Gian giữa của đình Chu Quyến – một di tích quốc gia – đang trở thành kho chứa đồ thờ, xung quanh được quây bằng tôn và hàng rào lưới B40, nhằm phục vụ cho việc thi công sửa chữa một ngôi đền bên cạnh!
Rào di tích quốc gia làm kho chứa đồ
Gian giữa của đình Chu Quyến – một di tích quốc gia – đang trở thành kho chứa đồ thờ, xung quanh được quây bằng tôn và hàng rào lưới B40, nhằm phục vụ cho việc thi công sửa chữa một ngôi đền bên cạnh!
Khi TS Trang Thanh Hiền, ĐH Mỹ thuật Hà Nội, tới di tích quốc gia đình Chu Quyến (Hà Nội), bà chỉ có thể đứng ngoài rào lưới B40 để nhìn vào. Dù có giấy giới thiệu, nhóm nghiên cứu của bà Hiền đã không thể trực tiếp tiếp cận những hàng cột, những mảng chạm như những lần đi điền dã trước. “Trước đây chúng tôi vẫn có thể vào được ngôi đình để thăm ngắm, nghiên cứu. Nhưng bây giờ thì không thể. Cụ thủ từ cũng bận nên không cho chúng tôi vào. Họ cũng hỏi sao không liên lạc từ trước nhưng tôi không có số của cụ ấy. Mà trước giờ có bao giờ phải như vậy”, bà Hiền nói.
Rào đình chứa đồ để “tiết kiệm chi phí”
Bà Hiền cho biết, theo thông tin của cụ từ, hiện đình Chu Quyến trông nom hộ một số hiện vật của đền Chu Quyến vì ngôi đền đang tu bổ tôn tạo. Việc rào tôn và lưới B40 là để bảo vệ các hiện vật này. “Tôi đã chỉ cho sinh viên thấy những vết bắn đinh vào gỗ của đình”, bà Hiền chia sẻ.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, xác nhận đúng là đền đang trong giai đoạn tu sửa. Thậm chí, sau khi tu bổ, Hà Nội sẽ tiến tới làm hồ sơ công nhận di tích quốc gia cho đền. Để tiết kiệm chi phí, đồ thờ như ngai, võng… đã được đưa sang để nhờ bên đình. “Các cụ già trong làng rất mừng và rất có trách nhiệm trong việc trông giữ hiện vật thờ”, ông Tiến đánh giá. Việc trông giữ này sẽ diễn ra suốt thời gian trùng tu đền. Trong khi đó, theo thông tin từ Phòng Văn hoá H.Sơn Tây, việc tu bổ ngôi đền này theo kế hoạch diễn ra trong hai năm 2016 – 2017. Trên thực tế, việc chuyển đồ sang đình Chu Quyến đã diễn ra từ quý 3/2016.
Hàng rào lưới B40 bao lấy đình
Quây 2 năm là “không thể chấp nhận”
GS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL, cho rằng có những trường hợp trong cùng khuôn viên di tích, khi sửa công trình này thì có thể chuyển đồ sang công trình bên cạnh để đỡ kinh phí xây dựng nơi bảo quản. Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở thời gian tu bổ đền Chu Quyến. Nếu việc thi công diễn ra suôn sẻ cả về thời tiết, con người và kinh phí, đình Chu Quyến sẽ còn bị “giam lỏng” tới sang năm. Về điều này một chuyên gia bảo tồn đánh giá: “Nếu chuyển tạm để tiết kiệm cũng chỉ nên tạm trong một hai tháng. Còn nếu đến nửa năm thì khó chấp nhận. Đằng này, lại còn nhiều hơn thế, lên tới 2 năm”. Kéo theo việc chuyển tạm là nguy cơ khách sẽ không thể tham quan đình Chu Quyến – ngôi đình đẹp và được trùng tu mẫu mực.
Đình Chu Quyến là ngôi đình cổ có niên đại cuối thế kỷ 17, là ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của VN thời Lê Trung Hưng (Hậu Lê). Đình Chu Quyến đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, với chức năng công trình kiến trúc tín ngưỡng.
Hơn thế nữa, theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, đình là một thiết chế cộng đồng mở. Người dân tới đình để sinh hoạt tập thể. Không gian văn hoá đó cần phải được sử dụng liên tục. Chưa kể, theo TS Trang Thanh Hiền, thiết kế kiến trúc với rất nhiều cột ở đình này cũng tạo điều kiện cho không gian mở trên có hiệu quả hơn. Chính vì thế, khi đình bị quây tôn, rào sắt, cả hai nhà nghiên cứu này đều rất bức xúc.
“Chúng ta nên xác định rõ, sửa thì cứ sửa, còn hoạt động vẫn phải hoạt động”, GS Thịnh nói và cho rằng việc vì sửa đền mà “quây luôn” cả đình với khách thăm là không thể chấp nhận, vì “Nó khiến việc tiếp cận di sản khó khăn trong khi đây lại là di tích quốc gia, là di tích toàn dân được khuyến khích tiếp cận”.
Về chuyện cho phép chuyển đồ từ đền sang đình Chu Quyến cất trong thời gian tu bổ đền, ông Tiến cho biết Sở VH-TT Hà Nội đã đồng ý như vậy. Tuy nhiên, việc đồng ý này có điều kiện. “Chúng tôi đã yêu cầu vẫn phải cho người dân và khách tham quan tiếp cận đình chứ không phải đóng kín”, ông Tiến nói.
Trước phản ánh người dân không thể tham quan khi đình đã bị rào, ông Tiến cho biết đã liên lạc với huyện và bảo đảm bất cứ ai tới làm việc, tham quan, có thể liên lạc với phòng văn hoá huyện để được trợ giúp. Tuy nhiên, không phải khách thăm nào cũng có thể có số của huyện để liên lạc. Vì thế, ngành văn hóa Hà Nội cần cân nhắc lại câu chuyện này. Nếu thời gian sửa chữa kéo dài, đồ thờ nên được di chuyển tới vị trí khác hợp lý hơn. Việc dùng rào tôn và lưới B40 cũng nên được kiểm tra lại để chắc chắn không ảnh hưởng tới các cấu kiện gỗ của đình.