23/01/2025

Sách ‘ngôn tình tản mạn’ có phải văn chương đích thực?

Tham luận của nhà văn Văn Thành Lê gây tranh cãi khi ông cho rằng: một số tác phẩm ăn khách của nhà văn trẻ thời gian gần đây “không phải là văn chương đích thực”.

 

Sách ‘ngôn tình tản mạn’ có phải văn chương đích thực?

Tham luận của nhà văn Văn Thành Lê gây tranh cãi khi ông cho rằng: một số tác phẩm ăn khách của nhà văn trẻ thời gian gần đây “không phải là văn chương đích thực”.




Những buổi ra mắt sách của Anh Khang luôn thu hút đông đảo bạn đọc	 /// Ảnh: Bá Ngọc

 

Những buổi ra mắt sách của Anh Khang luôn thu hút đông đảo bạn đọcẢNH: BÁ NGỌC

Tham luận của nhà văn Văn Thành Lê gửi tới Hội nghị người viết văn trẻ toàn quốc (diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 28 – 29.9) đã gây tranh cãi khi ông cho rằng: một số tác phẩm ăn khách của nhà văn trẻ thời gian gần đây “không phải là văn chương đích thực”.
“Lấy độc giả dễ dãi đo văn chương”
Không nêu tên cụ thể các tác phẩm nhưng Văn Thành Lê nói về “công thức” của các tác phẩm ăn khách này mà ông cảm nhận được. “Tôi nói công thức, chữ công thức trong ngoặc kép nhé. Đó là có ngôn tình của Trung Quốc, cộng với sướt mướt phim Hàn Quốc, lê thê kiểu phim bộ Đài Loan và giới thiệu sách hào nhoáng kiểu showbiz. Nhưng văn chương đích thực không ầm ĩ thế”. Cũng theo nhà văn này, một số người viết trẻ đang hồ hởi và lầm tưởng khi xem thứ “văn ăn nhanh” đó của mình là văn học. “Chưa bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ, hình ảnh người viết được đẩy lên nhanh đến chóng mặt như bây giờ. Có thể chỉ sau một cuốn sách tản mạn, ghi chép cảm xúc vụn vặt. Có thể chỉ sau vài ngày hội sách… Tôi có cảm giác, hình như nhiều người trẻ đang lấy lượng độc giả dễ dãi để đo văn chương”, ông Lê chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Văn Học thừa nhận nhiều cây bút trẻ sáng tác “dòng thị trường” trở nên rất ăn khách, có số lượng sách phát hành lớn, thu được lợi nhuận mà nhiều nhà văn hàn lâm phải mơ ước. “Sách bán chạy chưa phải đã hay. Nhưng chúng ta cùng hướng tới sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng, song song với đó là được bạn đọc đón nhận, được phát hành với số lượng lớn. Chúng ta cần phải biết sốt ruột để không cho phép mình bị bỏ lại phía sau”, ông chia sẻ.


“Công thức không có tội”
Về “công thức sách ăn khách: cộng gộp ngôn tình Trung Quốc và phim Hàn Quốc”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Thật ra nghề viết lách cũng có thể công nghệ hoá như thế. Nó được đúc kết thành công thức, như trong làm phim Hollywood cũng có công thức. Phim hành động, phim hài tình cảm đều có công thức. Nên có công thức vậy cũng là chuyện thường thôi. Vì nghề nào cũng có quy trình cả. Nếu nói như trước hay gọi là quy tắc, thi pháp”. Mặc dù vậy, theo ông Nguyên: “Vấn đề là cho dù có công thức, cuối cùng vẫn là người sử dụng kỹ thuật đó. Tại sao có những người dùng công thức đó thì nó thành rẻ tiền dù bán chạy nhưng cũng có người lại vừa bán chạy vừa hay. Nên bản thân công thức không có tội. Viết văn là một nghề, nên nó có quy trình như nấu phở. Nhưng vẫn có hàng không ai đến, có hàng lại đông”.


“Không có độc giả, văn chương có tồn tại ?”

