27/12/2024

Quy hoạch ‘bỏ rơi’ di tích

Gần một tuần nay, ông Phan Văn Phú, Chánh hội trưởng đình Bình Tiên, rất lo lắng khi nhận được tin đường Minh Phụng theo quy hoạch ở phía đình sẽ mở rộng thêm 7 m, “nuốt” một phần nhà chánh điện và phủ tiền hiền.

 

Quy hoạch ‘bỏ rơi’ di tích

Gần một tuần nay, ông Phan Văn Phú, Chánh hội trưởng đình Bình Tiên, rất lo lắng khi nhận được tin đường Minh Phụng theo quy hoạch ở phía đình sẽ mở rộng thêm 7 m, “nuốt” một phần nhà chánh điện và phủ tiền hiền.




Đường Minh Phụng theo quy hoạch mở rộng sẽ lấn vào đình Bình Tiên 7 m 
 /// Quỳnh Trân

Đường Minh Phụng theo quy hoạch mở rộng sẽ lấn vào đình Bình Tiên 7 mQUỲNH TRÂN

Khi nhận được kinh phí 25 tỉ đồng nhà nước cấp để trùng tu, ngành văn hóa và Ban Quản lý đình Bình Tiên (Q.6, TP.HCM), một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đã được xếp hạng vào năm 2009, mới biết ngôi đình vướng quy hoạch và sẽ bị mất một phần để mở rộng đường giao thông.
Gần một tuần nay, ông Phan Văn Phú, Chánh hội trưởng đình Bình Tiên, rất lo lắng khi nhận được tin đường Minh Phụng theo quy hoạch ở phía đình sẽ mở rộng thêm 7 m, “nuốt” một phần nhà chánh điện và phủ tiền hiền, nơi thờ các tiền nhân đã có công với nhân dân trong vùng và có công trông coi đình.
Chiều 17.10, gặp PV Báo Thanh Niên, ông Phú ôm cả chồng hồ sơ xin lại đất đình bị người dân xung quanh lấn chiếm nhiều năm chưa được giải quyết và tỏ ra hết sức lo lắng trước nguy cơ đình Bình Tiên có thể tiếp tục mất thêm đất. Ông cho biết: “Khuôn viên của đình trước đây rộng rãi và khang trang lắm, nhưng nay bị lấn chỉ còn 678 m2. Ngày 16.9.2016, đình rất vui được tiếp đại diện Sở VH-TT TP.HCM, công ty tư vấn thiết kế, lãnh đạo UBND Q.6, Phòng VH-TT Q.6 đến thông báo là đã có kinh phí nhà nước cấp 25 tỉ đồng chuẩn bị trùng tu cho đình. Mọi người bàn việc tu bổ, tôn tạo lại đình theo nguyên trạng thì nay như sét đánh ngang tai khi biết đường Minh Phụng sẽ được phóng qua ngay đây”.
Bên trong đình Bình Tiên

