23/01/2025

Hạn chế xe cá nhân được không và bao giờ?

Trước những đề xuất cấm xe máy trong diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” đăng trên Tuổi Trẻ tuần qua, quan điểm của những người đi xe máy cũng như xe hơi cá nhân như thế nào?

 DIỄN ĐÀN “HIẾN KẾ GIẢI CỨU GIAO THÔNG”:

Hạn chế xe cá nhân được không và bao giờ?

Trước những đề xuất cấm xe máy trong diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” đăng trên Tuổi Trẻ tuần qua, quan điểm của những người đi xe máy cũng như xe hơi cá nhân như thế nào?

 

 

 

Hạn chế xe cá nhân được không và bao giờ?
Những người đi xe máy chạy ngược chiều khi xuống dốc cầu vượt Nguyễn Tri Phương và 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Bên cạnh ý kiến của chuyên gia và cơ quan chức năng đã đăng, số báo nàyTuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến khác nhau của người dân tại TP.HCM và Hà Nội về việc hạn chế xe cá nhân và những đề xuất của họ nhằm “giải cứu” giao thông.

Tòa soạn mong nhận được thêm nhiều sáng kiến khác của bạn đọc.

* Dương Kiều Diễm 
(23 tuổi, TP.HCM):

Ý thức người đi đường phải thay đổi

Cấm xe máy lúc này là không khả thi. Xe máy là phương tiện chính, cấm thì người dân sẽ đi bằng gì? Không phải ai cũng có tiền mua xe hơi. Với đường sá VN như hiện nay, đi xe buýt rất vất vả. Có thể một quãng đường ngắn nhưng phải đi nhiều chuyến và không phải nhà ai cũng ở các tuyến xe buýt đi qua.

Tôi nghĩ giải pháp lâu dài là phải mở rộng đường sá, còn giải pháp trước mắt phải đến từ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… như có xe đưa rước nhân viên, công nhân, học sinh…

Thay đổi, linh động thời gian làm việc cũng như tan ca để tránh giờ cao điểm quá đông xe cộ. Đặc biệt là ý thức của mỗi cá nhân khi đi đường phải thay đổi.

* Khâu Tuyết Kim Ngân (24 tuổi, TP.HCM):

Linh hoạt 
giờ tan tầm

Thói quen sử dụng xe máy đã tồn tại từ lâu, không thể thay đổi sớm chiều. Hiện nay hệ thống xe buýt đã phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Có những đoạn đường không có xe buýt, đi vài kilômet lại phải đi bộ, đón taxi rồi lại đón xe buýt. Như thế rất mất thời gian, tốn tiền bạc, công sức.

Tôi nghĩ giải pháp để giảm kẹt xe, ùn tắc trước mắt là linh hoạt giờ tan tầm.

* Phạm Văn Lịch 
(TP.HCM):

Dùng xe buýt nhỏ trung chuyển

Việc cấm xe máy vào trung tâm TP.HCM theo tôi không thể thực hiện được lúc này. Xe máy là phương tiện để đi lại, làm ăn của nhiều người. Với người VN, hầu như di chuyển bằng xe máy là chính. Khi kẹt xe, xe máy có thể đi đường hẻm hay chuyển qua đường khác để đi. Còn xe bốn bánh thì chịu.

Đi xe buýt là tốt nhưng với đường sá của TP.HCM như hiện nay, kẹt xe thì xe buýt cũng kẹt. Những tuyến đường nhỏ, ở trạm dừng xe buýt có khi tới 3-4 chiếc tấp vô, tấp ra liên tục, chiếm hết làn đường xe máy nên gây ùn ứ.

Với những đường nhỏ, xe buýt chạy vô là choán hết đường, dẫn đến kẹt xe.

Theo tôi, tốt nhất với những xe buýt lớn như hiện nay không cho đi vào những tuyến đường quá nhỏ để tránh gây ùn ứ. Cách giải quyết là sử dụng các xe buýt nhỏ để đón khách từ các tuyến đường nhỏ để ra các tuyến đường lớn.

Tại đây họ sẽ đón các tuyến xe buýt lớn để đi tiếp. Giải pháp lâu dài chỉ có cách mở rộng các tuyến đường.

