25/12/2024

Xe buýt: Không biết còn bày đặt leo lên xe!

Đã có nhiều ý kiến về các biện pháp hạn chế xe cá nhân để mở đường cho vận chuyển công cộng. Tuy nhiên, người đi xe buýt cho rằng loại phương tiện này còn khá nhiều bất tiện.

 DIỄN ĐÀN “HIẾN KẾ GIẢI CỨU GIAO THÔNG”

Xe buýt: Không biết còn bày đặt leo lên xe!

Đã có nhiều ý kiến về các biện pháp hạn chế xe cá nhân để mở đường cho vận chuyển công cộng. Tuy nhiên, người đi xe buýt cho rằng loại phương tiện này còn khá nhiều bất tiện.

 

 

 

Xe buýt: Không biết còn bày đặt leo lên xe!
Xe buýt số 8 chạy tuyến đường bến xe Q.8 – Đại học Quốc gia TP.HCM dán nhắc nhở hành khách cảnh giác “Cẩn thận móc túi” – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Cuộc tranh cãi về các biện pháp hạn chế xe cá nhân có lẽ chẳng bao giờ có hồi kết khi mà người dân vẫn cần phải đi lại bằng xe cá nhân bởi không thể trông đợi vào các phương tiện công cộng.

Số liệu từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy lượng hành khách đi xe 
buýt năm 2015 giảm khoảng 9,71% so với năm 2014, 
còn đến giữa năm 2016 thì giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu năm nay, tôi đã từng bỏ xe máy ở nhà và chuyển qua sử dụng xe buýt để đi từ nhà ở Q.Bình Thạnh đến chỗ làm tại Q.1, TP.HCM (đoạn đường gần 7km).

Tôi chọn xe buýt vì nhìn vào lộ trình thì thấy rõ quãng đường xe buýt ngắn hơn một ít so với đi xe máy, phần khác tôi cũng muốn góp phần giảm ùn tắc cho thành phố – dù biết “một cánh én không làm nên mùa xuân”.

Tuy nhiên, tôi chỉ duy trì được ba tháng thì phải bỏ xe buýt và trở về với xe máy.

Mặc dù chất lượng xe buýt tại TP.HCM nhìn chung đã có những thay đổi tích cực, tốt hơn so với 10-15 năm trước, nhưng phải thẳng thắn nhận xét là vẫn còn nhiều bất tiện 
cho người sử dụng.

Hàng loạt điểm trừ rất lớn của xe buýt TP.HCM có thể liệt kê: xe cũ kỹ, mất vệ sinh, xe thường bỏ trạm, thái độ phục vụ không tốt, chạy lạng lách, lấn tuyến lấn làn, các trạm dừng chờ cũng không được sạch sẽ…

Thêm vào đó, bản đồ xe buýt không rõ ràng khiến khách chẳng biết khi nào xe đến, sắp dừng ở trạm nào, trong khi việc này hoàn toàn có thể cải thiện.

Chẳng hạn như tại Singapore hay Nhật, mỗi trạm xe buýt đều có bản đồ các tuyến đi qua trạm rõ ràng, khách chỉ cần nhìn vào là biết mình cần đi đến đâu, mấy giờ xe đến.

Còn giả như khách không biết lộ trình cũng sẽ được tài xế giải thích, chỉ dẫn rõ ràng chứ không quát nạt cau có, thậm chí là mỉa mai khách kiểu như “Không biết còn bày đặt leo lên xe” mà tôi đã có lần chứng kiến.

Đó là chưa kể các tuyến xe buýt lại được bố trí không hợp lý, chỗ thì không có tuyến nào, chỗ thì nhiều tuyến chồng chéo lên nhau.

Như khu vực nhà tôi, mỗi lần muốn đón xe buýt là phải đi bộ hơn 
2km mới ra đến trạm.

Tôi so sánh thì thấy tính luôn cả thời gian đi bộ và chờ xe buýt, thời gian đi xe buýt từ nhà đến nơi tôi làm việc luôn nhiều hơn 10-15 phút so với đi xe máy.

Đó là chưa kể có hôm chờ xe buýt quá lâu khiến tôi suýt bị trễ giờ làm.

Thêm vào đó, nếu tính chi phí thì tiền xăng xe máy đổ cho một tuần còn rẻ hơn tiền xe buýt đi về (mỗi ngày là 14.000 đồng, một tuần là 70.000 đồng, trong khi đổ 50.000 đồng xăng là chạy được hơn một tuần từ nhà đến công ty).

Tôi nghĩ hẳn là nhiều người cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự như tôi, muốn đi xe buýt để thuận lợi hơn cho mình cũng như góp phần giảm ùn tắc, giảm xe cá nhân, nhưng không có cơ hội để làm việc này vì quá nản với chất lượng xe buýt Sài Gòn.

Trong số những người còn đi xe buýt, hẳn lực lượng học sinh – sinh viên chiếm con số đáng kể bởi giá rẻ và họ không có xe máy để đi học, còn những người đi làm như tôi thì chẳng mấy 
mặn mà với xe buýt.

Có lẽ phải đến khi hệ thống xe buýt Sài Gòn (và những đô thị khác) có những bước cải tiến mang tính đột phá, xe tốt hơn, thái độ phục vụ tốt hơn, giá rẻ hơn, sạch sẽ hơn, các tuyến rộng khắp, thuận tiện trong di chuyển, đúng giờ – đến lúc ấy người dân mới thật sự mặn mà với loại hình giao thông công cộng này.

Do vậy, điều cần làm để “giải cứu giao thông” ở Hà Nội và TP.HCM lúc này là cần nhanh chóng nâng chất hệ thống xe buýt và cho người dân thấy được những ưu điểm của loại hình vận chuyển này để họ tự động chuyển sang sử dụng xe buýt, thay cho việc chỉ lo tập trung đầu tư mua sắm xe cá nhân.

Phát triển “buýt trên sông”

Bên cạnh nâng cấp hệ thống xe buýt, TP.HCM cũng cần tính tới việc phát triển hệ thống “buýt trên sông” để giảm bớt lượng xe trên mặt đường. Bangkok (Thái Lan) là một ví dụ điển hình mà TP.HCM có thể học hỏi để triển khai “buýt trên sông” khi hệ thống giao thông công cộng này của thủ đô Thái Lan được phát triển chủ yếu trên sông Chao Phraya và kênh Khlong Saen Saep, rất thuận tiện cho người dân và du khách di chuyển, tham quan trong thành phố.

NHẤT NGUYÊN (TP.HCM)