23/12/2024

Giấm táo: lợi và hại

Từ xưa giấm thiên nhiên được sử dụng để phục vụ cho sức khỏe con người lẫn ẩm thực. Giấm được chế biến từ nhiều loại khác nhau như gạo, nếp, chuối, ngũ cốc…

 

Giấm táo: lợi và hại

 Từ xưa giấm thiên nhiên được sử dụng để phục vụ cho sức khỏe con người lẫn ẩm thực. Giấm được chế biến từ nhiều loại khác nhau như gạo, nếp, chuối, ngũ cốc… 

 

 

 

Giấm táo: lợi và hại
Giấm táo – một phương thuốc cổ truyền ngày xưa – Ảnh: TT

Một trong các loại giấm thiên nhiên tốt có thể nói đến là giấm táo.

Dân gian có câu: “Chỉ cần ăn một quả táo mỗi ngày thì không cần gặp bác sĩ”, vì nó giúp cho cơ thể khoẻ mạnh. Người Pháp gọi nó là “rượu vang chua”.

10 điều lợi

Trong thành phần giấm táo chứa nhiều acid acetic, nhiều protein, enzyme, chất chống oxy hoá, acid amin, K, P, Ca, Mg, Cu, vitamin A, B1, B2, B6, C, và E, bioflavonoid, pectin và nhiều vi khuẩn cần thiết cho cơ thể.

1. Kháng khuẩn mạnh, giấm táo giúp tiêu diệt các mầm bệnh do vi khuẩn. Giấm táo pha loãng 1/2 được dùng để làm sạch, sát trùng, điều trị nấm móng tay, chấy rận, mụn cóc và nhiễm trùng tai.

2. Giảm lượng đường trong máu và chống đái tháo đường type 2. Nếu uống 2 muỗng canh giấm táo với nước lọc trước khi đi ngủ có thể làm giảm đường huyết 4%. Tuy nhiên, không dùng chung giấm táo với các thuốc hạ đường huyết, Digoxin (Lanoxin), thuốc lợi tiểu vì có thể gây hạ kali huyết đột ngột. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

3. Giúp giảm béo phì. Một nghiên cứu ở những người béo phì cho thấy rằng tiêu thụ 15ml giấm (1 muỗng canh) hằng ngày sau 12 tuần dẫn đến giảm mỡ bụng, vòng eo… khoảng 1,2kg.

4. Một số thí nghiệm cho thấy giấm táo có thể làm giảm cholesterol và triglyceride. Giấm táo còn giúp giảm huyết áp ở người huyết áp cao. Một nghiên cứu từ Harvard cho thấy rằng những phụ nữ ăn salad với giấm táo hiếm khi mắc phải các bệnh tim mạch.

5. Bảo vệ cơ thể chống ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấm táo có thể tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ các khối u. Tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu này còn đang được tiếp tục.

6. Trị táo bón. Thêm 2 muỗng canh giấm táo với một ly nước và uống ba lần trong ngày. Có thể thêm nước ép táo hoặc nho vào hỗn hợp để dễ uống hơn.

7. Dưỡng tóc 1 tuần/lần, trộn giấm táo và nước tỉ lệ bằng nhau, sau đó bôi tóc và giữ trong 20-40 phút, gội sạch, giấm táo làm sạch gàu, cân bằng pH cho da đầu, nuôi tóc, làm tóc sáng màu và mềm mại.

8. Làm đẹp da, giấm táo có thể làm giảm nếp nhăn và giúp da săn chắc. Ngâm một miếng bông trong giấm táo pha loãng (1/2) và thoa nó trên da làm cân bằng độ pH của da, ngăn ngừa mụn hoặc nhiễm trùng da.

9. Chữa chuột rút (vọp bẻ). Ai hay bị chuột rút ở chân chỉ cần nhâm nhi một ít giấm táo pha loãng trong một ly nước ấm. Trong vòng vài phút, chuột rút sẽ giảm.

10. Cảm lạnh và ho, giấm táo là một phương thuốc dùng cho cảm lạnh thông thường, ho hay đau họng. Trộn 1 muỗng cà phê giấm táo, 1 muỗng mật ong và tách nước ấm. Có thể thêm ít gừng xay nhuyễn sau đó uống 1 muỗng cà phê hỗn hợp này, ba lần một ngày, giảm ho, nghẹt mũi.

Ăn quá nhiều giấm táo sẽ bị nguy hiểm

Tuy là tốt nhưng không nên ăn quá nhiều giấm táo có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm:

1. Gây chứng liệt dạ dày (gastroparesis), do giấm táo làm giảm tốc độ thực phẩm rời khỏi dạ dày để đi vào đường tiêu hóa chậm hơn. Điều này làm chậm sự hấp thu thức ăn vào máu.

2. Gây khó chịu đường tiêu hoá, do acid acetic có thể làm giảm sự thèm ăn và thúc đẩy cảm giác no đầy làm giảm lượng calo cần thiết.

3. Giảm nồng độ K và gây loãng xương, một người phụ nữ 28 tuổi tiêu thụ 8oz (khoảng 250ml) giấm táo pha loãng trong nước mỗi ngày liên tục trong sáu năm. Cô đã được đưa vào bệnh viện với nồng độ kali thấp, nhiều chỉ số sinh hoá máu trở nên bất thường và còn bị loãng xương nặng, các bác sĩ điều trị tin rằng liều lớn giấm táo dẫn đến các khoáng chất bị phân huỷ và mất canxi trong xương.

4. Làm hư men răng, acid mạnh trong giấm có thể gây xói mòn răng. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy giấm làm mất đến 20% các khoáng chất của răng sau 4 giờ.

5. Rát cổ họng, giấm được xem là một “chất ăn da mạnh”, ăn nhiều quá sẽ gây cảm giác như bỏng rát ở niêm mạc cuống họng. Người loét dạ dày không nên dùng.

Sử dụng giấm táo tốt nhất theo cách sau:

Bắt đầu với một lượng nhỏ và dần dần tăng đến tối đa là 2 muỗng canh (30ml) mỗi ngày, tuỳ thuộc vào khả năng chịu đựng của từng người. Không có liều chính xác cho tất cả. Giảm thiểu tiếp xúc với răng bằng cách pha loãng giấm với nước và nên dùng ống hút.

DS LÊ KIM PHỤNG