24/12/2024

Ước gì không có thông tư 55!

Một thông tư đề cập đến việc phụ huynh ủng hộ tiền theo tinh thần tự nguyện, khiến cả giáo viên lẫn phụ huynh đều khổ.

 

Ước gì không có thông tư 55!

Một thông tư đề cập đến việc phụ huynh ủng hộ tiền theo tinh thần tự nguyện, khiến cả giáo viên lẫn phụ huynh đều khổ.

 

 

Ước gì không có thông tư 55!
Minh hoạ DAD

Năm học mới đã bước sang tuần thứ ba, nhưng áp lực tiền hội phí vẫn đè nặng lên vai của cha mẹ học sinh và làm đau đầu các thầy cô giáo chủ nhiệm của cả bốn cấp học.

“Tự nguyện” theo
“mức sàn” quy định

Điều 10 thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định: “Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”.

Vào cuộc họp phụ huynh, thay vì giáo viên phải đọc cho phụ huynh nghe quy định này, nhưng nhiều trường học đã lờ đi. Theo lý giải của một số thầy cô thì: “Nếu phụ huynh nắm đúng tinh thần của thông tư 55 thì việc huy động ủng hộ tiền hội phí tự nguyện sẽ rất khó khăn!”.

Trong khi đó, không ít trường học đã giao chỉ tiêu về các lớp, nên muốn huy động sự đóng góp của phụ huynh, giáo viên đã đưa ra “mức sàn” của hội phí “tự nguyện”. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó hoàn toàn là sự thật.

Nếu hiểu đúng nghĩa thì từ “tự nguyện” là có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, không góp thì cũng chẳng sao! Nhưng trên thực tế lại khác, “mức sàn” đã đưa ra, dù muốn hay không, phụ huynh cũng phải đóng, có thể đóng cao hơn, nhưng thấp nhất phải chạm “mức sàn” đã quy định.

Ở mỗi cấp học, mỗi trường thì mức sàn cũng khác nhau. Có trường 250.000 đồng, có trường 150.000 đồng, cũng có nơi chỉ 100.000 đồng…

Không ít trường vì muốn thu đạt kết quả cao đã đưa chỉ tiêu về các lớp, còn giáo viên chủ nhiệm vì muốn hoàn thành nhiệm vụ nên đã tìm đủ mọi cách vận động phụ huynh đóng góp càng nhiều càng tốt.

Với một số gia đình khá giả, số tiền vài trăm ngàn đồng không đáng là bao. Nhưng với gia đình khó khăn, để lo được số tiền ấy không phải là dễ. Chưa nói đến việc các gia đình này thường có vài người con đi học.

Tiền hội phí được dùng như thế nào?

Thường thì số tiền thu được từ sự ủng hộ của phụ huynh được chia ra: 70% trích về nhà trường, 30% để lại cho lớp. Số tiền này nhà trường dùng để mua phần thưởng, chi Trung thu, bồi dưỡng học sinh trong các cuộc thi, giúp đỡ học sinh khó khăn, các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp…

Dưới lớp, giáo viên chi cho việc khen thưởng thường xuyên và một số hoạt động giáo dục khác.

Thông tư 55 quy định rõ: “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số trường học dùng tiền hội phí của phụ huynh chi tiền viếng đám ma cho gia đình giáo viên, chi mua một số vật dụng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị… nhưng hợp thức hoá biên lai để chi đúng theo tinh thần của thông tư 55.

Không ít phụ huynh thắc mắc: “Học sinh đi học đạt loại giỏi, nhà trường phải thưởng, sao cha mẹ lại phải đóng tiền?”. Một số hiệu trưởng nói: “Đây là công tác xã hội hoá. Kinh phí hoạt động của trường Nhà nước cấp hằng năm cho trường không đủ chi cho những khoản này, nên cần đến sự chung tay của phụ huynh”.

Không phải phụ huynh nào cũng đóng tiền nhanh gọn. Nhiều gia đình, thầy cô phải gọi điện thoại đến dăm bảy lần nhưng vẫn bặt vô âm tín. Thế rồi, hằng ngày lên lớp, giáo viên thì mệt mỏi với các khoản thu nên bước chân vào lớp, cô thầy chỉ còn cách “đòi tiền” học sinh xong rồi mới dạy. Các em lại về đòi tiền cha mẹ mới chịu đến lớp.

Chỉ tội cho phụ huynh, dù không muốn cũng phải móc hầu bao vì sợ con bị thầy cô làm khó dễ.

Tiếp xúc với các thầy cô, họ thường nói ước gì không có thông tư 55 để giáo viên đỡ phải đau đầu vận động phụ huynh ủng hộ tiền theo tinh thần tự nguyện… bắt buộc, để nhà trường không “xé rào lách luật”, còn phụ huynh thì đỡ vất vả ngược xuôi mới có được ít tiền để nộp cho trường.

KHÁNH NGỌC