22/01/2025

Đà Nẵng: khổ sở “mùa”… xây trường

Năm 2016, tại Đà Nẵng nhiều trường học, lớp học được triển khai đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, việc xây dựng lại diễn ra trong mùa mưa, tiến độ chậm, ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

 

Đà Nẵng: khổ sở “mùa”… xây trường

Năm 2016, tại Đà Nẵng nhiều trường học, lớp học được triển khai đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, việc xây dựng lại diễn ra trong mùa mưa, tiến độ chậm, ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

 

 

 

Đà Nẵng: khổ sở “mùa”... xây trường
Trường THCS Lê Hồng Phong với một bên là công trường một bên là lớp học – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Tại nhiều trường, một bên là công trình thi công ồn ào, còn một bên là lớp học. Thậm chí có trường phải đi thuê nơi khác để dạy. Ngoài ra, còn có những nghi ngại về chất lượng công trình, khi việc xây dựng diễn ra trong mùa mưa.

Cổng trường bên…lớp học

Tại Trường THCS Lê Hồng Phong (Hải Châu, Đà Nẵng), một bên là dãy nhà mới bốn tầng đang xây dựng dang dở, các công nhân đang thi công, lắp đặt giàn giáo ầm ầm. Còn phía dưới sân trường, học sinh học thể dục chen chúc trong một diện tích 
chật chội.

Một phụ huynh cho biết: “Công trình thi công cũng có rào chắn mà vẫn không yên tâm. Học sinh chạy nhảy đầy dưới sân trường nhìn cũng lo lắm. Đó là chưa kể mấy hôm mưa gió, sân trường nhớp nhúa, mấy đứa nhỏ học thể dục mà nước lênh láng dưới sân đến là tội”.

Theo đại diện Trường THCS Lê Hồng Phong, công trình xây dựng mới phòng học nói trên là một dãy nhà bốn tầng. Từ cuối tháng 6-2016 bắt đầu tháo dỡ dãy nhà và đầu tháng 7 bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Dự kiến sau năm tháng thi công sẽ hoàn thành công trình này.

Do phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, trường này phải đi thuê bốn phòng học tại một trung tâm ngoại ngữ. Để đảm bảo việc dạy học, thầy cô phải canh thời gian di chuyển từ trường đến chỗ thuê phòng học. Cùng với đó là việc sắp xếp lại đội ngũ vệ sinh, bảo vệ, quản sinh… để phục vụ, quản lý học sinh ở cơ sở thuê mới.

Trong khi đó, Trường tiểu học Lê Lai (Hải Châu, Đà Nẵng) phải “di tản” cả trường để xây dựng trường mới, nên phải đi thuê hẳn cơ sở của một trung tâm ngoại ngữ cho 608 học sinh học.

“Do trung tâm chật chội, không có sân bãi nên chỉ đảm bảo việc dạy học, ngoài giờ lên lớp không tổ chức được hoạt động gì. Hôm khai giảng, chúng tôi phải đi mượn hội trường của Liên đoàn Lao động TP, chỉ mời một số học sinh đại diện đi dự khai giảng” – cô Trần Thị Tường Vi (hiệu trưởng nhà trường) cho biết.

Cô Vi còn cho biết thêm: “Giờ thể dục thì các em đứng tại chỗ trong lớp để vận động. Còn bán trú thì tạm thời dừng, đồ dùng phục vụ bán trú phải mang đi gửi nhờ. Dụng cụ dạy học giáo viên phải tự chở đi, chở về”. Công trình xây dựng Trường tiểu học Lê Lai có quy mô bốn tầng.

Đại diện một trường tiểu học tại Đà Nẵng cho rằng việc thi công xây dựng trường học trong mùa mưa rất khó đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. “Nói đơn giản như việc chống thấm, sơn nhà, matit, trời mưa liên tục thế này sao mà làm được. Sơn xong được vài ngày, nắng lên là bục hết” – vị đại diện này băn khoăn.

Rút ngắn thủ tục, hạn chế ảnh hưởng

Theo Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu, hiện trên địa bàn quận có ba trường tiểu học, một trường THCS đang xây dựng. Còn ở Q.Sơn Trà, theo Phòng GD-ĐT quận, có một trường mầm non và hai trường tiểu học đang xây dựng trường mới hoặc xây thêm phòng học…

Bà Trần Thị Thuý Hà – trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu – cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, hầu hết công trình đều đảm bảo tiến độ, còn có đúng cam kết để bàn giao trường hay không thì còn tuỳ thuộc vào thời tiết, nhân công…”.

Cũng theo bà Hà, do mùa mưa năm nay đến sớm, mưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc thi công công trình. “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị rào chắn, giảm tiếng ồn để đỡ ảnh hưởng đến học sinh” – bà Hà cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Đình Vĩnh – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, năm 2016 có nhiều phòng học được đầu tư, xây dựng mới là do thực hiện chủ trương của thành phố: đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày; triển khai đề án xây dựng phòng học bộ môn đạt chuẩn ở bậc trung học đến năm 2020; và bổ sung số phòng học thiếu do tăng học sinh, tăng dân số, đảm bảo an sinh xã hội.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết theo báo cáo của các chủ đầu tư (UBND các quận, huyện), việc một số công trình không hoàn thành trước khai giảng là do vấn đề thủ tục và do các công trình triển khai đồng loạt, dẫn đến khan hiếm công nhân, gây chậm tiến độ.

Ông Vĩnh cho biết Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, phấn đấu hoàn thành các công trình nói trên vào tháng 9, 10, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc học của các em học sinh.

Theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, năm 2016 có 34 trường được đầu tư xây dựng theo chủ trương đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày, 9 trường được đầu tư theo đề án phòng học bộ môn đạt chuẩn. Về tiến độ, đến nay có 2 trường THPT, 1 trường THCS đã hoàn thành; 22 trường xây dựng phòng học hai buổi/ngày sẽ hoàn thành xây dựng trong quý 4-2016.

ĐOÀN CƯỜNG