một trụ sắt cao khoảng 90 m, phía trên gắn một ăng ten cao 20 m. Trong thành phần lãnh đạo có mấy cái tên quen quen là đạo diễn Lê Hoàng Hoa (phó giám đốc), nhạc sĩ Phạm Duy (phụ tá cho Giám đốc Đỗ Việt – một quân nhân)…
Đài truyền hình Sài Gòn chính thức hoạt động ngày 7.2.1966 trên băng tần số 9. Băng tần 11 là đài Mỹ. Thế là, mỗi tối những ngày đầu từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30, bà con xóm nghèo xách chiếu, xách dép ra ngồi trước ti vi để xem cải lương Thanh Nga, kịch Kim Cương, Thẩm Thuý Hằng, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Thanh Lan, Nhật Trường hát tân nhạc; Tùng Lâm, Phi Thoàn trong chương trình Tạp lục tùm lum…
Mỗi tối thứ bảy khán giả ít đi xem cải lương tại rạp vì có cải lương trên ti vi mặc dầu chỉ là tuồng cũ xì, cũ xịt. Vì vậy, ngay cả đài vô tuyến truyền hình (VTTH) cũng lâm vào cảnh phải phục vụ đồng bào bằng cách tăng cường giải trí như báo chí nhận định: “Số giờ dành cho các tiết mục giải trí vẫn chiếm quá nhiều dù đã có thêm vài mục mới như học Anh ngữ, văn học nghệ thuật, phụ nữ, nhi đồng với ban Việt nhi của Nguyễn Đức và Tuổi xanh của Kiều Hạnh…”. Đến năm 1972 Đài truyền hình Sài Gòn có 14 ban cải lương, 26 ban ca nhạc, 30 ban thoại kịch. Cần biết thêm những ban này đều của tư nhân hợp tác với đài.
Kỷ niệm của một thời
Năm 1969, một ti vi 23 inch giá 34.500 đồng, 20 inch giá 32.697 đồng, 19 inch 27.000 đồng, 17 inch 24.000 đồng… không hề rẻ khi một ký gạo giá 58 đồng, thịt heo ba rọi 240 đồng/kg, vàng 18.000 đồng/lượng…
Nhà nào sắm được ti vi thì được liệt vào đẳng cấp “kèo trên”. Ngay cả khi mướn ô sin, gia chủ được ô sin tương lai hỏi là: “Nhà có ti vi không?”. Gia chủ thường đặt máy ở giữa nhà, trước cả bàn thờ, như để khẳng định uy quyền ti vi. Khoảng năm 1970 chương trình VTTH bắt đầu từ 18 giờ 30 đến 23 giờ 30.
Chủ nhật xem từ 13 giờ. Đông nhất là tối nào có chương trình cải lương, khán giả “coi cọp ti vi” phải đến sớm để xí chỗ trong nhà khổ chủ. Nếu đóng cửa không cho xem thì con nít đứng ở ngoài chọi đá hoặc la hét. Còn nếu cho vào xem thì sau buổi trình chiếu công cộng nhà gia chủ có ti vi sẽ là một bãi chiến trường.
Thật ra những buổi phát hình đầu tiên đã được thể nghiệm trong một gian hàng triển lãm tại Sài Gòn vào cuối tháng 10.1959 vì lúc ấy ở VN bói chẳng ra một cái máy ti vi. Khán giả tham quan hội chợ thích thú tìm hiểu kỹ thuật truyền hình mới mẻ qua hai màn ảnh đặt tại trung tâm triển lãm từ 19 giờ 30 đến 20 giờ 30 hằng ngày. Tuần báo Điện ảnh ra tháng 11.1959 đã tiên đoán: “Một khi đài VTTH được thành lập, chúng tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người bỏ tiền ra mua máy để hằng ngày được theo dõi, đón coi những chương trình của VTTH”.
Vĩnh biệt ti vi analog - ảnh 1

Một cửa hàng bán ti vi ở Sài Gòn trước 1975

Quả đúng như vậy. Theo ước tính của các báo thì số USD dùng để nhập cảng máy ti vi ngày càng cao. Cuối năm 1966 nhập cảng 30.000 máy, năm 1967 nhập 100.000, năm 1968 là 200.000, năm 1969 hơn 200.000… với đủ các thể loại nhãn hiệu: National, Sanyo, Hitachi, Denon, Sharp, Crown, Nivico… Và cũng có đủ thể loại quảng cáo như Sharp – Phát minh tân kỳ nhất của ngành điện tử; Perfect vision không rung không nháy, thật rõ; Để máy ti vi X. chạy suốt ngày đêm không nóng. Giao máy đến tận nhà, gửi chuyên viên đến tận nơi lắp đặt hệ thống ăng ten và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng máy. Ti vi bắt đầu lên đời từ cỡ 25 inch 5 loa được trang trí thượng hảo hạng đến loại cửa mở, cửa lùa, cửa xếp. Rồi bắt đầu tiến triển là loại ti vi 25 inch có ăng ten hình chữ V để trong nhà, ti vi 8 inch xách tay, xài pin, loại 11 inch xài điện nhà và điện bình… Dần dần, ti vi thay hình đổi dạng theo nhu cầu đổi mới. Từ đen trắng sang màu tec-níc co-lo, ngày càng mỏng, càng bự, nhiều tính năng và càng phải có nhiều tiền.
Cái ti vi đời cũ có râu xin chào một thời cùng với những thằng con nít bây giờ là đám “thanh niên cao tuổi” U.70! Vĩnh biệt truyền hình analog! Vĩnh biệt truyền hình tuổi thơ của tôi…

 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa