26/12/2024

Hội An lập quy tắc ứng xử riêng

Trong khi chờ tỉnh Quảng Nam ban hành bộ quy tắc ứng xử chung cho hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, đô thị cổ Hội An đã và đang tự soạn những quy tắc riêng…

 

Hội An lập quy tắc ứng xử riêng

Trong khi chờ tỉnh Quảng Nam ban hành bộ quy tắc ứng xử chung cho hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, đô thị cổ Hội An đã và đang tự soạn những quy tắc riêng…




Hai du khách nước ngoài có cử chỉ âu yếm trước cổng điểm di tích nhà thờ cổ tộc Trần trên đường Lê Lợi, TP.Hội An  /// Ảnh: H.X.H

Hai du khách nước ngoài có cử chỉ âu yếm trước cổng điểm di tích nhà thờ cổ tộc Trần trên đường Lê Lợi, TP.Hội AnẢNH: H.X.H

Trong khi chờ tỉnh Quảng Nam ban hành bộ quy tắc ứng xử chung cho hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, đô thị cổ Hội An đã và đang tự soạn những quy tắc riêng để hướng dẫn, khuyến khích người dân, người làm du lịch và du khách ở phố cổ có những ứng xử phù hợp với một di sản văn hoá thế giới.
“Đồng bào, các bạn và quý du khách thân mến! Hội An đã và đang trở thành một trong những điểm đến được yêu thích trên thế giới”, Những điều cần biết về trật tự, kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ do UBND TP.Hội An (Quảng Nam) ban hành hồi giữa năm 2016 được bắt đầu một cách thân thiện như vậy.
“Những điều cần biết” này phát hành dưới dạng tờ gấp bỏ túi và bản in gửi đến các hộ dân. Chỉ riêng “Những điều cần biết về trật tự, cảnh quan đường phố, ứng xử”, Hội An đã liệt kê 7 điều nên làm, 6 điều không nên làm, 5 điều cấm. Về việc sắp xếp, bày bán hàng hoá và sử dụng ánh sáng, âm thanh trong khu phố cổ, Hội An cũng đặt ra 11 yêu cầu chi tiết. Trong các “điều nên làm” và “điều cấm” đều đề cập chuyện ăn mặc, sử dụng trang phục lịch sự. Ngoài ra còn thêm một dạng tờ rơi khác chủ yếu khuyến cáo về trang phục được gửi kèm theo vé tham quan.
Nhưng Hội An chưa dừng lại ở đó mà đang soạn tiếp “những điều nên và không nên trong phố cổ”. “Quy định này được lập ngắn gọn, dễ hiểu dành cho đối tượng du khách và người kinh doanh trong khu phố cổ. Chúng tôi đang chờ thông qua phương án sắp xếp hàng rong sẽ làm, dự tính hoàn tất vào cuối năm nay” – ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết. Theo ông Sơn, di sản văn hoá thế giới Hội An thực sự cần một “bộ quy tắc” riêng để hạn chế những hoạt động ảnh hưởng đến di sản. “Như kinh doanh trong khu phố cổ không được sử dụng nhiều ánh sáng trắng hoặc kê nhiều tủ gương”, ông Sơn nói thêm.
Đã xảy ra một số “sự cố” liên quan đến hành xử của du khách khi đến Hội An khiến chính quyền thấy nên chấn chỉnh, như chuyện doanh nghiệp mở nhạc to cho khách nhảy múa tại khu rừng dừa Cẩm Thanh hay du khách ăn vận hở hang vào các đình chùa. Thậm chí, những điểm di tích tâm linh như tổ đình Phước Lâm, Chúc Thánh, Long Tuyền… còn lập ra quy định riêng về trang phục dành cho khách khi vào viếng. “Có nơi, khách ăn mặc không đàng hoàng đã bị từ chối tham quan. Chúng tôi ủng hộ cách xử lý này. Chuyện trang phục của một bộ phận khách châu Âu cũng phức tạp vô cùng. Thử ở Hội An vào những ngày nắng nóng sẽ thấy nhiều nữ du khách mặc đồ cũn cỡn đi lung tung. Không vì phát triển kinh tế mà bất chấp, Hội An phải bảo tồn văn hóa truyền thống” – ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, khẳng định.
Nhập gia tuỳ tục
Từ năm 2000, ông Nguyễn Sự (khi đó giữ chức Chủ tịch UBND TX.Hội An) đã ký ban hành quy định cấm nữ nhân viên nhà hàng ăn mặc hở hang khi tiếp khách và vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Nhưng đến nay, ông Sự vẫn quyết liệt bảo lưu quan điểm đó. Với những điều nên làm, không nên làm, điều cấm trong quy định do TP.Hội An vừa ban hành, ông Sự cho rằng “quy tắc” riêng này ràng buộc không chỉ du khách mà còn với người làm du lịch và người dân địa phương. “Những quy định sẽ góp phần làm nên giá trị văn hoá Hội An, điều mà du khách muốn khám phá khi đi du lịch và thu hút họ đến nhiều người, đến nhiều lần và ở lại nhiều ngày. Đã có tình trạng nhiều nơi chạy theo thị hiếu và nhu cầu của khách, thu hút khách bằng mọi giá để rồi họ không tôn trọng mình, không lo phải “nhập gia tuỳ tục” nữa, và những nơi đó cũng giảm dần sức hút với các du khách có nhu cầu trải nghiệm văn hóa”, ông Sự nói.
