24/01/2025

Vùng lên khi sơn hà nguy biến

“Cuộc kháng chiến bắt đầu!”, câu kết trong Lời kêu gọi của Uỷ ban kháng chiến Nam bộ sáng 23-9-1945 được nhiều người lặp lại ở các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày Nam bộ kháng chiến.

 

Vùng lên khi sơn hà nguy biến

“Cuộc kháng chiến bắt đầu!”, câu kết trong Lời kêu gọi của Uỷ ban kháng chiến Nam bộ sáng 23-9-1945 được nhiều người lặp lại ở các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày Nam bộ kháng chiến.

 

 

 

Vùng lên khi sơn hà nguy biến
Dân quân cứu nước Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 1945 – Ảnh: TỰ TRUNG chụp lại

Lời tuyên bố ngắn gọn mang đậm khí phách cá nhân của ông Trần Văn Giàu khi ấy ngay lập tức gặp được quyết tâm của hàng triệu đồng bào Nam bộ. Mới hơn 20 ngày độc lập kể từ ngày 2-9-1945, quá ngắn ngủi, nhưng cuộc kháng chiến phải bắt đầu từ ngày 23-9, không thể trì hoãn.

Súng đã nổ 
sau ngày độc lập

Những sự kiện tháng 9-1945 ở Sài Gòn được điểm lại: Chiều 2-9, ngay tại lễ tuyên bố độc lập, quân Pháp tiếp tục gây hấn. Nhà báo Trần Tấn Quốc ghi nhận:

Sau bài diễn văn của ông Trần Văn Giàu, cuộc diễu hành khởi sự. Thình lình súng nổ. Nổ trước nhà thờ Đức Bà, nổ trước Hãng Jean Comte và chập sau, tiếng nổ đều trong vùng trung tâm thành phố.

Những ngày sau đó, trong lúc chính quyền non trẻ còn đang bù đầu sắp xếp cho sự hình thành của mình thì quân đội đồng minh đã ra lệnh cho Nhật thả quân Pháp, đòi giải tán những đội dân quân Cộng hoà vệ binh, Quốc gia tự vệ cuộc, Công đoàn xung phong, Thanh niên tự vệ vừa góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Rồi quân Anh buộc Uỷ ban Hành chánh Nam bộ phải dời khỏi dinh thống đốc Nam kỳ, quân Pháp tập hợp ở sân phủ Toàn quyền kéo cờ tam sắc… Nền độc lập nghiêng ngả, xung đột có thể xảy ra bất cứ 
lúc nào.

GS Trần Văn Giàu viết trong hồi ký: “Cuộc thương lượng với Pháp kéo dài nhì nhằng. Mỗi bên đều tranh thủ thời gian để làm việc chuẩn bị đánh”…

Xứ ủy và Uỷ ban kháng chiến đã gấp rút chuẩn bị cho trái bóng căng sắp nổ này: bí mật đưa các đơn vị quân đội và một số đơn vị dân quân ra ngoại thành; tăng cường các đội Công đoàn xung phong, Thanh niên tự vệ và Quốc gia tự vệ cuộc; bí mật tổ chức mặt trận nội thành, bốn cửa ngõ thành phố, chuẩn bị xăng dầu, cưa búa ở nhiều nơi để thực hiện tiêu thổ kháng chiến.

Tướng biên cương không chờ lệnh vua

Đêm 22-9, Pháp xua quân đánh chiếm nhiều nơi trong thành phố. Sài Gòn không ngủ. Các đội bảo vệ cơ quan đều kháng cự mãnh liệt đến viên đạn cuối cùng. Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trần Văn Giàu ngồi vào bàn soạn lời kêu gọi kháng chiến.

