23/01/2025

​Sinh con gần 7 năm nhưng vẫn còn ‘trinh nguyên’

Chị N.T.H., 27 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội, cho biết chị lấy chồng được hơn một năm nhưng mỗi lần vợ chồng “gần gũi” chị đều buộc chồng “dạo chơi” bên ngoài, không cho tiến sâu hơn vì… sợ đau.

 

​Sinh con gần 7 năm nhưng vẫn còn ‘trinh nguyên’

Chị N.T.H., 27 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội, cho biết chị lấy chồng được hơn một năm nhưng mỗi lần vợ chồng “gần gũi” chị đều buộc chồng “dạo chơi” bên ngoài, không cho tiến sâu hơn vì… sợ đau.

 

 

 

​Sinh con gần 7 năm nhưng vẫn còn 'trinh nguyên'
Bác sĩ tư vấn sức khoẻ cho phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Hùng Vương – Ảnh: Hữu Khoa

Dù nhiều lần cố gắng chiều chồng nhưng mỗi khi ông xã có ý định đi xa hơn, chị H. lại sợ hãi, run rẩy và trào nước mắt…, ông xã thấy vậy đành chịu thua.

Điều lạ là dạo gần đây, chị H. thấy mình xanh xao, mệt mỏi nên đi khám, bất ngờ biết mình đã mang thai hơn 6 tuần, mặc dù chắc chắn mình vẫn còn trinh.

Những chuyện bi hài

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, việc chị H. có thai khi vẫn còn màng trinh tuy không phổ biến nhưng không hề hiếm gặp, nhất là trong thời kỳ trứng rụng kết hợp với tinh trùng khoẻ mạnh.

Bác sĩ Dung cho hay nhiều chị em chia sẻ với bác sĩ mình luôn có cảm giác sợ bị đau, sợ bị “phá vỡ”, nên không thể trọn vẹn với bạn đời theo đúng nghĩa mặc dù trong tâm rất đau khổ và thương chồng. Và đã có không ít trường hợp mang thai mà vẫn còn trinh do quan hệ bên ngoài.

Theo hồ sơ y tế, có một trường hợp phụ nữ đã từng sinh con (con lên 7 tuổi) đến nhờ bác sĩ… “phá trinh”.

Theo bác sĩ Dung, trong suốt gần chục năm lấy nhau, hai vợ chồng này chỉ quan hệ bên ngoài vì người vợ sợ đau, chồng thương vợ vẫn chấp nhận.

Đến khi sinh, chị được sinh mổ vậy nên “màng trinh” vẫn tồn tại suốt chục năm trời mặc dù chị đã sinh con.

Bác sĩ Dung kể khi làm thủ thuật cho chị này, bà phải liên tục trấn an bằng mọi cách nhưng vẫn không thành công vì người này tỏ ra sợ hãi quá mức, liên tục trèo lên, nhảy xuống bàn làm thủ thuật.

Không còn cách nào khác, bác sĩ Dung phải dùng đến biện pháp gây mê để làm thủ thuật đáp ứng nguyện vọng “được sống trọn vẹn với chồng” cho người phụ nữ đặc biệt này.

Bác sĩ CKII Dương Phương Mai, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn, cho biết mình từng gặp trường hợp người vợ đã mang thai nhưng màng trinh vẫn còn nguyên. Vì cô vợ quá sợ đau nên hai vợ chồng chỉ quan hệ bên ngoài.

Khi thấy các triệu chứng ở bụng, người vợ cứ nghĩ mình đau bao tử và mua thuốc uống. Tuy nhiên, khi đến khám mới biết không phải đau bao tử mà đã có thai.

Cẩn trọng hội chứng 
ám ảnh sợ hãi

Theo bác sĩ Tô Thanh Phương, phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư1, những trường hợp kể trên xảy ra là do mắc một chứng tâm lý gọi chung là ám ảnh sợ hãi, thống kê có đến hơn 100 nỗi sợ khác nhau ở con người, có người sợ không gian hẹp, người sợ độ cao, người sợ bóng tối…

Biểu hiện thường thấy đối với những người khi phải đối mặt với nỗi sợ của mình là tim đập nhanh, toát mồ hôi, khó thở, chóng mặt…, trường hợp nặng phải điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý.

Bác sĩ Phương cho rằng những người mắc chứng này nên tìm đến một người bạn tâm giao, tốt nhất là tìm bác sĩ thật tâm lý để có thể vừa được tư vấn tình cảm vừa được can thiệp thủ thuật. Bên cạnh đó đòi hỏi từ người sống chung phải cực kỳ tâm lý, nhẫn nại giúp người mắc chứng này vượt qua nỗi sợ.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ cho biết với nhiều người, sức khoẻ thể chất không phải là vấn đề, khó khăn nhất với họ vẫn là tinh thần.

Có những phụ nữ bị ám ảnh điều gì đó trong tuổi thơ, phải chịu một cú sốc, biến cố, chứng kiến những hình ảnh gây tổn thương hoặc mất niềm tin, dẫn đến việc căng cứng cơ thể…

Với những người vợ mắc chứng ám ảnh sợ hãi, người vợ chỉ có thể tìm thấy cảm xúc tốt đẹp khi làm “chuyện ấy” một cách thật sự thư giãn, thoải mái khi nghĩ về nó.

Chữa sao khi vợ gặp chứng này?

Theo thạc sĩ tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ, người vợ mắc chứng ám ảnh sợ hãi có thể thử những “cởi bỏ tâm lý sợ đau” như sau: thay đổi suy nghĩ về giá trị của tình dục trong hôn nhân.

Thay vì nghĩ đó là trách nhiệm thì hãy nghĩ đó là cách trao và nhận tình yêu, là cơ hội cảm nhận tình yêu của chồng dành cho mình.

Tập loại bỏ những suy nghĩ không cần thiết, không liên quan trong thời điểm hai vợ chồng quan hệ tình dục. Có thể tập thiền, yoga để cân bằng cảm xúc và điều chỉnh suy nghĩ của mình. Tập hít thở sâu và thư giãn trong từng hơi thở.

Vợ sợ đau, chồng càng phải nhẹ nhàng, tâm lý. Người chồng nên cố gắng tạo cảm giác yên tâm, khơi được cảm xúc, ham muốn, giúp vợ cảm nhận “chuyện ấy” là một “nguyên liệu ngọt ngào” của hôn nhân, không cố ép buộc khi vợ chưa sẵn sàng.

Ngoài ra, người chồng cũng cần kiên nhẫn củng cố niềm tin nếu vợ có tổn thương trong mối quan hệ vợ chồng hoặc một cú sốc, biến cố nào trước đây.

QUỲNH LIÊN – TRÀ MY