Jakarta chống kẹt xe với “3 trong 1” và “Chẵn – lẻ”
Chỉ trong ngày đầu tiên (22-9), diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” đã nhận được hơn 50 ý kiến và bài viết của bạn đọc, chuyên gia. Chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái về kinh nghiệm chống kẹt xe ở thủ đô Jakarta của Indonesia.
DIỄN ĐÀN “HIẾN KẾ GIẢI CỨU GIAO THÔNG”
Jakarta chống kẹt xe với “3 trong 1” và “Chẵn – lẻ”
Chỉ trong ngày đầu tiên (22-9), diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” đã nhận được hơn 50 ý kiến và bài viết của bạn đọc, chuyên gia. Chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái về kinh nghiệm chống kẹt xe ở thủ đô Jakarta của Indonesia.
Cô Alfini Lestari chặn xe máy do kẹt xe đã chạy lên lề đường ở Jakarta – Ảnh: Jakarta Post |
Các giải pháp cho đến nay được đánh giá chỉ là tạm thời. Về lâu dài, chính quyền Jakarta chủ trương huy động thêm nhiều xe buýt, cải thiện đường sắt trên cao, mở thêm đường tàu cao tốc từ thủ đô đi thành phố lân cận là Bandung. Ta hãy cùng chờ xem những giải pháp mới có hiệu quả ra sao ở thành phố bị Công ty tư vấn Frost and Sullivan xếp là nơi di chuyển bất tiện nhất thế giới này |
Hai giải pháp gần đây nhất chống kẹt xe ở thủ đô Jakarta của Indonesia là “3 trong 1” và “Chẵn – lẻ”.
Ở thành phố 12 triệu dân này, tính cả vùng phụ cận là 25 triệu người, xe hơi các loại có khoảng 6,5 triệu chiếc (2015), xe máy trung bình mỗi đầu người một chiếc. Giờ cao điểm, di chuyển chặng đường 10km ở nội thành Jakarta có thể mất một tiếng đồng hồ, quãng đường lúc bình thường chỉ đi hết 20 phút.
1 Giải pháp “3 trong 1”
|
Chính quyền thành phố quy định giờ cao điểm nếu trong ôtô có ít hơn ba người thì không được ra vào trung tâm. Nhờ thế, đường có đỡ tắc nghẽn.
Vậy lách luật thế nào? Có ngay một đội quân làm dịch vụ ở các đầu đường. Một mình bạn lái xe, chỉ cần thuê thêm hai người nữa vào ngồi ghế sau, giả vờ làm người nhà.
Qua hết mấy phố trung tâm, hai người kia nhận tiền, ra khỏi xe, lại đứng bên đường chờ xe khác đến thuê. Có người làm dịch vụ này mang theo con nhỏ hoặc con hờ, có khi cho uống thuốc ngủ say li bì.
Những người này nếu bị bắt sẽ bị phạt giam nhiều nhất là hai tuần, phải ký vào cam kết không tái phạm và báo về địa phương tiếp tục quản lý giáo dục. “3 trong 1” được thực hiện từ năm 2003, đến giữa năm 2016 thì bỏ dần. Vừa mới thí điểm bỏ, đường phố trung tâm lập tức lại tắc nghẽn hơn trước.
2 Giải pháp “Chẵn – lẻ”
Được áp dụng từ ngày 30-8-2016, theo cách hôm nay xe biển số chẵn được ra vào trung tâm thì mai sẽ là ngày của xe số lẻ.
Thoạt nghe tưởng đơn giản, thủ công, ấy thế mà đường phố vắng hẳn. Nhiều lúc đi trên đường phải ngạc nhiên, đây có phải là Jakarta mà mọi ngày xe cộ chen chúc hàng cây số trước đèn giao thông? Biện pháp mới thực hiện được tháng đầu nhưng tác dụng đã thấy rõ. Xe vi phạm bị phạt nặng, khoảng trên dưới 100 USD.
