23/01/2025

Chúa Nhật XXVI TN C – 2016: Thiên đàng, luyện ngục và hoả ngục là gì?

Thiên đàng, hoả ngục hay luyện ngục là những tình trạng sống của con người và chúng ta có thể kết hợp với tất cả các tình trạng đó để cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ và tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Thiên đàng, luyện ngục và hoả ngục là gì? 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay mời gọi chúng ta mở lòng ra để cảm nghiệm Nước Trời đang ở giữa chúng ta (x. Lc 17,21), nhờ đó chúng ta sẽ thấy rằng thiên đàng, hoả ngục hay luyện ngục là những tình trạng sống của con người và chúng ta có thể kết hợp với tất cả các tình trạng đó để cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều điểm mới được Công đồng Vaticanô II, sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo và Học thuyết Xã hội Công giáo trình bày cho chúng ta, nhưng nhiều người vẫn chưa để ý đến những điểm mới mẻ ấy, nhất là về thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục. Có lẽ hôm nay chúng ta cũng nên nhắc lại một chút về những điểm giáo lý này.

1. Giáo huấn của Giáo Hội

1.1. Những câu hỏi gợi ý

Hiện nay, chúng tôi đang có một trang web, có tên là hanhkhatkito.org, mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt người truy cập. Nhiều người gửi thư về hỏi: “ Con người khi chết rồi chắc chắn là phải vào một trong 3 nơi là thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục thì linh hồn làm sao có thể đi lang thang được để nhập vào người này, người nọ được? Những chuyện đồng bóng, gọi hồn, yểm bùa,… phải chăng đều là mê tín dị đoan? Làm sao con người đang sống ở trần thế có thể tiếp xúc được với các thiên thần ở trên thiên đàng hay với những hồn ma ở trong luyện ngục hay hoả ngục? Các nhà ngoại cảm có thật hay không? Những câu chuyện về các vị đạo sĩ trong các sách như Tìm Về Phương Đông hay Đường Mây Qua Xứ Tuyết… có thật hay không? Những câu hỏi nêu trên như gợi ý cho chúng ta tìm hiểu về vấn đề này theo giáo lý Hội Thánh Công giáo.

Nếu chúng ta mở những tài liệu của Công đồng nói về Nước Trời, nhất là trong Hiến chế Tín lý Lumen Gentium số 3, 5, 35, 36, 44, 46 và Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 39, 45), mở sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo ở số 1023-1029 nói về thiên đàng, 1030-1032 nói về luyện ngục, và 1033-1037 nói về hoả ngục, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm tổng hợp rất mới mẻ để trả lời cho các câu hỏi trên đây. Nếu chúng ta mở tiếp tài liệu mới nhất của Hội Thánh là cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo ở số 130 về khả năng con người mở ra đến vô biên, chúng ta sẽ thấy việc tiếp xúc với những ai sống trong tình trạng thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục không phải là chuyện mê tín nhưng là điều phải làm của người tín hữu. Nhưng rất nhiều người, ngay cả linh mục và tu sĩ, vẫn chưa quan tâm đến những điều mới mẻ ấy.

1.2. Những tình trạng sống

Ngay trong bài Phúc Âm (x. Lc 16,19-31), Chúa Giêsu cho chúng ta thấy khái niệm về thiên đàng, hoả ngục hay luyện ngục là những tình trạng sống của con người, chứ không phải là một nơi chốn với không gian rõ rệt như “trên thiên đàng” hay “dưới luyện ngục”. Thiên Chúa không xây dựng những toà nhà vô cùng rộng lớn với những tường cao tắp tít để đưa tất cả thụ tạo vào trong đó và không thể thoát ra! Trong dụ ngôn Tin Mừng, ông nhà giàu đang ở trong hoả ngục chịu nóng, chịu khát còn Abraham và Lazarô đang ở trong thiên đàng mát mẻ hạnh phúc. Cả hai bên vẫn trông thấy nhau, vẫn nói chuyện với nhau, nhưng bên này không thể qua bên kia vì có một vực thẳm vô hình ngăn cách họ. Ông nhà giàu còn xin gửi Lazarô về trần thế nhắc bảo 5 anh em của mình…để thấy mối hiệp thông giữa các tình trạng sống trong “môi trường” của Thiên Chúa.

Đó là những “tình trạng sống” thanh thoát của con người đã chết hay của các thiên thần, kể cả các thiên thần sa ngã là quỷ dữ. Vì họ không bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, nên tất cả đều có thể hiện diện bên nhau trong Thiên Chúa. Từ đó ta có thể hiểu được rằng: cha mẹ, người thân, bạn bè đã chết vẫn đang hiện diện bên ta, dù họ chết ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời điểm nào.  Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi ta dự thánh lễ với sự hiện diện của cả 3 thành phần của Giáo Hội: các thánh thuộc Giáo hội Chiến thắng, các người đã khuất thuộc Giáo hội Đau khổ và mọi người trong Giáo hội Chiến đấu ở trần thế. Kết bài Kinh Tiền Tụng, chúng ta vẫn nghe vị chủ tế kêu mời: “Hợp với toàn thể các thiên thần và các thánh, chúng con chúc tụng Chúa rằng: Thánh Thánh Thánh…”

2. Lòng thương xót của Chúa dành cho mọi người trong cả 3 tình trạng sống

2.1. Thiên Chúa không tạo ra thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục.

Nhiều người hỏi chúng tôi rằng: “Thiên Chúa tốt lành vô cùng vậy tại sao Ngài dựng nên luyện ngục và hoả ngục để đày đoạ các linh hồn? Có phải ở trong luyện ngục và hoả ngục tối tăm người ta không thấy Chúa và chịu đủ mọi hình khổ như thiêu cháy, chặt tay chân, cắt lưỡi, móc mắt, bị giòi bọ rúc rỉa, sống chung với quỷ dữ…để đền tội mình? Thiên đàng Công giáo thật sự có gì so với những kiểu mô tả của các tôn giáo khác?…”.

