Theo thống kê của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, hiện TP có gần 1.300 căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975, nhưng đến nay hàng trăm căn đã biến mất. Tại Hà Nội có khoảng 1.600 căn nhà Pháp cổ các loại thì hiện nay cũng đang xuống cấp và có nguy cơ… biến mất.
Biệt thự cổ dần biến mất
Theo thống kê của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, hiện TP có gần 1.300 căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975, nhưng đến nay hàng trăm căn đã biến mất. Tại Hà Nội có khoảng 1.600 căn nhà Pháp cổ các loại thì hiện nay cũng đang xuống cấp và có nguy cơ… biến mất.
Trong số gần 1.300 căn biệt thự cổ tại TP.HCM được thống kê thì chỉ riêng địa bàn Q.1, Q.3 có gần 1.000 biệt thự xây dựng trước năm 1975. Nếu như trước đây trên những con đường như Tú Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng… biệt thự nối tiếp nhau san sát thì nay chỉ còn lác đác một vài căn. Theo Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thì có đến 50% số biệt thự không còn tồn tại. Như trên đường Hai Bà Trưng, 40 biệt thự được khảo sát chỉ còn khoảng 20 căn, trên đường Lê Quý Đôn khảo sát 20 biệt thự có đến 14 biệt thự không còn, đường Mạc Đĩnh Chi có 18 căn thì có đến 12 căn biến mất, đường Nguyễn Đình Chiểu có 53 biệt thự được khảo sát thì nay còn 24 căn… Hồi cuối tháng 6.2016, căn biệt thự cổ tuyệt đẹp hàng trăm năm tuổi trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã bị chủ nhân phá dỡ. Theo lãnh đạo Q.Bình Thạnh thì căn biệt thự cổ này thuộc sở hữu tư nhân, chưa được xếp hạng di tích. Tuy nhiên, do bị xuống cấp, hư hỏng nên chủ sở hữu xin tháo dỡ, sửa chữa. Phát hiện việc này TP đã yêu cầu dừng lại. Một căn biệt thự cổ khác mặt tiền đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) cũng bị đập bỏ toàn bộ sau khi “qua tay” 3 – 4 đời chủ.
Căn biệt thự 6C Tú Xương (Q.3) được xây dựng trước năm 1975 rộng khoảng 300 m2, toạ lạc trong khuôn viên đất khoảng 2.000 m2. Sau năm 1975 đã cấp cho một số người, sau đó bán hóa giá và đến nay căn biệt thự này có 6 hộ dân sinh sống (chưa kể những phòng trọ). Khi bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, cơ quan chức năng chia luôn diện tích đất khuôn viên quanh biệt thự để bán hoá giá cho các hộ dân. Hiện phần kiến trúc nguyên thủy của căn biệt thự này gần như không còn khi bị cơi nới, phá hỏng.
Đáng lo nhất là những ngôi nhà Pháp cổ, thuộc tài sản công, được xếp vào dạng di sản nhưng lại không rõ trách nhiệm quản lý thuộc về ai, bị bỏ mặc nên rất nhanh hỏng, nguy cơ sập đổ cao
KTS Trần Huy Ánh, hội viên Hội Kiến trúc sư VN
Vào năm 2010, một căn biệt thự xây dựng từ thập niên 1890 ở số 12 Lê Duẩn (Q.1), ngay cạnh Trung tâm thương mại Diamond Plaza đã bị phá dỡ để dành cho một khu phức hợp cao tầng là dự án Lavenue Crown. Nhưng từ đó cho tới nay tòa nhà cổ đã bị đập còn đất thì vẫn để trống.
Tại Hà Nội, tháng 9.2015, căn biệt thự Pháp cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập, gây nhiều thương vong. Cơ quan chức năng cũng như giới chuyên gia nghiên cứu về nhà Pháp cổ đều chung nhận định rằng ngôi biệt thự này không được duy tu bảo tồn đúng mức nên sập đổ là điều tất yếu. Đây là hồi chuông cảnh báo cho công tác quản lý nhà biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội có vấn đề nghiêm trọng, nếu không thay đổi thì nguy cơ mất dần loại nhà này là hiện hữu.