* Nguyễn Thanh Vũ 
(TP.HCM):

Đường sá lộn xộn, 
đi xe buýt rất khó

Những giờ bình thường nhiều đường như Lý Tự Trọng, Trương Định… cũng đã đông đúc, giờ cao điểm còn kẹt hơn. Đường sá nhỏ xíu, cấm xe máy người ta sẽ phải mua ôtô, lấy chỗ đâu mà chạy? Hiện nay có rất nhiều đường hẹp như Trần Văn Đang… xe hơi đi vào thường xảy ra cảnh kẹt cứng. Nên chỉ có cách đi xe máy, đường nào kẹt thì vô hẻm mà đi.

Việc cấm xe hai bánh để người dân sử dụng phương tiện công cộng càng khó thực hiện. Ở TP.HCM, đường này “chặt” qua đường kia, rất lộn xộn. Có những đường lại không có xe buýt, phải đi bộ rất xa.

Tôi nghĩ chỉ còn cách thay đổi giờ đi làm/tan tầm để mọi người không ra đường vào cùng một thời điểm. Ví dụ nhân viên văn phòng có thể nghỉ trưa ít hơn để chiều về sớm. Hoặc có thể nghỉ sớm, đi làm bù vào chiều thứ bảy (ngày nghỉ). Học sinh nghỉ trưa lâu hơn để chiều về trễ hơn…

* Lê Huy Tuấn 
(32 tuổi, TP.HCM):

Hạn chế xe khách lớn vào trung tâm

Tôi không đồng ý việc cấm xe máy vào trung tâm TP.HCM vì phương tiện đi lại chủ yếu của dân hiện hầu hết là xe máy, nếu cấm thì sẽ vấp phải sự phản đối rất lớn. Khi cấm xe máy, liệu các phương tiện khác có đáp ứng nổi lượng hành khách quá lớn như hiện nay?

Giải pháp để hạn chế kẹt xe trong trung tâm TP.HCM có thể là hạn chế xe buýt và xe khách lớn lưu thông vào các tuyến đường hay kẹt vào giờ cao điểm. Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường khiến xe cộ di chuyển khó khăn, gây ùn ứ.

* Nguyễn Minh Phước 
(41 tuổi, TP.HCM):

Cấm không phải là giải pháp hay

Cấm xe máy lúc này hay vài năm nữa không phải là giải pháp hay. Người dân đi làm, đi chơi và mọi sinh hoạt đều gắn liền với xe máy. Thói quen ấy không dễ thay đổi. Do đó, nếu không được sử dụng xe máy, người dân bị động, rất bất tiện.

Muốn giảm thiểu kẹt xe thì hạ tầng giao thông phải hoàn thiện, đường sá phải rộng. Đường ở TP.HCM đã hẹp, lại còn sửa chữa liên tục. “Lô cốt” này chưa dỡ thì “lô cốt” khác đã mọc lên, đường sửa xong được vài hôm đã nham nhở nên dễ gây ùn tắc giao thông.

* Nguyễn Duy Sáng 
(30 tuổi, tài xế taxi, Hà Nội):

Vận tải công cộng bị xua đuổi khắp nơi

Nói thật là khi lái taxi, tôi muốn đường không có xe máy. Nhưng cả nhà tôi vẫn đi xe máy vì không có phương tiện nào thay thế hợp lý hơn. Taxi đắt, xe buýt thì chậm, không phải đi xe buýt chỗ nào cũng thuận tiện. Chỉ nên cấm xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu người dân.

Với taxi, các cơ quan chức năng đều xem làm vận tải công cộng, tỉ lệ vận tải của taxi cũng được tính vào sản lượng vận tải công cộng hằng năm của Hà Nội. Nhưng hiện nay, taxi chúng tôi không được ưu đãi nào của vận tải công cộng, điểm đậu, nơi dừng đón khách cũng không được bố trí, rồi bị xua đuổi khắp nơi.

Tôi thấy nhiều người đi châu Âu về kể bên đó có làn đường riêng cho cả xe buýt và taxi, xe khác không được đi vào. Trên đường phố cách mấy trăm mét lại có điểm đỗ dành cho taxi, khách cứ đến đó lên xe.

