23/01/2025

Tranh cãi bản quyền tranh minh hoạ trong sách đoạt giải

Trên trang Facebook của nữ hoạ sĩ trẻ Nguyễn Minh Hải và hoạ sĩ Nguyễn Tri Phương Đông đăng tải nhiều ý kiến tranh cãi về quyền sở hữu các tác phẩm tranh minh hoạ…

 

Tranh cãi bản quyền tranh minh hoạ trong sách đoạt giải

Trên trang Facebook của nữ hoạ sĩ trẻ Nguyễn Minh Hải và hoạ sĩ Nguyễn Tri Phương Đông đăng tải nhiều ý kiến tranh cãi về quyền sở hữu các tác phẩm tranh minh hoạ…




Tác phẩm Map Art đoạt giải đang gây tranh cãi

Tác phẩm Map Art đoạt giải đang gây tranh cãi

Từ ngày 18.9 đến nay, trên trang Facebook của nữ hoạ sĩ trẻ Nguyễn Minh Hải và hoạ sĩ Nguyễn Tri Phương Đông – Giám đốc hình ảnh cuốn sách Sài Gòn cận cảnh cùng một số hoạ sĩ trẻ là bạn bè của Minh Hải đã đăng tải nhiều ý kiến tranh cãi về quyền sở hữu các tác phẩm tranh minh hoạ mà Hải đã thể hiện trong sách, thu hút sự theo dõi của giới mỹ thuật và độc giả.
Vẽ theo hợp đồng miệng
Hoạ sĩ Hải đã nhận lời thiết kế 16 mẫu tranh minh hoạ cho cuốn Sài Gòn cận cảnh trực tiếp từ hoạ sĩ Phương Đông với giá 300.000 đồng/tranh theo hợp đồng miệng với hoạ sĩ Đông, và đã chuyển cho hoạ sĩ Đông các mẫu vẽ hoàn thiện. Chị xác nhận đã nhận tiền đầy đủ, mặc dù chưa ký hợp đồng trước đó.
Tuy nhiên, nữ hoạ sĩ bất bình về việc tác phẩm vẽ minh hoạ Map Art của chị trong cuốn sách đã bị hoạ sĩ Đông “tự ý” đưa đi dự thi giải thưởng International Design Award 2014. Tác phẩm dù được giải khuyến khích, song chị bức xúc về việc hoạ sĩ Đông – người mà chị cho rằng không trực tiếp tham gia vào tác phẩm Map Art, lại được đồng giải thưởng với tư cách giám đốc nghệ thuật. Trong khi đó, nữ hoạ sĩ cho biết chị không hề được thông báo về việc dự thi cũng như không hề biết về việc nộp lệ phí dự thi, và bản hợp đồng đặt hàng thiết kế tranh minh hoạ với Công ty Đại Việt Hoàn Cầu do hoạ sĩ Đông làm đại diện chỉ được đưa cho hoạ sĩ Hải 1 năm khi sách đã được giải và được phát hành rộng rãi. Tuy nhiên, hoạ sĩ Hải đã từ chối ký hợp đồng này theo xác nhận của hoạ sĩ Đông.
Tranh cãi bản quyền   tranh minh họa trong sách đoạt giải 2

Bìa 1 cuốn sách Sài Gòn cận cảnh

Giải thưởng thuộc về ai ?
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, họa sĩ Đông cho biết: “Họa sĩ Hải vẽ theo ý tưởng đặt hàng của chúng tôi, và sau đó tôi đã sửa, hiệu chỉnh, nâng cấp theo ý đồ chung của tổng thể cuốn sách. Hoạ sĩ Hải thể hiện minh hoạ ý của tôi. Tác phẩm dự thi không phải là tranh gốc, mà là tranh minh hoạ đặt trong tổng thể trang layout với tranh ấy là thành phần chính, chứ không phải duy nhất. Nó là một tác phẩm sáng tạo phái sinh”.
Hoạ sĩ Đông khẳng định: “Khi đưa tác phẩm dự thi, chúng tôi có đề tên hoạ sĩ Hải là người minh hoạ, tôi là giám đốc nghệ thuật. Khi đoạt giải, trên chứng chỉ đoạt giải đề tên cả hai như vậy. Theo hiểu biết của tôi, khi đã mua quyền sử dụng, và hoạ sĩ này đã nhận đủ tiền, bản quyền thuộc về nơi mua, là Công ty Đại Việt Hoàn Cầu”.


