23/01/2025

Ăn mắc nghẹn, chớ xem thường

Ông Kim Sơn Danh (Bạc Liêu) bỗng dưng bị nuốt nghẹn khi ăn liên tục ba tháng và hay bị chóng mặt. Một thời gian dài, ông được bác sĩ địa phương cho điều trị bằng thuốc rối loạn tiền đình. Không lâu sau, ông ngỡ ngàng khi biết mình bị… ung thư thực quản.

 

Ăn mắc nghẹn, chớ xem thường

Ông Kim Sơn Danh (Bạc Liêu) bỗng dưng bị nuốt nghẹn khi ăn liên tục ba tháng và hay bị chóng mặt. Một thời gian dài, ông được bác sĩ địa phương cho điều trị bằng thuốc rối loạn tiền đình. Không lâu sau, ông ngỡ ngàng khi biết mình bị… ung thư thực quản.

 

 

 

Ăn mắc nghẹn, chớ xem thường
Bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương hỏi thăm sức khỏe ông Danh – Ảnh: LÊ THANH HÀ

Một số triệu chứng bất thường khi ăn không thể xem thường, đôi khi chỉ là những cơn ợ chua, trào ngược dạ dày, có khi lại là nuốt nghẹn, nấc cục…

Nuốt nghẹn nhiều tháng

Ông Kim Sơn Danh, 46 tuổi, quê Bạc Liêu, cho biết trước khi đến Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, ông có triệu chứng bị nuốt nghẹn, hay chóng mặt. Ông đã đi khám và điều trị tại địa phương nhưng bác sĩ của một BV chẩn đoán ông bị rối loạn tiền đình và cho thuốc điều trị theo hướng này.

Sau thời gian rất dài uống thuốc trị rối loạn tiền đình, triệu chứng nuốt nghẹn của ông trầm trọng hơn, ông bị sụt mất 7kg. Cuối tháng 8-2016 người nhà đưa ông đến BV Nguyễn Tri Phương khám bệnh.

Các bác sĩ cho ông nội soi, chụp CT-scan xác định có khối u nằm ở vị trí 1/3 dưới thực quản. Kết quả giải phẫu bệnh phẩm sinh thiết cũng khẳng định ông bị ung thư thực quản giai đoạn II.

Ngày 1-9 mới đây, các bác sĩ khoa ngoại tiêu hoá lồng ngực mạch máu BV Nguyễn Tri Phương đã phẫu thuật cắt u thực quản ca đầu tiên tại BV cho ông Danh.

Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Thanh Long – trưởng khoa ngoại tiêu hoá  lồng ngực mạch máu BV Nguyễn Tri Phương, phẫu thuật cắt u thực quản và tái tạo thực quản từ dạ dày là một phẫu thuật lớn và khó do cùng một lần phẫu thuật phải cần có hai kíp mổ ở bụng và cổ, tỉ lệ tai biến tăng hơn một số phẫu thuật khác.

Những tai biến có thể gặp phải là cắt đứt mạch máu ở trung thất, cắt đứt thần kinh quật ngược hoặc xì miệng nối khi tái tạo thực quản nên tại TP.HCM còn ít BV làm phẫu thuật này.Tuy nhiên, ca mổ cho bệnh nhân Danh được hai kíp mổ do các bác sĩ ngoại tổng quát và ngoại lồng ngực thực hiện đã thành công. Sau phẫu thuật, sức khoẻ bệnh nhân ổn định, ăn xúp được bằng đường miệng, mối nối liền tốt và vừa được xuất viện. Đầu tháng 10-2016 bệnh nhân sẽ trở lại bệnh viện để hóa trị ung thư theo phác đồ.

Thường phát hiện trễ

Bác sĩ Lê Quốc Việt – khoa ngoại tiêu hoá lồng ngực mạch máu của BV – cho biết thêm rằng ung thư thực quản là bệnh lý ống tiêu hóa thường phát hiện trễ và điều trị phẫu thuật lớn, khó thực hiện, có nhiều biến chứng.

Ung thư thực quản xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, với tỉ lệ 3-1. Tại VN chưa có thống kê tỉ lệ mắc ung thư thực quản trên dân số, nhưng tỉ lệ này ở Mỹ là 20 ca/100.000 dân, một số quốc gia khác như châu Phi và Trung Quốc: 100 ca/100.000 dân…

Triệu chứng khởi phát ung thư thực quản ban đầu thường là bệnh nhân thấy nóng sau xương ức, ợ, khó tiêu, triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản (ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau tức ngực…). Sau đó thấy khó nuốt khi ăn và sụt cân – đây là những triệu chứng của giai đoạn trễ.

Khi phát bệnh, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng nuốt nghẹn ngày càng tăng, thời gian sau chỉ uống được nước, sữa. Khi đến khám và được chẩn đoán ung thư thực quản, bệnh nhân thường sụt đến 5-10kg.

Việc chẩn đoán ung thư thực quản, theo bác sĩ Việt, không khó nếu bác sĩ có nghĩ đến. Các cận lâm sàng dùng để chẩn đoán bệnh là chụp thực quản cản quang, nội soi thực quản, CT-scan ngực, chụp cộng hưởng từ (MRI).

Về điều trị, nếu được chẩn đoán từ giai đoạn sớm bệnh nhân sẽ được phẫu thuật và h trị nhưng đây là phẫu thuật lớn, khó, kéo dài 3-6 tiếng, cần phải có hai kíp mổ trở lên và thực hiện từ hai đến ba đường mổ rạch da.

Nếu bệnh ở giai đoạn trễ, phải hóa trị trước để khối u khu trú lại rồi mới đánh giá, quyết định phẫu thuật hay không hoặc tiếp tục phương pháp điều trị khác tốt hơn cho bệnh nhân.

Trường hợp quá trễ, khi bệnh đã di căn xa, không ăn được đường miệng thì chỉ phẫu thuật mở dạ dày bơm thức ăn vào, kèm theo h trị bổ sung. Để phòng bệnh, cần tránh các yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản như hút thuốc lá, uống rượu, ăn thức ăn cháy khét, ăn thiếu chất vitamin A, kẽm.

Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh – phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, trên thế giới cũng như tại VN, ung thư thực quản đứng hàng thứ 8 trong 10 loại ung thư thường gặp.

Tại BV Ung bướu TP.HCM, trung bình mỗi năm tiếp nhận 450-480 bệnh nhân bị bệnh này. Điều đáng tiếc là đa số bệnh nhân được phát hiện bệnh rất trễ, tới bệnh viện trong tình trạng suy kiệt nặng nên số ca được mổ triệt để và tạo hình thực quản rất thấp. Năm 2015 vừa qua tại bệnh viện chỉ có vài trường hợp mổ được, số bệnh nhân xạ trị cũng chỉ gần 130 ca, nhiều trường hợp phải mở dạ dày ra da để bơm thức ăn vì không ăn được bằng đường miệng…

LÊ THANH HÀ ([email protected])