Bên trong đình Bình Tiên

Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hoá (Sở VH-TT TP.HCM), dựa vào bức hoành phi của đình Bình Tiên ghi năm Mậu Thân (1848) và cây đòn dông trên mái chính điện ghi năm Ất Tỵ (1845) cho thấy đình đã có cách nay đã xấp xỉ 171 năm. Đình thờ thần có tước danh phẩm: “Quảng Hậu Chánh trực hữu thiên”, là vị thần có sự nghiệp hiển hách, công lao được triều đình gia phong Thượng đẳng thần là điều hiếm có ở các tỉnh miền Nam. Vì có công phù hộ giúp dân làng, sắc phong vua Tự Đức ban vào ngày 8.1.1853 vẫn được lưu giữ tại chánh điện.
Cùng với giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang tính điển hình cho đình miền Nam, tại đình Bình Tiên còn lưu giữ nhiều cổ vật quý: bàn thờ xưa, các tấm hoành phi, chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 5 (1852), tượng đồng long mã chở hàm ấn là tác phẩm nghệ thuật với tính thẩm mỹ cao hiếm có. Các tác phẩm chữ Hán tại đình cũng rất phong phú: Sắc phong của vua Tự Đức, Chiếu vua Minh Mạng năm Minh Mạng thứ 17 (1836), văn bản phong cấp của quan hộ lý Tuần phủ Định Tường và của các vị quan triều đình (1837 – 1838), phong cấp cho ông Đoàn Văn Túc, người ở thôn Bình Tiên, đã có công xây dựng thành Gia Định năm 1835 và chở gỗ về xây dựng cho kinh thành Huế năm 1837.
Lý lịch của đình còn ghi rõ ban đầu khuôn viên đình rộng tới hơn 10.000 m2nhưng bị lấn chiếm dần: “Lúc bấy giờ, đình tọa lạc trên một phần đất rộng hơn 10.000 m2, xây dựng theo lối cấu trúc gạch và gỗ, có hình chữ môn, một gian chính hai gian phụ liền nhau chia làm 3 đoạn: vỏ ca, chánh điện và hậu sở.
Trước đây đình có cổng chính ở đường Hậu Giang nhưng sau đó bị lấn chiếm xây nhà bít kín. Phía mặt trước, cách đình 5 thước có miếu ngũ hành thờ ngũ vị nương nương. Trong miếu có bệ thờ tượng 5 bà mặc 5 màu áo tượng trưng cho kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, mà theo Kinh dịch ngũ sắc này biểu tượng cho yếu tố cấu thành vũ trụ”.
Tìm cách cứu di tích
Ông Nguyễn Văn Hớn, Phó hội trưởng đình Bình Tiên, cho biết: “Người dân quanh đây rất lo lắng đến số phận ngôi đình 171 tuổi này và kiến nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh lại quy hoạch. Mở rộng đường sá là điều cần thiết nhưng di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Tiên cũng cần thiết phải được giữ lại cho hậu thế”.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM), xác nhận: “Đình Bình Tiên đang được lên kế hoạch trùng tu, kinh phí trùng tu khoảng 25 tỉ đồng. Nhưng khi lập dự án thiết kế chúng tôi mới phát hiện đường Minh Phụng theo quy hoạch sẽ mở rộng, lấn sâu vào khuôn viên đình 7 m. Sở VH-TT đang có văn bản xin ý kiến Sở GTVT, Sở QH-KT, UBND Q.6 xem xét điều chỉnh lại quy hoạch để có thể bảo tồn di sản văn hoá này”. Ông cũng cho biết thêm, hiện nay các cơ quan chức năng khi lập dự án giao thông thường không phối hợp với cơ quan bảo tồn di tích, khiến cơ quan bảo tồn di tích khi triển khai các dự án trùng tu lại bị vướng quy hoạch, mà để tháo gỡ mất rất nhiều thời gian.
Không chỉ có đình Bình Tiên, hiện nay đình Hanh Phú (đường Vườn Lài, Q.12, TP.HCM) khi lên phương án chống ngập cũng bị vướng vào quy hoạch của một khu dân cư có tuyến giao thông đi ngang qua đình. Theo tài liệu, đình Hanh Phú được xây dựng sau khi thôn Hanh Phú hình thành ổn định.
Trong Địa bạ tỉnh Gia Định do triều Nguyễn lập năm 1836 thì thôn Hanh Phú ở xứ Rạch Dừa, đông giáp sông lớn, tây giáp sông nhỏ. Hằng năm vào ngày 15.2 âm lịch, lễ Kỳ Yên được tổ chức long trọng tại đình để tạ ơn thần linh. Đình Hanh Phú được UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố ngày 27.7.2007. Theo ông Trương Kim Quân, hiện Sở QH-KT đã có văn bản đồng ý điều chỉnh con đường vào khu dân cư sẽ đi nơi khác, nhưng đang chờ sự đồng ý của Sở GTVT TP.HCM thì mới có thể tiến hành phục dựng lại toàn bộ ngôi đình này. Kinh phí trùng tu đình Hanh Phú đã được duyệt là 37 tỉ đồng.

 

Lê Công Sơn