23/01/2025

Thay đổi thói quen 
“một bước lên xe”

Nhiều bài viết tham gia diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” đã đề xuất giải pháp tác động vào ý thức của nhiều người tham gia giao thông để bỏ dần thói quen “một bước lên xe” và không tuân thủ luật.

 DIỄN ĐÀN “HIẾN KẾ GIẢI CỨU GIAO THÔNG”

Thay đổi thói quen 
“một bước lên xe”

Nhiều bài viết tham gia diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” đã đề xuất giải pháp tác động vào ý thức của nhiều người tham gia giao thông để bỏ dần thói quen “một bước lên xe” và không tuân thủ luật.

 

 

 

Thay đổi thói quen 
“một bước lên xe”
Nhiều người dân có thói quen đi xe lên vỉa hè mỗi khi kẹt xe vào giờ cao điểm – Ảnh: CHÂU ANH

So với nhiều đô thị lớn trên thế giới, lượng xe ở Sài Gòn và Hà Nội chưa là gì nhưng nạn kẹt xe thì trầm trọng hơn.

Để giải quyết vấn nạn kẹt xe dĩ nhiên phải tìm cách hạn chế xe cá nhân và làm thêm đường, nhưng quan trọng hơn là phải thay đổi cả cách quản lý lẫn tham gia giao thông. Tôi đề xuất một số biện pháp:

– Giải toả toàn bộ lề đường, cấm buôn bán và đậu xe trên vỉa hè. Các hộ mặt tiền chỉ được kinh doanh trong nhà, khách tới liên hệ hoặc mua hàng phải gửi xe vào bãi giữ và đi bộ vào, cấm tiệt việc chạy xe lên lề…

Biện pháp này sẽ khuyến khích mọi người đi xe buýt hoặc đi bộ vì khó tìm chỗ để gửi xe, trong khi có lề đường rộng để đi bộ thoải mái.

– Cấm đậu xe trong khu trung tâm và cấm dừng xe ở các đường trọng điểm. Xe taxi sẽ vào các bãi chứ không đậu ngổn ngang như hiện nay.

Cả hai biện pháp này đều khuyến khích người dân đi bộ ở những cự ly ngắn như một cách rèn luyện thể lực, từng bước bỏ thói quen “một bước lên xe” của người Việt.

Xe tải, xe bồn, xe container chỉ được lưu thông trong thành phố sau 23g đến trước 5g sáng. Việc lấy rác, tỉa cây xanh… chỉ được làm vào ban đêm, sau giờ cao điểm. Sửa, đào đường cũng vậy, phải “đánh nhanh rút gọn”, làm 24/24 giờ.

– Có chính sách ưu đãi đầu tư và giám sát chặt chẽ việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân đi xe công cộng.

Từng bước khoán tiền đưa đón lãnh đạo vào lương, khuyến khích lãnh đạo dùng giao thông công cộng. Làm gì cũng vậy, Nhà nước mà trước hết là lãnh đạo phải nêu gương tốt.

– Hạn chế xe cá nhân bằng các chính sách thuế, bến bãi, cầu đường… chứ không thể cấm mua sắm. Trước mắt, có thể vận dụng xe cá nhân lưu hành ngày chẵn, lẻ bằng phù hiệu. Khuyến khích vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp… đi chung xe máy và xe hơi.

Có thể bố trí làm việc và vào học lệch giờ để giảm tải. Cảnh sát giao thông sẽ linh động đường lưu thông một chiều (một bên ùn, một bên vắng) để giải toả.

Trước khi thực hiện các biện pháp trên phải thông báo, vận động, tìm sự đồng thuận của cộng đồng. Các biện pháp hành chính chỉ được sử dụng khi thật cần thiết. Ở TP.HCM, nếu chưa thể làm đồng bộ thì tập trung thí điểm trước tại quận 1, sau đó mở rộng dần.

Đi đúng luật sẽ không kẹt xe

Tôi mới đi Thái Lan, thủ đô Bangkok của nước này nổi tiếng kẹt xe nhưng đoàn chúng tôi di chuyển bằng ôtô 45 chỗ ngồi nhiều lần vào giờ cao điểm mà vẫn không bị kẹt xe, chẳng qua là đi chậm và dừng chờ đèn xanh lâu hơn một chút.

Quan sát, tôi thấy các xe tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, đi đúng làn đường quy định, không có cảnh chen ngang, ai ở phía trước thì đi trước, có khoảng trống cũng không chiếc xe nào vượt lên. Thậm chí trong dòng xe cộ ken dày, tôi không hề nghe một tiếng còi xe.

Còn ở ta thì sao? Chỉ cần thấy dồn xe đằng trước, không thể vượt lên là y như rằng không ít người chạy xe máy lên vỉa hè, chen ngang, lấn tới… tạo nên cảnh hỗn loạn.

Tuyến đường nào cũng đều được kẻ sơn phân làn nhưng không hiếm cảnh ôtô giành “đất” của xe hai bánh và ngược lại…

Chính ý thức tuân thủ luật kém của nhiều người là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên kẹt xe. Đường hẹp, người đông đương nhiên tốc độ di chuyển phải chậm lại, nhưng vẫn tránh được kẹt xe nếu tất cả đều đi đúng luật.

Trong khi chờ những giải pháp khả thi cho vấn nạn này, tôi thấy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục ý thức cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Tuyên truyền ở đây không chỉ bằng những khẩu hiệu mà cần đến các công ty, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư… để đảm bảo “phủ sóng” đến từng người dân.

Cần đưa nội dung của Luật giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy chính khoá của học sinh từ bậc tiểu học trở lên. Bên cạnh đó phải có những chế tài nghiêm khắc hơn kèm theo.

Ngoài việc tiếp tục nâng mức xử phạt vi phạm giao thông, đối với cán bộ nhân viên – kể cả công nhân – thì cơ quan chủ quản cần xử lý về mặt nội bộ như trừ thi đua, hạ bậc lương, thậm chí sa thải tuỳ theo mức độ vi phạm.

Chúng ta thực thi pháp luật đồng bộ, nghiêm túc, công bằng chắc chắn thiết lập được trật tự giao thông, góp phần đáng kể giải quyết tình trạng kẹt xe.

HỮU CHƠN

NGUYỄN VĂN MỸ 
(Lửa Việt tours)