Sáng hôm sau, Hội nghị Cây Mai được triệu tập. Trước những ý kiến yêu cầu chờ lệnh trung ương, Trần Văn Giàu – lúc này tuổi 34 – nắm chặt tay, cương quyết:

“Tướng ở biên cương có khi không chờ lệnh vua. Tướng biên cương phải biết tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước mình!”. Bản “Lời kêu gọi kháng chiến” lập tức được ông Huỳnh Văn Tiểng mang vào Chợ Lớn “in với số lượng vô tận” để kịp phát chuyền tay, dán lên tường, gửi xe đi lục tỉnh…

Ngày 23-9 đi vào lịch sử. Quyết định sáng suốt, táo bạo, chính xác và kịp thời này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đánh giá cao.

Chỉ trong vòng một tuần, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban kháng chiến Nam bộ, quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã nhanh chóng bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin và quyết liệt. Nhà báo Trần Tấn Quốc tường thuật:

“Dân quân dùng chiến thuật du kích, lúc ẩn khi hiện, đột nhập thình lình để phá hoại chớp nhoáng và lập tức rút lui trong im lặng. Chẳng những thường dân Pháp phải kinh sợ ngày đêm mà đến quân đội Pháp, Anh, Ấn cũng không ngăn ngừa được”.

Hơn một tháng, lực lượng tiếp viện của quân Pháp đổ vào, lệnh tản cư được Ủy ban kháng chiến đưa ra. Nhà báo Mỹ Harold Isaacs có mặt ghi nhận:

“Sài Gòn nhanh chóng bị tê liệt bởi một cuộc tổng đình công của người Việt Nam. Mọi cửa hàng, chợ búa đều đóng cửa. Xe điện ngưng chạy. Xe kéo biến mất trên đường phố. Sài Gòn thành một thành phố chết, từng chập bị lay động bởi tiếng súng trong đêm hay tiếng lựu đạn nổ chát chúa”.

Kháng chiến đã lan rộng ra tất cả các tỉnh Nam bộ…

Dấu ấn Trần Văn Giàu

TS Phạm Đức Kiên – Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM – nhận định: “28 ngày đêm đó (từ 25-8 đến 23-9-1945 – PV) đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm sắt đá của quân và dân Nam bộ trong giành và giữ chính quyền, trong nỗ lực tạo thế và lực mới cho cuộc đụng độ vũ trang không thể tránh khỏi với thực dân Pháp xâm lược, trong đó dấu ấn cá nhân của Trần Văn Giàu – bí thư Xứ uỷ, chủ tịch Lâm uỷ Hành chính Nam bộ – hết sức rõ nét”.

71 năm đã trôi qua, khẳng định lại dấu ấn cá nhân của nhà cách mạng Trần Văn Giàu trong Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam và Nam bộ kháng chiến có lẽ là hơi muộn. Nhưng muộn thì vẫn phải làm.

Lòng yêu nước và trung thành với sự nghiệp giành độc lập của ông là vô tận, tính quyết liệt, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của ông cũng khó ai bì.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã nói lên tâm tư của mình khi kết thúc bài phát biểu về tinh thần Nam bộ kháng chiến:

“Tri ân quá khứ không gì tốt hơn là cùng nhau dốc sức xây dựng một tương lai tươi đẹp”. Đó hẳn cũng là điều mà thế hệ cầm tầm vông vạt nhọn lên đường 71 năm trước đinh ninh trong lòng.

Triển lãm ảnh kỷ niệm 71 năm Ngày Nam bộ kháng chiến

Ngày 22-9, Ban tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM đã tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Nam bộ thành đồng Tổ quốc phát triển cùng đất nước” tại tuyến đường Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi (Q.1).

Vùng lên khi sơn hà nguy biến
Người dân TP.HCM tham quan triển lãm ảnh về Nam Bộ kháng chiến ngày 22-9 – Ảnh: TỰ TRUNG

Triển lãm trưng bày hàng trăm hình ảnh, tư liệu về các sự kiện lịch sử liên quan đến Nam bộ kháng chiến cũng như các thành tựu phát triển của Nam bộ, của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay, kéo dài từ nay đến ngày 30-9-2016.

MAI HƯƠNG

PHẠM VŨ