Nghe kể thế mà thèm, nếu taxi Hà Nội cũng được ưu tiên, bố trí điểm đỗ như thế thì chúng tôi không phải chạy lòng vòng khi không có khách vì không có điểm đỗ. Chỗ đậu không có, chạy lòng vòng như thế cũng góp phần làm ùn tắc giao thông.

T.PHÙNG ghi

* Nguyễn Phú Minh Khuê 
(35 tuổi, Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội):

10 năm nữa có đủ phương tiện công cộng không?

Tôi không ủng hộ cấm xe máy vì chẳng có phương tiện nào thay thế được về tính tiện lợi trong bối cảnh hiện nay. Nếu nói theo lộ trình, mười năm nữa cấm xe máy thì tôi cũng lo không biết đến lúc đó có đủ phương tiện công cộng thay thế không.

Vấn đề không phải cấm hay không, mà Nhà nước cứ đặt ra lộ trình: đến năm này Nhà nước sẽ phát triển giao thông công cộng đến mức này rồi bắt đầu cấm xe máy. Nếu đến thời điểm đó thấy phát triển được con số mong muốn thì cứ thực hiện, nếu chưa đạt được mục tiêu như mong muốn thì chưa cấm.

Cái Hà Nội thiếu bây giờ là quỹ đất dành cho giao thông và các loại hình giao thông. Hiện nay mới chỉ có giao thông mặt đất gồm xe máy, xe buýt, taxi, chưa có giao thông ngầm và trên cao. Trong khi đó cứ chất tải nhà cao tầng, dân cư vào nội thành và cơi nới đường sá hiện có thì ngày càng ùn tắc.

Trong khi chờ giao thông công cộng phát triển, nếu Nhà nước đã cấm theo tuyến phố, theo khu vực thì cấm cả xe máy lẫn ôtô cho công bằng. Ông nào tới khu vực cấm cũng gửi xe, đi xe buýt hết để đảm bảo quyền tự do đi lại được thực thi công bằng.

* Hoàng Vĩnh Thắng 
(29 tuổi, Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội):

Phải có lộ trình 
với các biện pháp cụ thể

Công ty tôi cách nhà 6km, nhưng hằng ngày không thể đi bằng ôtô cá nhân. Đi ôtô thì mưa nắng không ngại nhưng đi chậm hơn xe máy và đến cơ quan không có chỗ gửi xe. Nếu đi xe buýt thì phải hai tuyến, chậm hơn đi xe máy rất nhiều.

Vì vậy, hằng ngày tôi đi làm bằng xe máy. Ôtô chỉ sử dụng khi đi chơi xa hoặc chỉ đi trong nội thành vào thời gian thoáng nhất hoặc lúc mình đi những việc mà không bắt buộc phải đến đúng giờ.

Trong điều kiện giao thông hiện nay của Hà Nội, đi xe máy vẫn là tiện lợi nhất. Còn ngồi tàu điện ngầm, xe buýt văn minh lịch sự để đi làm thuận tiện thì ai cũng muốn, nhưng tôi nghĩ điều đó ở thì tương lai xa.

Bây giờ giao thông công cộng chưa đáp ứng đủ, chọn thời điểm cấm xe máy mà phương tiện công cộng vẫn chưa đủ khả năng thay thế sẽ gây nhiều phản ứng trái chiều.

Tôi nghĩ từ bây giờ cần có lộ trình với các biện pháp thực hiện cụ thể, có thể áp dụng chính sách thuế phí cao hơn cho xe máy, làm chi phí đi xe máy tăng dần lên theo từng mốc lộ trình.

Có thể áp phí lưu hành, đỗ xe theo khu vực, theo thời gian cả xe máy lẫn ôtô trong nội thành đông đúc để người ta ít đi xe cá nhân vào đó hơn. Song song đó, thuế phí thu được sẽ đầu tư phát triển giao thông công cộng bên cạnh các nguồn lực của Nhà nước.

Có thể gọi đây là cách làm khó xe cá nhân, ưu tiên xe công cộng. Đến lúc phương tiện công cộng phát triển tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu đi lại nhiều hơn thì cấm xe máy, hạn chế ôtô con trong nội ô.

Chứ cấm xe máy mà không đủ phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại thì giải thích thế nào với dân?

TUẤN PHÙNG ghi

MINH PHƯỢNG – LÊ PHAN ghi