Quả thực, như nhà văn Nguyễn Văn Học nói, số lượng sách phát hành của một số nhà văn trẻ gần đây đã trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học. Tổng số bản in cho các cuốnNgày trôi về phía cũ, Đường hai ngả người thương thành lạ, Buồn làm sao buông của Anh Khang vượt 250.000 bản; riêng Buồn làm sao buông - cuốn sách bán chạy nhất Hội sách TP.HCM 2014 tiêu thụ hơn 100.000 bản. Với Hamlet Trương, tổng số bản in (8 đầu sách) lên đến hơn 350.000 bản, trong đó có quyển viết chung với Iris Cao –Thương nhau để đó tái bản đến 17 lần với số lượng gần 100.000 bản. Sách của Iris Cao được in hơn 250.000 bản cho 4 đầu sách, trong đó Người yêu cũ có người yêu mới tái bản 11 lần với hơn 100.000 bản. Tác giả Tuệ Nghi dù mới ra quyển đầu tiên - Sẽ có cách đừng lo nhưng trong nửa năm đã tiêu thụ hơn 70.000 bản. Sách của cựu thành viên nhóm nhạc 365 Jun Phạm,Thức dậy anh vẫn là mơ, chỉ sau 1 tháng ra mắt đã tiêu thụ hơn 5.000 bản; những quyển trước đó của Jun Phạm: Có ai giữ giùm những lãng quên, Những người lạ quen thuộc... đều có số phát hành hơn 20.000 bản/đầu sách.
Trước luồng ý kiến chỉ trích sách văn học trẻ bán chạy chỉ chinh phục được “độc giả dễ dãi”, một số nhà văn trẻ đã bày tỏ sự phản ứng. Anh Khang cho biết những gì anh viết ra đều là những trải nghiệm chân thật nhất, là xúc cảm chân thành nhất của bản thân, và bởi vậy anh tin rằng tác phẩm của anh đã tìm được sự đồng cảm của người đọc. “Tôi nghĩ, trong mỗi giai đoạn của cuộc sống, mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có những cảm xúc khác nhau. Vì vậy không thể lấy nhu cầu, cảm xúc của những thế hệ trước để đo cảm xúc của người trẻ hôm nay. Lâu nay, người ta cứ hay chê văn chương của người viết trẻ là dễ dãi, buồn vụn vặt, đau hời hợt, nhưng những người chê ấy liệu đã đọc hết các tác phẩm của tác giả họ chê chưa, hay chỉ nghe sơ sơ thôi rồi phán xét? Họ chê nhưng họ quên là tác phẩm của những người viết trẻ góp phần làm khởi sắc văn hóa đọc, góp phần kéo người đọc đến với sách nhiều hơn”.
Nhà văn nữ Tiểu Quyên (TP.HCM, tác giả của những tập truyện ngắn được yêu thích: Đi ngược chiều thương, Cỏ đồi phương đông, Cỏ lau vạn dặm, Nửa đêm nằm nhớ) thẳng thắn: “Khi ai đó nói rằng tác phẩm của một số người viết trẻ là “những ghi chép cảm xúc vụn vặt”, là “văn – ăn – nhanh”, cũng cần hỏi ngược lại: tại sao các bạn trẻ thích đọc các tác phẩm này như vậy? Phải chăng họ tìm được niềm an ủi, sự sẻ chia từ trang viết của những tác giả cùng trang lứa đó? Tôi nghĩ, với người viết, khi chạm tới cảm xúc của độc giả và có độ lan toả nhất định cũng đã là thành công rồi. Nếu không có độc giả, liệu văn chương có tồn tại được không?” .
Bà Thảo Minh Châu, Giám đốc Minh Châu Books (đơn vị phát hành các đầu sách “best seller” dành cho giới trẻ thời gian gần đây), cho rằng một nhà văn được định hình tên tuổi chính bằng sự ủng hộ của độc giả.
Về các hình thức quảng bá sách mà nhà văn Văn Thành Lê cho rằng “hào nhoáng kiểu showbiz”, bà nói: “Sách cũng là một sản phẩm, khi đưa ra thị trường biết cách quảng bá để sách đến được với đông đảo người đọc thì càng tốt chứ sao? Tuy nhiên bây giờ thông tin lan truyền rất nhanh, nếu sản phẩm không có sức thuyết phục thì ngay lập tức sẽ bị đào thải. Độc giả họ rất thông minh, họ biết cách chọn những gì phù hợp với mình. Nếu họ không cảm thấy đồng cảm với cuốn sách đó thì có làm đủ trò giới thiệu, đánh trống khua chiêng… thì họ cũng sẽ không mua”.
Báo cáo khái quát về văn học trẻ từ 2010 đến nay của nhà văn Nguyễn Bình Phương, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn VN, cũng nói đến sự phân luồng của văn trẻ. Theo đó, có một xu hướng thiên về khám phá chiều sâu cá nhân, coi nghệ thuật là yếu tố đầu tiên và trên hết. Xu hướng này thu hút những tác giả say mê tìm kiếm hình thức biểu hiện mới, những sắc màu mới, những vấn đề có tính thâm trầm. Vì thế theo quy luật thông thường, lượng độc giả phần nào bị hạn chế.
Một xu hướng khác cũng được ông Phương nhắc là tìm tới đại chúng với quan niệm văn học phục vụ số đông. Việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức nhẹ nhàng, dễ hiểu của độc giả là xu hướng tất yếu, chính đáng trong xã hội tiêu thụ. Một bộ phận văn trẻ đã phát huy tối đa những ưu thế tương tác của mạng xã hội và đạt được thành công nhất định. Điều ấy chứng minh rằng văn học mạng có lý do tồn tại và có giá trị riêng, không thể phủ nhận.

 

Trinh Nguyễn – Nguyên Vân