Hỏi như vậy là người ta không hiểu được tình yêu vô cùng thương xót của Thiên Chúa. Ngài dựng nên thụ tạo để chia sẻ sự tốt lành, khôn ngoan, đẹp đẽ và muôn ân huệ cho mọi loài, nhưng chính tội lỗi, bắt nguồn từ sự tự do chọn lựa của thiên thần và loài người, đã tạo nên tình trạng sa đoạ của thế giới và vũ trụ. Thiên Chúa không dựng nên thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục để nhốt muôn loài, nhưng chính sự tự do chọn lựa của thụ tạo đã làm nên tình trạng thiêng đàng, luyện ngục hay hoả ngục cho họ.

2.2. Vậy thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục là gì?

Thiên đàng là tình trạng sống của những ai gắn bó trọn vẹn với Thiên Chúa, được hưởng hạnh phúc vô bờ, quyền uy vô tận và những ân sủng bất diệt. Từng giây từng phút Chúa chuyển thông cho họ sự sống thần linh nên họ vui mừng và hạnh phúc vô hạn. Luyện ngục là tình trạng sống của những con người, qua cuộc phán xét, họ thấy mình nhơ bẩn khi soi mình vào tấm gương là chính Chúa tốt lành, thanh sạch nên thấy mình cần phải thanh luyện để có thể gắn bó trọn vẹn với Thiên Chúa. Họ đau khổ vì muốn được hoà nhập trọn vẹn với Chúa nhưng chưa thể được.

Hoả ngục là tình trạng của những con người, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, vẫn nhất định cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, nên khi vượt qua ngưỡng cửa của sự chết, họ thấy Chúa tốt đẹp, nhân từ vô cùng, quyền uy và yêu thương vô hạn, nhưng vì đã cắt đứt liên lạc nên họ đau đớn, cắn rứt, dằn vặt chính mình. Đó cũng là nỗi đau khổ muôn đời của quỷ dữ sau khi quyết định cắt đứt với nguồn chân thiện mỹ, nguồn tình yêu và sự sống siêu việt. Nỗi đau khổ đó như ngọn lửa thiêng liêng thiêu đốt họ muôn đời, chứ Chúa không đốt cháy họ với muôn hình khổ như trong những câu chuyện tưởng tượng về 8 tầng, 16 hay 18 tầng địa ngục của một vài tôn giáo khác, làm cho chúng ta hiểu sai về lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên Ngài hiện hiện như nhau trong mọi tình trạng sống của muôn loài.

3. Nước Trời kết hợp các tình trạng sống

Chúng ta hỏi mình có thể cảm nghiệm những tình trạng sống ấy như thế nào? Có phải chỉ sau khi chết không?

Thánh Phaolô đã dạy chúng ta rằng: “Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (x. Rm 12,5; Gl 3,28). Quả thật, Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã nối kết tất cả các tình trạng sống ấy trong công trình cứu độ của Người khi Người giao hoà chúng ta với Chúa Cha, ban Thánh Thần cho ta để ta có khả năng thông hiệp vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Người cho chúng ta có thể thông hiệp với các thiên thần, như Người đã nói với Nathanael và các môn đệ: “Các anh sẽ thấy trời rộng mở và thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51). Người xua trừ ma quỷ ra khỏi con người để chữa lành cho họ và Thánh Phêrô đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Đức Giêsu đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa” (1Pr3, 19-20).

Mỗi người chúng ta, khi gắn bó với Chúa Giêsu, “Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1Tm 6,15), đều có thể cảm nhận được những tình trạng sống ấy như thánh Phaolô đã được đưa lên tầng trời thứ 3 (x. 2Cr 12,2) để cảm nghiệm thiên đàng. Ngay trong cuộc sống ở trần gian, nhiều vị thánh được Chúa cho cảm nghiệm thiên đàng, hoả ngục hay luyện ngục để cầu nguyện cho các linh hồn. Mỗi lần dự lễ, chúng ta đều thấy tất cả những tình trạng sống ấy hiện diện ở chung quanh bàn thờ. Đó cũng là sứ mạng loan báo tin Mừng Nước Trời của chúng ta khi kết hợp với các thiên thần, xua trừ quỷ dữ, tà ma ra khỏi con người và chữa lành bệnh tật cho anh chị em mình như Chúa Giêsu.

Lời kết

Vì thế chúng ta được kêu gọi mở rộng tâm trí thay vì có thái độ hẹp hòi, đóng kín, hưởng thụ (x. Am 6,1.4-7) của người phú hộ giàu có đối với Lazarô trong bài Tin Mừng hôm nay.