24/01/2025

TP.HCM bỏ rào cản để phát triển

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết rất ủng hộ TP.HCM tạo cơ chế mới, phá bỏ rào cản để phát huy năng lực nhằm phát triển nhanh hơn.

 

TP.HCM bỏ rào cản để phát triển

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết rất ủng hộ TP.HCM tạo cơ chế mới, phá bỏ rào cản để phát huy năng lực nhằm phát triển nhanh hơn.

 

 

 

TP.HCM bỏ rào cản để phát triển
Làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (bìa trái) cho biết ông hoàn toàn ủng hộ những cơ chế mới do TP đề xuất – Ảnh: TỰ TRUNG

Những gì luật chưa quy định hoặc đã quy định nhưng chưa phù hợp với thực tế thì cho phép TP.HCM làm thí điểm, thậm chí có thể sửa nghị định hoặc 
đưa vào nghị quyết để thực hiện

Bí thư Thành ủy ĐINH LA THĂNG

Ngày 6-10, lãnh đạo TP.HCM làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và quy hoạch chín tháng đầu năm tại TP.HCM.

Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong…

Cơ chế bình thường không thể làm được

Ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tại TP.HCM hiện có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, trong đó có nhiều chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng rất nguy hiểm cho người dân. Tuy nhiên, các dự án cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn các nhà đầu tư do mức độ sinh lãi không nhiều.

Trong 10 năm thực hiện chương trình cải tạo chung cư cũ, TP.HCM mới chỉ xây dựng mới được 32 chung cư, nhưng trong bốn năm tới (từ nay đến năm 2020) phải xây dựng mới 237 chung cư cũ.

Bên cạnh đó, chương trình di dời 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch, cải thiện chỗ ở cho người dân, nạo vét sông, rạch, cải thiện môi trường cũng cần có những cơ chế đặc biệt để tháo gỡ các rào cản pháp lý.

Ông Khoa kiến nghị cho TP.HCM cơ chế tự lựa chọn chỉ định nhà đầu tư trong các dự án cải tạo chung cư cũ và di dời nhà ở ven và trên kênh rạch. “Nếu cơ chế bình thường thì không thể làm được” – ông Khoa khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, kiến nghị cho các dự án cải tạo chung cư cũ hưởng các chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ tiêu diện tích ở trên đầu người, chỉ tiêu đất giao thông, cây xanh…) tối thiểu như các dự án nhà ở xã hội. Sở có nhiệm vụ xây dựng chỉ tiêu quy hoạch cho từng dự án để UBND các quận huyện kêu gọi đầu tư.

“Hiện có 219 chung cư có diện tích trên 1.000m2, được xây dựng trên 21 tầng. Đề nghị Bộ Xây dựng có một tổ công tác phía Nam để các cơ quan chức năng và nhà đầu tư có thể làm việc trực tiếp” – ông Nhã đề nghị.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn kiến nghị trong thời gian chờ Quốc hội sửa đổi quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, đề nghị Bộ Xây dựng cho phép UBND TP.HCM áp dụng quyết định 27 năm 2014 của UBND TP về quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng.

“Quy định như Luật xây dựng hiện nay không thể cấp giấy phép xây dựng. Đề nghị sửa Luật xây dựng theo hướng đối với công trình thuộc khu vực đã có quy hoạch, cho phép cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo mục đích sử dụng đất hiện hữu, công trình được tồn tại đến khi Nhà nước thực hiện quy hoạch” – ông Tuấn kiến nghị.

Cần những cơ chế bứt phá

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện UBND TP chuẩn bị thực hiện cấp giấy phép xây dựng một cửa liên thông ở cấp sở, cấp phép xây dựng qua mạng ở các quận huyện. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát quy hoạch và rất ngại quy hoạch “treo” làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Bên cạnh đó, việc mạnh dạn phân cấp cho các sở, ngành và UBND quận huyện thực hiện các thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân.

“Với những thành quả đó, tôi mong Bộ Xây dựng chấp thuận những kiến nghị của TP.HCM hoặc ủng hộ để kiến nghị Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. TP.HCM mong được tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, một trong những chương trình đột phá theo nghị quyết Đại hội Đảng của TP.HCM” – ông Phong phát biểu.

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng ủng hộ cơ chế đột phá trong lĩnh vực xây dựng để TP.HCM phát triển nhanh hơn thời gian tới. Những gì luật chưa quy định hoặc luật đã quy định nhưng chưa phù hợp với thực tế thì cho phép TP làm thí điểm, thậm chí có thể sửa nghị định hoặc đưa vào nghị quyết để thực hiện.

TP.HCM hiện đã và đang là đầu tàu kinh tế của cả nước, nên rất cần những cơ chế bứt phá để phát triển nhanh hơn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hoàn toàn ủng hộ những cơ chế mới do TP.HCM đề xuất.

“TP.HCM phải tạo cơ chế mới, phá bỏ rào cản nhằm phát huy nguồn lực của mình để phát triển nhanh hơn nữa. Tôi ủng hộ việc phân cấp, uỷ quyền của TP.HCM.

Bộ cũng sẽ uỷ quyền cho TP.HCM thực hiện một số thủ tục thuộc thẩm quyền của bộ đối với công trình cấp đặc biệt và cấp A” – bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông Hà, một trong những tư tưởng của Luật xây dựng năm 2014 là bảo đảm hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định trong luật chưa thực tế, bất cập nên phải sửa luật, sửa cả nghị định.

Hàng loạt cán bộ huyện Bình Chánh 
bị kỷ luật, nhắc nhở

* Quận 7 tạm ngưng cấp phép xây dựng 
có thời hạn

Trong chín tháng đầu năm, UBND huyện Bình Chánh ban hành 29 quyết định kỷ luật cán bộ, 80 thông báo phê bình, rút kinh nghiệm cho các tập thể, cá nhân thuộc huyện.

Phòng Nội vụ huyện Bình Chánh thông tin như vậy tại buổi giám sát của Ban pháp chế HĐND TP.HCM về công tác cải cách thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chín tháng đầu năm trên địa bàn huyện ngày 6-10.

Cùng ngày, Ban pháp chế HĐND TP.HCM giám sát tại UBND quận 7 với cùng nội dung trên. “Trước đây, quận 7 cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quyết định 27 của UBND TP.HCM. Nhưng gần đây TP.HCM tạm ngưng việc cấp phép xây dựng theo quyết định trên vì trái Luật xây dựng. Do người dân không biết việc tạm ngưng này vẫn nộp hồ sơ nên bị từ chối” – ông Hồ Thái Thành, trưởng Phòng quản lý đô thị quận 7, giải thích.

D.N.HÀ – T.LONG

D.NGỌC HÀ ([email protected])