Yếu tố tương tác với cộng đồng đã buộc Hội An chủ động ban hành các quy định riêng, thay vì chờ bộ quy tắc chung của tỉnh. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, ủng hộ việc Hội An có “quy tắc” riêng, bởi thành phố đô thị di sản này có đặc thù phát triển du lịch nhưng phải bảo vệ di sản. “Đó là một quy chế riêng và rất cần đối với Hội An. Cũng như ở làng dệt thổ cẩm Zara ở miền núi Nam Giang của tỉnh, cộng đồng đặt ra quy định chỉ phục vụ nhóm du khách từ 6 người trở lên và… không cho khách ngủ qua đêm. Bộ quy tắc chung của tỉnh hiện vẫn đang dự thảo, lấy ý kiến các hiệp hội và cộng đồng làm du lịch. Phải sang năm 2017 mới xong vì chúng tôi chờ luật Du lịch sửa đổi được ban hành. Chúng tôi phải thận trọng để không trái với luật về du lịch, xây dựng, nhà ở, đầu tư”, ông Đinh Hài lý giải.
Cần thuận tiện cho du khách
Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH du lịch dịch vụ Hoa Hồng (Hội An) – xác định sẽ tuân thủ các quy định vì đây là các quy định cần thiết, nhưng đặt ra vấn đề phải làm sao cho du khách cảm thấy thuận tiện, thoải mái. “Nếu Hội An chỉ có duy nhất điểm di tích tôn nghiêm, thì quy định về trang phục là hợp lý. Nhưng đây là khu di tích rất cởi mở, du khách có thể đi dạo phố, tham quan Chùa Cầu, ngắm sông, ghé các hội quán… Vì vậy, ở từng điểm di tích, nếu cần nên bố trí cho thuê trang phục”, ông Dũng gợi ý. Dẫn kinh nghiệm của Thái Lan khi cho thuê trang phục, ông Dũng cho rằng nếu đem áp dụng ở Hội An sẽ khắc phục được tình trạng du khách bị động vì hướng dẫn viên “quên” nhắc nhở: “Chẳng lẽ khách phải quay về khách sạn để… thay đồ? Nhất là với khách đi lẻ, đi theo gia đình thường không được cập nhật các quy định ngay từ đầu”.
“Những điều cần biết…” mà Hội An đang lưu hành rộng rãi trong khu phố cổ cũng được chính người dân địa phương tự giác thực hiện. Ông Trương Bách Tường (ở nhà cổ số 57 Trần Phú) cho biết với hành vi xếp vào “những điều cấm” như cò mồi, chèo kéo, ăn xin, quảng cáo khi chưa có giấy phép… thì địa phương có chế tài; còn lại những khuyến cáo về “những điều nên làm”, “nhưng điều không nên làm” là một hình thức nhắc nhở cần thiết. “Cả khu phố Trần Phú tôi đang ở có đủ loại hình kinh doanh, từ bán tranh, áo quần may sẵn, hàng lưu niệm, đèn lồng… Bản thân người bán hàng đã tự lo sửa sang cơ sở của mình, tự biết cách ứng xử thiện cảm để hút khách. Nhưng được chính quyền ra quy chế kêu gọi thì càng tốt, một dạng “giữ lửa” cho phong trào. Và đó là điều có lợi. Đơn giản thế này thôi: cả khu phố văn minh sẽ tạo ấn tượng tốt, khách ghé nhiều hơn, mua nhiều hơn”, ông Tường nói.
– Những điều nên làm:
Sử dụng bảng hiệu có vật liệu truyền thống; vật dụng phục vụ kinh doanh ẩm thực, hàng hoá bằng chất liệu gỗ, tre; nhắc nhở và vận động du khách mua vé tham quan; lịch sự, vui vẻ, chân thành khi giao tiếp, ứng xử với khách; trồng các loại hoa, cây cảnh phù hợp; mặc trang phục lịch sự…
– Những điều không nên làm:
Bán các hàng hoá hiện đại (đèn phát sáng, tranh cắt 3D…); buôn bán dưới lòng đường, trên cầu; sử dụng lều, bạt che chắn nơi buôn bán; treo lồng đèn cũ, hư hỏng, lồng đèn nhựa…; phơi vật dụng gia đình ở vỉa hè, ban công, trước sân; ăn mặc, sử dụng trang phục thiếu lịch sự.
– Những điều cấm:
Cò mồi, chèo kéo, ăn xin; quảng cáo khi chưa có giấy phép trên đường phố, trước nhà; phương tiện có động cơ (trừ xe của người khuyết tật); lưu hành các loại phương tiện có gắn loa phát lời mời mua bán hàng; đánh bắt thuỷ sản đoạn từ cầu An Hội đến cầu quảng trường Sông Hoài.
 

(Nguồn: Những điều cần biết về trật tự, kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ Hội An)


 

Hứa Xuyên Huỳnh