Sống tại biệt thự cổ số 45 Trần Quốc Toản (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Nga, 71 tuổi, cho biết, ngôi nhà đã bị nghiêng từ hơn 40 năm nay, khi bà mới dọn về ở. Quan sát bằng mắt thường không cảm nhận được, tuy nhiên, khi đi cầu thang hay đứng trên tầng 2 căn nhà, có thể thấy rất rõ biệt thự này bị nghiêng. Nhiều mảng tường bong tróc, vôi vữa đã mục nát rơi ra. Cầu thang ọp ẹp, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Theo lời nhiều người dân sống tại đây, ngôi biệt thự nằm trong diện bảo tồn, nên không được bán hay sửa chữa. Cạnh đó, biệt thự 47 Trần Quốc Toản cũng trong tình trạng tương tự. Căn nhà cũ kỹ bị người dân tận dụng cơi nới từng tý. Chuồng cọp mini trở thành “ban công” phơi quần áo khiến cho khung cảnh nhìn rất xập xệ. Căn biệt thự số 333 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cũng chung hiện trạng. Nhìn từ phía sau có thể thấy rõ từng mảng tường đang tróc lở, bong ra, một số đoạn tường được trát lại nhìn khá nham nhở. Còn 4 hộ dân sống tại toà biệt thự 70 Ngô Quyền (Hà Nội) cho biết phải can đảm lắm mới dám sinh sống tại đây. Không chỉ bên ngoài, bên trong nhà, các bức tường đã tróc, mốc xanh mốc đỏ bám khắp tường tạo cảm giác ọp ẹp. Tuy nhiên, vì không được sửa chữa nên các hộ gia đình vẫn phải sinh sống tại đây và đối mặt với nguy hiểm hằng ngày…
Dân không muốn giữ biệt thự cổ
Một số chuyên gia kiến trúc Pháp cổ thuộc Hội Kiến trúc sư VN cho hay: Với loại biệt thự Pháp cổ thuộc tài sản công, được xếp hạng di sản nhưng không rõ trách nhiệm quản lý là ai thì có thể tổ chức bán đấu giá công khai. Người nào mua sẽ có trách nhiệm duy trì, bảo tồn nguyên trạng. Nếu cũ nát quá sẽ phải xây dựng phục hồi nguyên trạng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, biệt thự cổ trên địa bàn TP chủ yếu do người Pháp xây thời Pháp thuộc hoặc xây theo phong cách kiến trúc Pháp. Tổng cộng ở Hà Nội có khoảng 1.600 nhà Pháp cổ các loại có tuổi đời ít nhất là 60 năm, thậm chí nhiều nhà đã hơn 100 tuổi được xếp hạng di sản. Trong đó, có 562 ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân, gần 1.100 ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước. Vị trí những biệt thự cổ ở Hà Nội đều thuộc loại “đất vàng”, giá bán không dưới 500 triệu đồng/m2, thậm chí cả tỉ đồng/m2. Tại TP.HCM, hầu hết các căn biệt thự cổ đều nằm ở các quận trung tâm như Q.1, Q.3 nên giá cũng vô cùng đắt đỏ, có khi lên đến hàng tỉ đồng/m2.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét, hiện nay biệt thự cổ bị phá dỡ, chuyển đổi công năng rất nhiều bởi đa số nằm ở những vị trí đẹp, “đất vàng”. Thay vì bảo tồn biệt thự cổ, nhiều người sẵn sàng đập bỏ, xây dựng nhà cao tầng để khai thác kinh tế lớn hơn. Một chuyên gia về đô thị cho biết những căn biệt thự cổ tại TP.HCM sau năm 1975 đa số do nhà nước đã tiếp quản giữ lại sử dụng một phần, phần còn lại giao cho những người có công mà đa số là cán bộ cao cấp sử dụng, sau này hoá giá. Điều này lý giải vì sao mấy chục năm qua TP vẫn chưa thể lập được danh sách những căn biệt thự cổ cần bảo tồn, gìn giữ. Do quyền lợi của những chủ sở hữu là rất lớn. Họ thường can thiệp để biệt thự của mình không nằm trong danh sách bảo tồn, giúp họ có thể bán hay lấy đất xây dựng cao ốc.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN nêu ý kiến, TP.Hà Nội cần rà soát lại tổng thể tất cả các ngôi nhà dạng này trên địa bàn. Trong đó phải đánh giá lại tất cả các công trình xem thuộc dạng nào, cây dựng từ bao giờ, chất lượng hiện tại ra sao, giá trị lịch sử, văn hoá như thế nào ?… Qua đó, lập hồ sơ chi tiết từng ngôi nhà và có kế hoạch, kinh phí duy tu bảo dưỡng hằng năm song song với việc sử dụng. Các quy định của pháp luật về nhà ở hiện nay đã nêu rõ trách nhiệm bảo tồn nhà Pháp cổ thuộc về chủ sử dụng và chủ sở hữu công trình. Sau đó là trách nhiệm quản lý nhà nước, hướng dẫn việc thực hiện bảo trì. Tuy nhiên, với kiểu quản lý biệt thự Pháp cổ ở TP.Hà Nội thì nguy cơ mất dần di sản là rất cao.
Theo KTS Trần Huy Ánh, hội viên Hội Kiến trúc sư VN, nhà biệt thự cổ ở Hà Nội có thể chia thành 3 dạng sử dụng là cơ quan làm việc, cán bộ cao cấp ở, người dân sinh sống. Những nhà Pháp cổ ở Hà Nội có chất lượng rất tốt, xây dựng bằng phương pháp tiên tiến, chất liệu gỗ, thép đều rất tốt. Từ những năm 70 của thế kỷ 20 những đơn vị xây dựng nên các căn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội đã có văn bản thông báo với Chính phủ về việc những ngôi nhà họ xây đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, nhiều căn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội vẫn được sửa chữa, tu tạo để tăng tuổi thọ. Những nhà biệt thự Pháp cổ còn có chất lượng tốt đa phần thuộc diện sử dụng là cơ quan làm việc, cán bộ cao cấp ở do thường xuyên có kinh phí bảo trì. Còn những biệt thự Pháp cổ xuống cấp trầm trọng đa phần thuộc diện do người dân sử dụng.
“Tuy nhiên, đáng lo nhất là những ngôi nhà Pháp cổ, thuộc tài sản công, được xếp vào dạng di sản nhưng lại không rõ trách nhiệm quản lý thuộc về ai, bị bỏ mặc nên rất nhanh hỏng, nguy cơ sập đổ cao”, KTS Ánh cho biết.