2020: TP.HCM đột phá đến đâu?
Vấn đề này được các đại biểu dự Hội nghị Thành uỷ TP.HCM lần thứ 7 khoá X tập trung thảo luận trong hai ngày 24 và 25-9.
2020: TP.HCM đột phá đến đâu?
Vấn đề này được các đại biểu dự Hội nghị Thành uỷ TP.HCM lần thứ 7 khoá X tập trung thảo luận trong hai ngày 24 và 25-9.
Vùng đất Thủ Thiêm đang hình thành dần hình hài một khu đô thị hiện đại mới của TP.HCM – Ảnh: THUẬN THẮNG |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Tất Thành Cang – Uỷ viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM – nhấn mạnh ý nghĩa của 7 chương trình đột phá được đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020) nhằm “phát huy mọi nguồn lực, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc đang gây cản trở trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh.
Đồng thời tạo tiền đề giải quyết những vấn đề có tính chiến lược căn cơ để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chương trình phát triển nhanh và bền vững”.
Phá rào cản, tạo tiền đề phát triển
Ông Tất Thành Cang đánh giá 6 chương trình đột phá đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã tạo được kết quả bước đầu quan trọng. Đặc biệt là đảm bảo lao động chất lượng cao cho các ngành dịch vụ, công nghiệp trọng yếu, đội ngũ chính trị và quản lý doanh nghiệp.
Đồng thời việc cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, chống ngập, giảm tai nạn giao thông, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường… cũng đạt kết quả tốt và đồng bộ.
Tuy nhiên, ông Tất Thành Cang cho rằng hạn chế, yếu kém cần được khắc phục vẫn còn. Cụ thể là tốc độ phát triển của TP.HCM khá nhanh nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa kịp đáp ứng. Về cải cách hành chính, ông Cang đánh giá còn nhiều vướng mắc do vấn đề quy định, cơ chế ngoài thẩm quyền của TP.HCM.
“Nhất là quy trình, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân” – ông Cang phát biểu.
Ông Tất Thành Cang nhìn nhận các giải pháp chính sách kinh tế của TP.HCM đã ban hành vẫn chưa đủ mạnh, chưa tạo được đột phá, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Trong đó việc huy động và kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn và kết quả hạn chế.
Đồng thời công tác phát triển đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị cũng chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Ông Cang đã đề nghị các đại biểu dự hội nghị tập trung phân tích sâu những hạn chế, yếu kém để từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả 7 chương trình đột phá.
Nhiều mục tiêu lớn
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - uỷ viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM – thay mặt Ban thường vụ Thành ủy trình bày tờ trình về 7 chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần X.
Báo cáo do ông Nguyễn Thành Phong trình bày cho thấy rất nhiều mục tiêu đề ra có tính đột phá lớn.
Với chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến năm 2020 sẽ có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và dự bị, nguồn quy hoạch… đạt chuẩn theo quy định với từng loại chức danh, từng ngạch và chức danh nghề nghiệp. 100% cán bộ chủ chốt và công chức chuyên môn phường, xã đạt trình độ đại học.
Với ngành y tế sẽ có 20 bác sĩ và 35 điều dưỡng/10.000 dân. 80% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Toàn TP.HCM sẽ có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động.
Về cải cách hành chính – vấn đề mà nhiều năm qua các chỉ số của TP.HCM liên tục tụt hạng, ông Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ phấn đấu để chỉ số cải cách hành chính (PAR index) nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.
Đồng thời sẽ xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với đô thị đặc biệt, có mô hình hiệu quả cho từng cấp xã phường thị trấn, quận huyện, sở ban ngành. Đảm bảo công khai minh bạch, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng.
Kết nối đồng bộ về hạ tầng
Chủ tịch UBND TP.HCM đã dành nhiều thời gian trình bày về chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Đây là chương trình hoàn toàn mới mà theo ông Nguyễn Thành Phong nhằm: “Tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của nhân dân với các dịch vụ công… Góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Với các khu đô thị mới, chương trình cũng đề ra yêu cầu sẽ xây dựng hiện đại, có sự kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư. Trong đó riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ phát triển thêm 2,6 triệu m2 sàn xây dựng và khu đô thị mới Nam TP là 4,2 triệu m2 sàn xây dựng.
Đồng thời khởi động mạnh để tiến hành đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc và khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Theo chương trình làm việc, hội nghị sẽ có các phiên thảo luận tại tổ và hội trường. Chiều nay (25-9), hội nghị họp bế mạc.
Di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch Mục tiêu đột phá mà TP.HCM đưa ra đến năm 2020 là cơ bản di dời hơn 20.000 căn nhà ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị hai bên kênh rạch, tổng nguồn vốn là 16.300 tỉ đồng. Đối với chung cư cũ xuống cấp, sẽ thực hiện tháo dỡ 237/437 chung cư để xây dựng mới thay thế. Trong năm 2016 sẽ hoàn tất kiểm định toàn bộ các chung cư được xây dựng trước năm 1975, chọn được chủ đầu tư để xây mới thay thế 23 chung cư cũ. |
Thảo luận về quy chế làm việc Tại hội nghị lần này, các đại biểu cũng thảo luận về quy chế làm việc của Thành uỷ, Ban thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ khoá X và Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ khoá X. Ông Tất Thành Cang cho biết các quy chế trên được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu quy chế làm việc của Ban Chấp hành trung ương và quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra trung ương khoá XII, các quy định, quyết định của trung ương liên quan đến quy định trách nhiệm, quyền hạn… của tỉnh uỷ, thành uỷ. Đồng thời kế thừa những nội dung đúng đắn, còn phù hợp trong các quy chế của Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM, Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ khoá IX. |