Khó mà khống chế chỉ tiêu mua xe hơi, chẳng hạn đề xuất gia đình hai người được mua một xe máy, ba người mới được mua ôtô.
Gợi ý này có thể bị quy vào vấn đề dân chủ, nhưng giải quyết vấn nạn giao thông nhiều khi cần biện pháp độc đoán, không thể bị lái theo cảm tính của đám đông và thông tin đại chúng.
Biện pháp “3 trong 1” đã giúp tránh được ùn tắc và lãng phí cho một chuyến giao thông, và “Chẵn – lẻ” khiến người dân phải công nhận đường đã thưa thoáng đến một nửa.
3 Cấm xe máy trên những đường phố lớn
Cùng với hai giải pháp trên, Jakarta từng cấm xe máy trên những đường phố lớn, từ tháng 2-2015. Chính quyền huy động 1.700 cảnh sát để thực thi lệnh cấm, đồng thời khuyến khích dân chúng dùng xe buýt, đường sắt trên cao. Xe máy quả là có giảm nhiều.
Báo chí đưa ảnh một cô gái dang tay chặn dòng xe máy liều lĩnh xông lên vỉa hè – hành động của cô được coi là anh hùng.
Tôi chỉ là một nhân viên văn phòng, không phải là cảnh sát, nhưng tôi không chịu nổi những người làm tắc nghẽn giao thông” – cô nói.
4 Giải quyết tắc nghẽn từ trạm thu phí
Trên các tuyến giao thông liên tỉnh, một nguyên nhân gây tắc nghẽn là trạm thu phí. Quãng đường 20km ra khỏi thủ đô mà có đến bốn, năm trạm thu phí. Ôtô ùn lại trước các trạm, có khi đoàn xe dài dăm ba cây số thì vừa nộp tiền lấy vé trạm này xong lại xếp hàng để sang trạm khác.
Người viết bài này đã phải chịu một trận tắc đường vào dịp Giáng sinh 2015, chỉ đi 500km ra khỏi thủ đô mà mất 24 tiếng đồng hồ. Vụ ấy đã khiến ông cục trưởng giao thông Indonesia phải chủ động từ chức. Báo chí cổ vũ tinh thần dám chịu trách nhiệm của ông, nhưng cùng lúc thừa nhận là ai thay ông cũng khó giải quyết vấn nạn.
Vụ tắc đường đầu tháng 7-2016 mới thật đáng sợ. Quãng đường 300km ra khỏi thủ đô mà đầy ắp 10.000 ôtô, chưa kể hàng vạn xe máy. Kẹt luôn ba ngày, báo chí đưa tin là chết mấy chục người, chủ yếu là người già, người bị bệnh tim mạch, giữa tiết trời nắng nóng không thoát ra được khỏi biển xe cộ.
Nhận rõ chân dung thủ phạm là trạm thu phí, chính quyền đã ra lệnh một khi đoàn xe ùn lại đến 5km thì phải mở cửa trạm, tháo khoán cho xe đi. Khi ấy phải chấp nhận thất thu, bởi vì các chủ trạm đều đã phải cam kết duy trì tốc độ xe 40-60 km/h, thời gian thu phí 5-9 giây, thu phí tự động là 4 giây.
Người ta cũng đã thí điểm thu phí tự động từ năm 2011 nhưng chưa nhân rộng được, do một số vấn đề tài chính như khó thu phí qua thẻ ngân hàng. Có cả đề xuất miễn phí đường cao tốc để xe qua thông suốt. Mỗi năm chỉ riêng thủ đô Jakarta đã thiệt hại khoảng 3 tỉ USD do tắc nghẽn giao thông.
Diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông” rất mong nhận thêm các ý kiến từ bạn đọc và chuyên gia. Các bài viết tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ email: [email protected], và thư tay xin gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài phong bì xin ghi rõ tham gia diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông”). |