25/12/2024

Làm gì để không còn
 những phận người bó chiếu?

Hai người nghèo vừa qua đời ở Sơn La hôm 8 và 12-9 phải bó chiếu về quê trên xe máy đã làm chấn động trái tim của nhiều người.

 

Làm gì để không còn
 những phận người bó chiếu?

 Hai người nghèo vừa qua đời ở Sơn La hôm 8 và 12-9 phải bó chiếu về quê trên xe máy đã làm chấn động trái tim của nhiều người. 

 

 

 

Làm gì để không còn
 những phận người bó chiếu?
Hình ảnh khiến dư luận xôn xao trên mạng xã hội – Nguồn: otofun

Không ít người trong chúng ta đặt ra những câu hỏi làm sao để giúp cho những cảnh đời túng quẫn đó. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người Việt luôn mong mỏi được chu đáo khi nhắm mắt lìa trần.

Hàng trăm ý kiến độc giả gửi đến Tuổi Trẻ ba ngày qua cũng mong mỏi điều đó. Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến để tìm giải pháp làm sao để không còn những hình ảnh xót xa đó nữa, và mong nhận thêm ý kiến của bạn đọc.

Ông Lầu Sáy Chứ 
(giám đốc Sở Y tế Sơn La):

Chúng tôi chưa giám sát được khoản hỗ trợ có đến với người nghèo

Sơn La đã có quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, quỹ này chi trả tiền ăn, tiền đi lại tương đương 0,2 lít xăng/km.

Sau khi nhận hỗ trợ, người bệnh có thể tự chọn phương tiện, không bắt buộc phải đi ôtô. Căn cứ để thanh toán chiều dài quãng đường thì Sở Giao thông vận tải đã cung cấp cho ngành y tế, từ xã nào đến bệnh viện nào thì quãng đường bao nhiêu…

Ở hai câu chuyện người nghèo phải bó chiếu về quê vừa qua ở Sơn La, nói thành thật là khi nghe tôi rất bất ngờ, tôi đã họp khẩn với bệnh viện để yêu cầu các bệnh viện triển khai hiệu quả hơn các hỗ trợ từ quỹ.

Chỉ đạo của ban quản lý quỹ là dán thông báo về hỗ trợ người nghèo tại tất cả khoa phòng, nếu họ ở bệnh viện thì thanh toán cho họ 2-3 ngày/lần tiền ăn, tiền đi lại phải thanh toán cho người nghèo trước khi họ 
ra viện…

Trong quá trình thực hiện đã có những thiếu sót, có thể do người bệnh chưa biết hoặc chưa được hướng dẫn về hỗ trợ của quỹ.

Mới đây do bảo hiểm y tế cũng thanh toán thêm một số chi phí khám chữa bệnh và hỗ trợ người nghèo, nên khoản nào bảo hiểm y tế đã chi thì quỹ sẽ không chi nữa, nhưng cán bộ y tế phải tận tình hướng dẫn người nghèo để họ được nhận các khoản hỗ trợ mà quyền lợi họ được hưởng.

Sau hai câu chuyện vừa qua, chúng tôi sẽ rà soát xem các bệnh viện đang thực hiện yêu cầu của ban quản lý quỹ như thế nào, có gì vướng mắc và đôn đốc họ làm tốt chức năng của mình.

Đúng là thời gian qua có chính sách, nhưng chúng tôi chưa giám sát được khoản hỗ trợ có đến được với tất cả người nghèo hay không.

Ông Dương Đức Hùng (trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai):

Nhân viên công tác 
xã hội phải năng động

Bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh cần giúp đỡ ở nước mình rất nhiều, nên vai trò của cộng đồng là quan trọng, kết hợp vai trò của phòng công tác xã hội bệnh viện và báo chí làm cầu nối giữa người hảo tâm và người nghèo, hỗ trợ họ có điều kiện chữa bệnh.

Với trường hợp như Sơn La, bệnh viện tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp người nghèo tử vong tại bệnh viện, những trường hợp này xe của bệnh viện sẽ đưa người đã mất về nhà mà không tính phí.

Trường hợp bệnh nặng, gia đình xin về thì ngoài xe còn bố trí nhân viên y tế đi cùng để họ cố được chút hơi thở cho đến khi về đến nhà.

Nhưng người nghèo chỉ được hỗ trợ khi nhân viên y tế chia sẻ với họ, người bệnh hơn bao giờ hết rất mong được quan tâm, động viên, nếu chia sẻ được về tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của người bệnh thì hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó là sự năng động của nhân viên công tác xã hội. Nhiều trường hợp khó khăn đã được kết nối với nhà hảo tâm nhờ cầu nối là nhân viên công tác xã hội và truyền thông, còn nhà hảo tâm sẽ trao tặng trực tiếp phần hỗ trợ cho người nghèo.

Những bệnh viện còn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa vẫn hoàn toàn huy động được sự hỗ trợ của cộng đồng nếu nhân viên công tác xã hội năng động, khoản hỗ trợ được chuyển đúng đối tượng, đúng mục đích, hoạt động hỗ trợ có hiệu quả với người nghèo.

Các bệnh viện cũng cần bố trí một khoản quỹ cho mục đích hỗ trợ người nghèo, trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, chưa kịp kết nối với nhà hảo tâm thì có thể sử dụng tiền từ quỹ để hỗ trợ ngay.

Làm gì để không còn
 những phận người bó chiếu?
Ảnh chụp status của người dùng Facebook Điêu Thị Hải Q.