Tranh cãi bản quyền tranh minh họa trong sách đoạt giải - ảnh 2

Một hợp đồng bản quyền rõ ràng với các điều khoản cụ thể sẽ là cơ sở để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa các bên. Tiếp đó các bên tham gia cũng cần có văn hóa ứng xử đúng

Tranh cãi bản quyền tranh minh họa trong sách đoạt giải - ảnh 3

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, cựu Giám đốc – Tổng biên tập NXB Trẻ

Trong khi đó, ông Lê Quang Vy, luật sư thành viên Công ty Phước&Partners, phân tích: “Theo luật Sở hữu trí tuệ, có hai hình thức chuyển giao quyền tác giả: (1) Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Đây là hình thức chuyển giao quyền sở hữu của tác giả (trừ quyền nhân thân) cho bên đối ước. (2) Hợp đồng sử dụng quyền tác giả. Nghĩa là tác giả cho phép bên đối ước được sử dụng một số quyền nhất định. Như vậy, trong trường hợp NXB và hoạ sĩ có thiết lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, thì NXB là đơn vị chủ sở hữu, có toàn quyền thụ hưởng các quyền lợi vật chất có được từ tác phẩm của mình. Nhưng nếu giữa hai bên chỉ là Hợp đồng sử dụng quyền tác giả thì phải xem hoạ sĩ cho NXB được sử dụng quyền gì, giữa hai bên có thoả thuận chia giải thưởng trong trường hợp cuốn sách đoạt giải thiết kế hay không. Quyền tác giả chỉ phát sinh kể từ khi tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Luật về quyền tác giả không bảo hộ các ý tưởng. Giám đốc hình ảnh và họa sĩ sẽ là đồng tác giả trong trường hợp giám đốc hình ảnh có tham gia vào quá trình tạo ra tác phẩm ấy, tức có tham gia vẽ. Chỉ là ý tưởng thì không thể chứng minh được, do đó luật không bảo hộ”.

Cần nhìn lại văn hoá ứng xử
Những tranh cãi về bản quyền trong quá trình xuất bản không phải là điều mới mẻ ở nước ta. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, cựu Giám đốc – Tổng biên tập NXB Trẻ, cho biết trong suốt mấy chục năm làm xuất bản, bà từng phải xử lý nhiều vụ tranh cãi do mâu thuẫn về quyền lợi giữa các thành viên tham gia làm sách. “Trước hết, một hợp đồng bản quyền rõ ràng với các điều khoản cụ thể sẽ là cơ sở để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa các bên. Tiếp đó các bên tham gia cũng cần có văn hoá ứng xử đúng”, bà Nguyệt nói.
Theo nữ hoạ sĩ Khoa Lê (NXB Kim Đồng, người từng có nhiều tác phẩm hợp tác với NXB nước ngoài), một đơn vị xuất bản nếu muốn đưa tranh vẽ mà họ đã mua bản quyền đi dự thi vẫn hỏi ý kiến hoạ sĩ. “Đôi lúc việc này có thể được đề cập chi tiết trong hợp đồng. Nếu không thì trong văn hoá làm nghề, đơn vị đưa đi thi vẫn nên nói trước hoặc thảo luận với hoạ sĩ”.
Chị cũng cho rằng trong trường hợp cuốn sách được giải thưởng, đơn vị xuất bản cần có sự phân định rõ ràng công sức của người làm nên giải thưởng. “Tuỳ giải thưởng được đề cập tới nhắm vào tiêu chí nào: ví dụ về chất lượng mỹ thuật thì dĩ nhiên là giải thưởng thuộc về hoạ sĩ, về nội dung thì có thể là cả tác giả lẫn hoạ sĩ cùng sở hữu giải thưởng, nhưng nếu về thiết kế, in ấn thì có thể là nhà in và NXB sẽ có phần đóng góp và sở hữu giải thưởng”.
Sài Gòn cận cảnh (song ngữ Anh – Việt) là cuốn cẩm nang du lịch qua hình ảnh, do Công ty truyền thông du lịch Đại Việt Hoàn Cầu và NXB Thể dục – Thể thao ấn hành tháng 6.2014, thuộc bộ sách du lịch Vietnam Visual Travel Guide, đã sử dụng hơn 400 hình ảnh và minh hoạ của gần 100 tác giả trên toàn cầu, cùng tác phẩm của 5 hoạ sĩ minh hoạ người VN, trong đó có 4 hoạ sĩ minh hoạ trẻ của TP.HCM.
Cuốn sách đã đoạt 3 giải thưởng: Giải thưởng thiết kế đồ hoạ Mỹ (American Graphic Desing Awards – AGDA) 2014 do tạp chí Thiết kế đồ hoạ của Mỹ trao, 2 giải khuyến khích Cuộc thi thiết kế quốc tế (International Design Awards – IDA) 2014 dành cho thể loại sách in và thể loại tác phẩm minh hoạ (cho tác phẩm Map Art). IDA được thiết lập như một tổ chức quốc tế tập hợp các nhà thiết kế, truyền thông thiết kế và doanh nghiệp, đã tổ chức giải 9 lần.


Lucy Nguyễn