23/01/2025

Trẻ nhiễm HIV từ mẹ gia tăng

Chỉ từ đầu năm đến nay, tại khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận số trẻ bị nhiễm HIV từ các bà mẹ đang có dấu hiệu nhiều hơn những năm trước.

 

Trẻ nhiễm HIV từ mẹ gia tăng

Chỉ từ đầu năm đến nay, tại khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận số trẻ bị nhiễm HIV từ các bà mẹ đang có dấu hiệu nhiều hơn những năm trước.

 

 

 

Bé V.T.N.M. (4 tháng tuổi, ở Gò Công Đông, Tiền Giang) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị với chẩn đoán viêm phổi. 

Tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng, các bác sĩ điều trị cho bé nhưng mãi không hết bệnh. Khi cho bé làm các xét nghiệm kiểm tra thì bé dương tính với HIV. Do bé bị viêm phổi nặng, không đáp ứng với điều trị nên tử vong sau đó.

Bà mẹ kể trong thời gian mang thai bà đi khám thai một lần ở một bệnh viện, sau đó sinh con tại một phòng khám tư nhân nhưng cả hai mẹ con đều không được phát hiện bị nhiễm HIV.

Lúc bác sĩ thông báo bà và con bà bị nhiễm HIV, bà cảm thấy rất choáng váng, bà không hiểu tại sao mình lại bị nhiễm HIV rồi lây sang con. Khi bác sĩ khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 tham vấn với chồng bà thì bác sĩ biết bà bị lây bệnh từ chồng.

Chồng bà kể: ngày chưa lập gia đình, ông từng lên TP.HCM làm thợ hồ. Trong thời gian này, ông cùng nhóm bạn có quan hệ tình dục với những cô gái “bán hoa” và không có biện pháp bảo vệ.

Biết tin vợ và con cùng nhiễm HIV, người chồng cúi mặt xuống nói với bác sĩ: “Có lẽ chính tôi là người lây bệnh cho vợ”.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 – cho biết những năm trước khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng rất hiếm gặp trẻ lây nhiễm HIV từ các bà mẹ thì từ đầu năm đến nay có 14 trẻ. Đa số bệnh nhi sống ở TP.HCM là dân nhập cư.

Trong khoảng một tháng gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 phát hiện bốn trẻ bị nhiễm HIV từ bà mẹ. Bốn ca này đều tình cờ được phát hiện mắc bệnh HIV.

Bác sĩ Quy nhấn mạnh trẻ sinh từ bà mẹ nhiễm HIV, nếu cả bà mẹ và trẻ đều được uống thuốc dự phòng, hầu hết trẻ sẽ không bị lây bệnh.

Bác sĩ Quy cho rằng chương trình Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang có một lỗ hổng nào đó cần được xem lại.

Nhất là việc rà soát từ việc tham vấn cho người bệnh của đội ngũ y tế, tức là nhân viên y tế phải nói làm sao để bệnh nhân tin tưởng, quay trở lại với việc điều trị, còn như tham vấn xong mà người bệnh đi luôn là chứng tỏ chưa hiệu quả.

Ngoài ra, cần phổ cập lại chương trình Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho nhân viên y tế, cho các phòng khám tư nhân. Nhân viên y tế nên là người tự nguyện, bí mật tham vấn cho bà mẹ bị nhiễm HIV để phòng lây nhiễm HIV cho trẻ…

Bác sĩ Quy cảnh báo nếu số trẻ lây nhiễm bệnh HIV từ mẹ gia tăng như hiện nay, mỗi năm sẽ phát hiện nhiều ca nhiễm mới. Những ca mới này sẽ là một trong những nguyên nhân gây kháng thuốc, vì trẻ được sinh ra từ bà mẹ bỏ điều trị thuốc ARV.

Khi trẻ kháng thuốc thì trong cộng đồng sẽ bị lây chéo sự kháng thuốc này, làm tình trạng HIV càng nặng.

THÙY DƯƠNG