23/01/2025

Nợ đọng xây dựng nông thôn mới hơn 15.000 tỉ, tiền đâu trả?

Sáng 5-10, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Nợ đọng xây dựng nông thôn mới hơn 15.000 tỉ, tiền đâu trả?

Sáng 5-10, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

 

 

 

Nợ đọng xây dựng nông thôn mới hơn 15.000 tỉ, tiền đâu trả?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo báo cáo giám sát, chương trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua đã thay đổi bộ mặt của nông thôn.

Chương trình đã huy động được sức mạnh của toàn dân với tổng số vốn huy động được khoảng 851.380 tỉ đồng đầu tư cho chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước là 266.000 tỉ đồng, chiếm (31,34%), vốn tín dụng là gần 435.000 tỉ đồng (51%), huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỉ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỉ đồng (12,62%).

Tuy nhiên theo báo cáo giám sát, trong năm 5 qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy nhiên, nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương vẫn lớn.

Nợ đọng xây dựng trong nông thôn mới hơn 15.000 tỉ đồng

Theo báo cáo giám sát, có 53/63 tỉnh, thành có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng. Bộ NN&PTNT báo cáo ba khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc.

Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỉ đồng, Thanh Hóa 1.547 tỉ, Thái Bình 1.232 tỉ, Vĩnh Phúc 919 tỉ, Nghệ An 887 tỉ, Hải Dương 879 tỉ, Ninh Bình 770 tì, Hà Nam 757 tì… Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân là huyện Phước Long (Bạc Liêu), nợ xây dựng cơ bản là 397 tỉ đồng.

Có tổng số 3.637 xã có nợ đọng, chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/xã.

Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước.

Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước (trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng).

Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn là 7.150 tỉ đồng, chiếm 47% số nợ đọng cả nước; có 1.147 xã đạt chuẩn, chiếm 62,5%, nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỉ đồng/xã.

Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông (30,8%); thủy lợi (5,5%); trường học (23,3%); cơ sở vật chất văn hóa (12,7%) …

Tiền đâu trả nợ?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn nợ xây dựng cơ bản các địa phương chưa xử lý xong nay lại cố gắng xây dựng nông thôn mới rồi lại nợ tiếp. Cả nước nợ hơn 15.000 tỉ nhưng quan trọng gần 3.637 xã có nợ, trong đó 1.147 xã đã được công nhân đạt chuẩn rồi, chiếm hơn 62% tổng số nợ.

Vậy xử lý thế nào? Nếu kiến nghị ngân sách tới đây có nguồn từ trái phiếu chính phủ, từ đầu tư công để ưu tiên bù vào thì sẽ không công bằng, không hợp lý cho các xã khác. Như vậy được hiểu là cứ vay nợ đi rồi sẽ được xử lý hay sao?

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết có xã nợ hơn trăm tỉ lấy nguồn nào trả nợ? Cũng lo lắng về số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Tài chính sớm xử lý số nợ đọng này, nếu không xử lý được sớm thì sẽ vỡ nợ mất vì 15. 000 tỉ đồng là lớn lắm.

Sốt ruột về việc cần phải giải quyết 15.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu cho rằng cần phải giải quyết ngay trong năm 2017.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng cho rằng mục tiêu này rất khó khăn, nhưng cần phải coi đây là vấn đề nghiêm trọng và giải quyết nghiêm túc. Trong phân bổ ngân sách năm 2017, các địa phương cần phải cân đối nguồn lực để xử lý một phần số nợ đọng này.    

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo về việc trong tái cơ cấu nông nghiệp, ngoài việc xây dựng nông thôn mới thì cái quan trọng nhất đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân chưa thực sự hiệu quả.

“Sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, tăng năng suất có hiệu quả từng ha đất, sào ruộng thì hình như các địa phương chưa chú ý nhưng dường như lại đua nhau xây dựng cơ sở hạ tầng. Có việc này hay không? Cuộc sống thu nhập của người nông dân không đảm bảo, không bền vững thì lấy tiền đâu mà trả nợ?” - Bà Ngân lo ngại.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo sẽ yêu cầu địa phương giải quyết nợ nần này bằng mọi giải pháp. “Làm nông thôn mới không thể nôn nóng được, phải tăng thu nhập cho nông dân, môi trường chứ không thể làm theo phong trào” - ông Cường rút kinh nghiệm.

LÊ THANH