Bắt phụ huynh đóng tiền…mua máy lạnh
“Tôi nhớ thời con đầu tôi vào học ở trường, gia đình đóng 500.000 đồng để mua máy lạnh, nay con thứ tôi lại vào học lớp 1, gia đình tiếp tục đóng 500.000 đồng để… mua lại cái máy lạnh cũ đó”.
Bắt phụ huynh đóng tiền…mua máy lạnh
“Tôi nhớ thời con đầu tôi vào học ở trường, gia đình đóng 500.000 đồng để mua máy lạnh, nay con thứ tôi lại vào học lớp 1, gia đình tiếp tục đóng 500.000 đồng để… mua lại cái máy lạnh cũ đó”.
Chị P., một phụ huynh có hai con từng theo học tại Trường tiểu học An Lạc 1 (Q.Bình Tân, TP.HCM), bức xúc nói với Tuổi Trẻ: “Cái máy lạnh giá chỉ mười mấy triệu, qua 6 năm nó đã đội lên gấp 3, 4 lần giá đó rồi”.
Máy lạnh của trường có giá bao nhiêu?
Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học hôm 20-9 của Trường tiểu học An Lạc 1, một số phụ huynh có con học khối lớp 1 bán trú cho biết họ phải đóng góp rất nhiều khoản, trong đó có một vài khoản họ thấy vô lý như máy lạnh, tiền hội cha mẹ học sinh…
Cộng tất tần tật các khoản, anh T., một phụ huynh có con theo học lớp 1 bán trú tại đây, cho biết anh đóng tổng cộng khoảng 3 triệu đồng, khoản thu “gây tranh cãi” nhất đối với các phụ huynh chính là khoản tiền xung quanh chiếc máy lạnh.
Một phụ huynh có con học lớp 1 trong một lớp bán trú của trường này cho biết khi tham gia buổi họp phụ huynh, chị được thông báo sẽ đóng tiền 500.000 đồng mua máy lạnh dù trong phòng học lúc đó đã có hai cái máy lạnh cũ.
Ngoài ra, mỗi học sinh còn phải đóng 200.000 đồng tiền điện để sử dụng máy lạnh trong suốt năm học. Đối với các khối lớp 2, 3, 4, 5 có bán trú của trường, học sinh phải trả các khoản tiền: tiền bảo trì máy lạnh (khoảng 200.000 đồng/năm), tiền điện (khoảng 200.000 đồng/năm).
Chị P. còn cho biết thêm, những lớp sau tiếp tục đóng tiền bảo trì máy lạnh với giá không sát thực tế. Ngoài tiền điện, phụ huynh còn phải đóng từ 100.000 – 200.000 đồng/học sinh để bảo trì các máy lạnh cũ đó.
Theo tính toán, trung bình lớp bán trú có hơn 40 học sinh, mỗi năm tiền bảo trì máy lạnh trung bình mỗi lớp khoảng 5-9 triệu đồng/máy lạnh, gần bằng tiền mua mới máy lạnh hiện nay.
“Chúng tôi thật sự không biết giá một cái máy lạnh mà nhà trường đưa ra cho phụ huynh là bao nhiêu. Vì chúng tôi không tính được giá của nó khi cộng dồn các khoản đóng góp từ mua mới của tất cả học sinh bán trú khối 1 đến tiền bảo trì, bảo hành và tiền điện (dư dôi – nếu có) của các khối lớp 2, 3, 4, 5.
Những cái này cần được công khai, chúng tôi tài trợ nhà trường mua máy lạnh hay nhà trường cho học sinh thuê máy lạnh?” – anh N., một phụ huynh của trường này, bất bình nói với Tuổi Trẻ.
Nhà trường nói“tự nguyện”
Không chỉ vậy, một số phụ huynh các lớp khối 2 của trường cũng cho biết họ rất bức xúc vì bị “truy thu” khoản tiền 500.000 đồng/học sinh để mua máy lạnh do năm ngoái họ chưa có tiền đóng. Họ rất bất bình trước khoản thu được cho là tự nguyện đóng góp nhưng thực tế lại được thực thi như là khoản thu bắt buộc này.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Thái Trung, hiệu trưởng Trường tiểu học An Lạc 1, khẳng định tiền đóng góp mua máy lạnh 500.000 đồng/học sinh ở khối lớp 1 có bán trú là “tự nguyện” đóng góp theo hình thức xã hội hóa giáo dục, nhà trường không ép.
“Đó là khoản thu theo thỏa thuận, hỏi phụ huynh đó là ai truy thu. Lãnh đạo nhà trường không triển khai việc truy thu đó” – ông Trung nói.
