27/01/2025

Tằng Loỏng huỷ hoại môi trường: Hậu quả được báo trước

Việc khu công nghiệp Tằng Loỏng biến thành điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, theo nhiều người có trách nhiệm, là do tâm lý kêu gọi đầu tư bằng mọi cách, bất chấp đó là những nhà máy hoá chất độc hại với công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, được nhập từ Trung Quốc…

 

Tằng Loỏng huỷ hoại môi trường: Hậu quả được báo trước

Việc khu công nghiệp Tằng Loỏng biến thành điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, theo nhiều người có trách nhiệm, là do tâm lý kêu gọi đầu tư bằng mọi cách, bất chấp đó là những nhà máy hoá chất độc hại với công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, được nhập từ Trung Quốc…



 

Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai chôn lấp chất thải trong khuôn viên nhà máy	 /// Ảnh: Nam Anh

Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai chôn lấp chất thải trong khuôn viên nhà máyẢNH: NAM ANH

Ông Lê Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, cho rằng tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng do hầu hết các nhà máy được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng có thiết bị, công nghệ sản xuất cũng như công nghệ xử lý môi trường của Trung Quốc tương đối lạc hậu.
“Tưởng cao siêu lắm, rốt cuộc vẫn lạc hậu”
 
 
Nếu tràn hồ nước thải là do… khách quan !
Ông Nguyễn Quốc Hưng, cán bộ Công ty cổ phần DAP số 2, cho biết chất thải rắn trong quá trình sản xuất có chứa các chất độc hại như P2O5, flo, nhôm, sắt, đồng… Chính vì vậy, nhà máy phải thiết kế các hồ chứa nước ở phía dưới bãi thải nhằm gom các chất độc này, tránh tình trạng chảy tràn ra môi trường. Thế nhưng, trả lời câu hỏi liệu nước trong hồ chứa có tràn ra ngoài khi mưa to hay không thì ông Hưng “không dám chắc” và “nếu việc này xảy ra thì đó là yếu tố khách quan”.
 

Ông Lê Ngọc Dương đưa PV Thanh Niên xem nhiều công văn, báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Lào Cai gửi các sở, ban, ngành liên quan, trong đó nhiều lần lưu ý không nên tiếp nhận dự án mới có công nghệ lạc hậu. Chẳng hạn, Công văn số 1938/STNMT-CCBVMT gửi Sở KH-CN có đề xuất: “Khi tỉnh có chính sách thu hút đầu tư vào KCN, cần quan tâm theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương. Thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch, bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường. Về lâu dài, cần xem xét không nên cho đầu tư các dự án có loại hình phát sinh chất thải tương đồng… Nếu chấp thuận đầu tư vào KCN Tằng Loỏng, yêu cầu chủ đầu tư phải làm thuyết minh rõ công nghệ, thiết bị sản xuất và xử lý hiện đại, đảm bảo theo quy định và công nghệ đó phải có ưu điểm vượt trội so với các công nghệ đã đầu tư của dự án trước…”.

Thế nhưng, thực tế nhiều nhà máy với công nghệ lạc hậu vẫn mọc lên và từ nhà máy cũ đến nhà máy mới tiếp tục xả thải ra môi trường. Bằng chứng là cho tới nay, tại Tằng Loỏng có 6 nhà máy sản xuất phốt pho vàng với công suất 62.000 tấn/năm đi vào hoạt động, trong khi 2 nhà máy khác đang trong quá trình thi công. Cả 8 nhà máy đều sử dụng công nghệ, thiết bị Trung Quốc. Ông Đào Duy Nhất, Phó ban Quản ký khu kinh tế Lào Cai, đã cười nhạt khi làm việc với PV Thanh Niên về việc thẩm định công nghệ của các nhà máy mới vào hoạt động và nói rằng: “Dự án phát triển nhà máy nghe thì có vẻ hiện đại lắm. Đề án ĐTM (đánh giá tác động môi trường – PV) nghe thì hoành tráng. Chúng tôi được mời đến Bộ
KH-CN để họp bàn đánh giá công nghệ. Buổi phản biện toàn các giáo sư, tiến sĩ trình độ cao. Nói qua nói lại tưởng cao siêu lắm, rốt cuộc công nghệ cũng như mấy nhà máy sản xuất trước, lạc hậu lắm, rồi đâu lại vào đấy”.
“Công nghệ” nước mưa rửa trôi chất thải nguy hại !
Theo Sở TN-MT tỉnh Lào Cai, trong số hàng chục nhà máy tại KCN Tằng Loỏng, các nhà máy sản xuất phốt pho vàng là gây ô nhiễm nhất.
Công ty cổ phần hóa chất Đức Giang (gọi tắt Công ty Đức Giang) là doanh nghiệp sản xuất phốt pho thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á, nhưng cũng được liệt vào hàng ô nhiễm nhất. Ông Đào Hữu Huyền, Tổng giám đốc Công ty Đức Giang, cho rằng công ty của ông được Bộ TN-MT “chấp thuận cho phép lưu giữ chất thải ngay trong khuôn viên nhà máy”. “Công nghệ” xử lý số chất thải rắn có chứa các thành phần nguy hại này được mô tả như sau: chất thải được đổ thành từng ô lớn tại những bãi đất trống quanh khuôn viên nhà máy, phía dưới những bãi thải này được lót bằng 2 lớp HDPE chống thấm. Qua thời gian, ảnh hưởng từ những cơn mưa lớn, các chất nguy hại sẽ bị rửa trôi, theo dòng nước chảy về một hồ chứa ở phía dưới. Khoảng 3 – 5 năm sau, cơ quan chức năng lấy mẫu chất thải rắn đi xét nghiệm, nếu đạt chuẩn thì công ty mới được chuyển số chất thải rắn này đến bãi chôn lấp mới.
Tuy nhiên, cũng chính ông Huyền thừa nhận không cần phải đợi 3 – 5 năm để có kết quả xét nghiệm, mà hiện nay chất thải rắn nguy hại được Công ty Đức Giang chôn lấp luôn, theo cách cứ mỗi lớp chất thải đổ xuống lại phủ lên một lớp đất. Cho tới khi các ô chôn lấp hết khả năng tiếp nhận chất thải, Đức Giang cho trồng những loại cây keo, cây mỡ phủ xanh. “Khỏi tốn tiền thuê đơn vị xử lý số chất thải này, hiện chúng tôi đã báo cáo xin tỉnh Lào Cai cấp thêm 14 ha đất đồi gần nhà máy. Tính ra, với khối lượng chất thải như hiện tại, Đức Giang có thể dùng 14 ha này chôn lấp trong vòng 15 năm nữa. Tới khi đó, Lào Cai cũng chẳng còn nguyên liệu để khai thác làm phốt pho vàng nữa”, ông tổng giám đốc nói.
Không chỉ trường hợp Công ty Đức Giang, một loạt các nhà máy khác như Công ty cổ phần DAP số 2, Công ty cổ phần Đông Nam Á Lào Cai… đều áp dụng chiêu chôn lấp chất thải rắn như trên. Ông Đào Duy Nhất thừa nhận việc chôn lấp chất thải rắn như trên là không đúng. “Đúng quy định thì số chất thải rắn này được dùng để sản xuất gạch block không nung, hoặc cung cấp làm phụ gia xi măng. Nhưng hiện không có đầu ra, số lượng chất thải rắn quá lớn, các kho lưu chứa đều quá tải… nên nhà máy phải tìm giải pháp chôn lấp”.
 


Hà An – Khánh An