Ông Lương Ngọc Khuê 
(cục trưởng Cục Quản lý 
khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

Bệnh viện nghèo 
vẫn có thể hỗ trợ 
người bệnh nghèo

Luật khám chữa bệnh hiện hành đã quy định bệnh viện dành một phần quỹ để hỗ trợ người nghèo khám chữa bệnh. Trong công tác quản lý bệnh viện, các giám đốc phải quan tâm thành lập và duy trì hoạt động của quỹ này, nhưng thực tế nhiều bệnh viện chưa có quỹ.

Đã có những bệnh viện nghèo ở vùng sâu vùng xa hoặc bệnh viện tuyến quận huyện vẫn duy trì rất tốt hoạt động hỗ trợ người nghèo.

Tôi đã đến một bệnh viện nghèo ở Cần Thơ hàng chục năm nay duy trì được bữa cơm và tặng nước miễn phí cho người bệnh. Vấn đề ở vai trò kết nối, sự tận tình, tấm lòng của thầy thuốc có nhận ra nhu cầu của người nghèo và hỗ trợ họ hay không?

Khi tận tình chia sẻ và nhận ra nhu cầu của người bệnh, giám đốc và các nhân viên được giao có thể thay mặt bệnh viện vận động và tiếp nhận các khoản hỗ trợ, đó có thể là tiền, gạo, rau, thịt, miễn là minh bạch trong chi tiêu và sử dụng nguồn hỗ trợ để quỹ được duy trì lâu dài.

Các bệnh viện cũng phải tổ chức bộ phận công tác xã hội để kịp thời tìm hiểu và hỗ trợ người bệnh gặp khó khăn, nếu chưa đủ người thì phải cử cán bộ kiêm nhiệm. Nếu có chia sẻ và hỗ trợ chắc chắn không ai bó chiếu người thân và chở xe máy về quê.

“Tay đứt ruột xót”, ai cũng mong chuyến đi cuối cùng của người thân mình được vẹn toàn, chẳng qua chỉ vì nghèo mà phải đi chuyến cuối quá gập ghềnh khổ đau thì trách nhiệm là của bệnh viện.

Sức mạnh của các tổ chức thiện nguyện

Nhà nước đã có quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Quỹ này dùng để mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và hỗ trợ thêm các hộ cận nghèo. Những căn bệnh xã hội như lao, tâm thần, phong… được Nhà nước chi trả hoàn toàn.

Tuy nhiên, nguồn lực Nhà nước chi cho y tế có hạn, cho dù Việt Nam là nước có tỉ lệ chi cho y tế thuộc hàng cao trên thế giới nếu tính trên GDP.

Ngoài ra, do những quy định khá chi tiết và chặt chẽ trong việc chi tiêu ngân sách, việc phản ứng của hệ thống hành chính nhà nước trong những trường hợp đặc biệt, việc hỗ trợ đột xuất cho người bệnh nghèo nặng xin về hoặc tử vong thường rất chậm chạp.

Tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây, ở một số tỉnh miền Đông Nam bộ, người dân đã lập ra các quỹ từ thiện. Các mạnh thường quân và bà con hỗ trợ mua xe cấp cứu để vận chuyển người bệnh hoặc vận chuyển thi thể người bệnh từ bệnh viện về nhà hoàn toàn miễn phí.

Nhiều người hỗ trợ mua sẵn quan tài để giúp những gia đình nghèo khó. Hoạt động của các tổ chức từ thiện này là hoàn toàn thiện nguyện, thủ tục nhanh chóng, không rườm rà, mất nhiều thời gian.

Ở các nước tiên tiến, mặc dù chế độ an sinh xã hội có thể nói là rất tốt, vai trò của các tổ chức thiện nguyện đối với các vấn đề xã hội vẫn rất quan trọng.

Các quỹ từ thiện phi chính phủ (NGO), phi lợi nhuận (NPO), các tổ chức từ thiện kiểu như các Rotary Club hoạt động rất mạnh, lấp vào những chỗ trống mà chính phủ không với tới được, góp phần làm cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn.

Tại sao chúng ta không lập một quỹ hỗ trợ những bệnh nhân nghèo ở Sơn La để có thể giúp họ trong khi bệnh nặng mà không đủ tiền thuê xe có thể đến được bệnh viện, hoặc trường hợp nặng về nhà hoặc tử vong có được xe chở về?

Bên cạnh thể hiện sự thương xót, đòi hỏi và chờ đợi các chính sách và thay đổi từ Chính phủ, hãy học tập các xã hội văn minh, bắt tay giúp đỡ một cách thiết thực những cảnh đời bất hạnh.

Bác sĩ VÕ XUÂN SƠN

Ông Lê Hoàng Tú 
(phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông,
 Hà Nội):

Linh động 
hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Khoảng một năm nay, chúng tôi đã thiết lập nguồn quỹ dành riêng cho bệnh nhân nghèo.

Quỹ này được huy động từ những tổ chức từ thiện ngoài viện, từ nguồn đóng góp của chính nhân viên, y bác sĩ trong bệnh viện do ban lãnh đạo bệnh viện, tổ chức công đoàn bệnh viện thực hiện và giám sát.

Đối với nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo không có điều kiện để chi trả viện phí, bệnh viện đều yêu cầu viết đơn đề nghị được hỗ trợ và xin xác nhận của địa phương, sau đó sẽ hỗ trợ viện phí và chi phí đi lại cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nhân thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa, không ai chăm sóc, bệnh viện chủ động liên lạc về địa phương xác minh, có thể chỉ cần yêu cầu bệnh nhân làm đơn hỗ trợ mà không cần xác nhận của địa phương trên lá đơn đó là bệnh viện đã giải quyết.

QUỲNH LIÊN ghi

LAN ANH ghi