Theo ông Trung, thực thu tiền đóng góp mua máy lạnh của khối lớp 1 bán trú không đạt được 100%. Học sinh nào không đóng tiền mua máy lạnh thì nhà trường vẫn để các em học ở lớp bán trú, không đưa các em ra khỏi lớp đó.
Vì thế, mỗi năm trường chỉ “cuốn chiếu” thêm được một vài lớp có máy lạnh, mà phần lớn phòng học đều có hai máy lạnh nên số lượng “cuốn chiếu” thêm không nhiều. Cả trường hiện nay có 23/53 lớp bán trú nhưng có đến 31/38 phòng học có máy lạnh.
“Có thể phụ huynh nghĩ nhà trường thu xoay vòng với cái máy lạnh cũ nên bức xúc. Thực tế cũng có một số phụ huynh có ý kiến phải gắn máy lạnh mới ở phòng của con họ, nhưng nhà trường không cho phép việc đó vì thay đổi như vậy thì mở bung ra sẽ nháo nhào cơ sở vật chất, điện, nước.
Khi phụ huynh đóng góp tiền mua máy mới thì nhà trường cho gắn thêm máy lạnh mới ở những phòng chưa có máy lạnh hoặc máy lạnh bị hư hỏng không bảo trì được để học sinh khác học; có khi những học sinh lớp 1 sau khi chuyển sang phòng học khác sẽ có máy lạnh vừa gắn, chứ không thể theo yêu cầu của phụ huynh theo kiểu đó được” – ông Trung giải thích.
Liên quan đến tiền bảo trì máy lạnh quá cao, nếu cộng dồn lại như… mua máy mới, ông Trung khẳng định không có chuyện các lớp thu thêm tiền bảo trì máy lạnh riêng mà chỉ có tiền điện và tiền bảo trì: mỗi học sinh 200.000 đồng/năm.
“Trường chủ trương không thu thêm, nếu lớp nào dư thì hỗ trợ sang lớp còn thiếu khác. Lớp nào thu tiền bảo trì máy lạnh là sai quy định của trường” – ông Trung nói.
Sao trường chỉ nói “tự nguyện” khi được hỏi? Nhiều phụ huynh Trường tiểu học Lê Trọng Tấn (Q.Bình Tân, TP.HCM) bức xúc trước các khoản thu “nói là tự nguyện” nhưng thực tế là bắt buộc. Trong đó họ bức xúc nhất là khoản thu môn tiếng Anh và tiếng Anh bản ngữ với mức phí 540.000 đồng và 680.000 đồng. “Khoản thu môn tiếng Anh là không chấp nhận được. Tiếng Anh dạy thêm 4 tiết, sáng thứ ba 2 tiết, chiều thứ bảy 2 tiết. Học bình thường là 540.000 đồng/năm, nếu thêm tiết của người bản ngữ dạy thì cộng thêm 680.000 đồng. Thành ra chúng tôi phải gồng mình trả lương cho cả hai giáo viên với tổng tiền lên đến 1.220.000 đồng” – chị N.T.N., một phụ huynh, bức xúc nói. Một phụ huynh cũng có con học Trường tiểu học Lê Trọng Tấn nhận xét ngoài khoản thu của môn tiếng Anh, tiền quỹ hội phụ huynh năm nay cũng vô lý không kém khi tăng từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng. Theo phụ huynh này, mức thu quỹ hội phụ huynh như vậy là quá cao, các khoản thu khác cũng cao, người dân lao động nghèo làm sao xoay xở đóng được. “Tất cả những khoản thu này đều được ghi lên bảng, không có cái nào hỏi ý kiến phụ huynh hoặc ghi rạch ròi ra khoản này là đóng góp bắt buộc, khoản kia là tự nguyện đóng góp. Việc học tiếng Anh cũng vậy, không có chuyện lấy ý kiến phụ huynh mà vào họp phụ huynh là cứ y như rằng chúng tôi đã đồng ý cho con cái học tiếng Anh vậy, không có cái đơn nào được phát ra để chúng tôi có ý kiến. Nhưng khi phụ huynh hỏi lãnh đạo nhà trường thì được trả lời là… tự nguyện, không ép buộc” – một phụ huynh tên M. bức xúc. Trả lời Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Thu Thủy, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Trọng Tấn, cho biết các khoản thu đều được đóng góp trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Riêng việc phụ huynh có đăng ký cho con em mình học tiếng Anh hay không dựa trên việc triển khai lấy ý kiến ngay khi họp phụ huynh. “Những phụ huynh nào không đồng ý cho con học tiếng Anh tự chọn và bản ngữ thì không phải đóng tiền. Đây không phải là yêu cầu bắt buộc của trường” – bà Thủy thông tin. |