Báo cáo mới trên chuyên san BMJ cho thấy những trường hợp mắc hội chứng Rapunzel thường phải can thiệp bằng phẫu thuật, sau đó tiếp tục điều trị tâm lý để tránh tái phát.
Hội chứng nuốt tóc
Báo cáo mới trên chuyên san BMJ cho thấy những trường hợp mắc hội chứng Rapunzel thường phải can thiệp bằng phẫu thuật, sau đó tiếp tục điều trị tâm lý để tránh tái phát.
Một phụ nữ trung niên đã than phiền với bác sĩ rằng mình luôn nôn ói mỗi khi cố gắng nuốt thức ăn, gây sụt cân trong nhiều tháng liền. Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán mắc hội chứng Rapunzel, hay hội chứng “Công chúa tóc dài”. Ở người, đây là tình trạng rối loạn hiếm gặp, bệnh được đặt tên theo nữ nhân vật trong truyện cổ tích Grimm. Nói đơn giản, bệnh nhân có thói quen bứt tóc mình và nuốt. Theo thời gian, tóc dồn ứ trong bao tử, cuộn thành một bọc tóc với cái đuôi dài len lỏi xuống ruột.
Đài CBS News dẫn lời chuyên gia về tâm thần nhi của Đại học Yale, bác sĩ Robert King cho hay hội chứng trên là một biến chứng của tình trạng trichotillomania, rối loạn cưỡng bức tự bứt tóc bản thân ở một cá nhân. Hầu hết những người mắc chứng rối loạn này đều là trẻ con, thanh thiếu niên và không chỉ giới hạn ở bứt, nuốt tóc mà còn cả lông mày, lông mi. “Một số trẻ bứt lông tóc và một số ít thậm chí còn nuốt luôn chúng”, theo bác sĩ King, thành viên Hiệp hội Nhi khoa Mỹ.
Bé gái 5 tuổi ở Trung Quốc sinh ra có nốt ruồi lông bẩm sinh trên mặt. Điều kỳ lạ là nốt ruồi ngày càng lớn ra và che khuất gần một nửa gương mặt của bé.
Trong trường hợp vừa được mô tả trên chuyên san BMJ, Case Studies, một phụ nữ 38 tuổi ở Pakistan đã trải qua tình trạng chóng mặt, nôn ói đột ngột và táo bón, trong khi bụng của bà trướng to do hỗn hợp khí và chất dịch. Các tác giả nghiên cứu, thuộc Bệnh viên Giảng dạy Khyber ở Peshawar (Pakistan) và Đại học Arizona (Mỹ), ghi nhận một số triệu chứng đã kéo dài suốt cả năm. Khi các cuộc thử nghiệm và kiểm tra cung cấp một số đầu mối, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật và phát hiện một búi tóc lớn trong bao tử của bệnh nhân, kích thước 15 x 10 cm. Một cái đuôi tóc nhỏ len lỏi khỏi dạ dày chạm đến ruột, còn búi tóc thứ hai, cỡ 4 x 3 cm, được tìm thấy ở sâu trong ruột. Cả hai búi tóc đều được lấy ra và bệnh nhân xuất viện sau 6 ngày.
Tác giả báo cáo, tiến sĩ Faiz Anwer của Đại học Arizona cho hay người phụ nữ trên đã mắc chứng rối loạn trichotillomania trong nhiều tháng và được chẩn đoán quá trễ, gây nên các biến chứng nghiêm trọng của hội chứng Rapunzel. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét 88 trường hợp tương tự và ghi nhận những biến chứng phức tạp khác có liên quan đến hội chứng này, bao gồm ảnh hưởng tụy tạng, u xơ bao tử, thiếu máu, viêm màng bụng… “Hầu hết các ca được ghi nhận trong báo cáo thu thập được từ khắp thế giới đều cho thấy căn bệnh này cần điều trị bằng phẫu thuật”, theo tiến sĩ Anwer. Ông hy vọng cuộc nghiên cứu trên sẽ khuyến khích các bác sĩ và bệnh nhân hãy điều trị sớm hơn nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc hội chứng kỳ lạ này.