27/12/2024

Hà Nội: Người dân bức xúc vì bộ máy công chức cồng kềnh

Nhắc đến các bất cập về dư thừa chức danh viên chức, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính hỏi: ‘Hà Nội có những bất cập này không, có giảm được biên chế không?’.

 

Hà Nội: Người dân bức xúc vì bộ máy công chức cồng kềnh

Nhắc đến các bất cập về dư thừa chức danh viên chức, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính hỏi: ‘Hà Nội có những bất cập này không, có giảm được biên chế không?’.




Xếp hàng nộp đơn thi tuyển công chức ở Hà Nội /// Ảnh: Nguyễn Tuấn

Xếp hàng nộp đơn thi tuyển công chức ở Hà NộiẢNH: NGUYỄN TUẤN

Chiều 17.9, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các nghị quyết của T.Ư về công tác cán bộ.
Báo cáo của Thành uỷ Hà Nội cho biết, qua rà soát, sắp xếp, đến nay toàn TP đã giảm được 55 phòng, ban, 130 đơn vị sự nghiệp, 171 trưởng, phó phòng, ban và từ nay đến cuối năm tiếp tục tinh giản hàng trăm biên chế nữa.
Theo ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, hiện người dân có nhiều bức xúc về tình trạng bộ máy công chức cồng kềnh, chồng chéo, biên chế phình to, sự suy thoái và tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Chỉ có tinh giản bộ máy mới giảm bớt được biên chế, từ đó khắc phục được các tồn tại trên.
Nhắc đến các bất cập về dư thừa chức danh viên chức trong lĩnh vực giáo dục, y tế trong khi đây là hai lĩnh vực ngốn nhiều ngân sách nhất với trên 60%, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho hay có trường ở vùng cao lương nhân viên thư viện 8 triệu đồng, cao hơn cả lương Bí thư tỉnh uỷ, hay cả trường chi tiêu mỗi tháng 10 triệu đồng nhưng riêng lương kế toán và thủ quỹ đã hơn 10 triệu đồng. “Hà Nội có những bất cập này không, có giảm được biên chế không?”, ông Chính hỏi. Các thành viên của Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị cũng nêu ra nhiều bất cập về biên chế tại Hà Nội như Q.Cầu Giấy đã đô thị hoá từ lâu nhưng vẫn tồn tại chức danh Hội Nông dân.
Báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội cho biết, chi hành chính cho công chức hiện là 2.500 tỉ đồng/năm, trong đó lương là 1.500 tỉ đồng/năm cho trên 14.000 cán bộ công chức. Nhóm sự nghiệp với hơn 2.500 đơn vị chi ngân sách là 11.800 tỉ đồng.
Giải trình một số ý kiến đoàn kiểm tra nêu, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết quá trình sắp xếp không gây xáo trộn, ổn định bộ máy, thu gọn trên cơ sở một người một việc. Tới đây sẽ phải giảm biên chế hơn nữa. Khi sắp xếp lại các phòng ban, đầu mối, Hà Nội cũng chủ động đối thoại trực tiếp với những đơn vị, cán bộ nằm trong diện sắp xếp để phổ biến, quán triệt nhận thức… Về những bất cập trong lĩnh vực giáo dục, y tế, ông Chung cho biết nếu sắp xếp lại đầu mối ở tuyến quận/huyện theo hướng thu gọn đầu mối và tăng giao nhiệm vụ thì vẫn hoàn toàn có thể đảm đương, hoàn thành nhiệm vụ được. Do đó, TP sẽ tiếp tục làm mạnh vấn đề này, đồng thời cũng đang nghiên cứu áp dụng mô hình bác sĩ gia đình gắn với y tế cơ sở và phòng bệnh để tư nhân hóa các trạm y tế, tiết giảm cho ngân sách…
Kết luận cuộc họp, ông Phạm Minh Chính nêu rõ tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là việc làm rất khó vì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của đảng viên, công chức, viên chức, những người hưởng lương. “Một trường học mà 8, 9 ông quét dọn thì không chấp nhận được. Hà Nội vẫn bị xem là không vội được đâu, nhưng người dân hiện nay đang rất trông đợi những thay đổi từ Hà Nội”, ông Chính dẫn chứng và đề nghị Hà Nội tới đây khi sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế phải tiếp tục quan tâm, tập trung vào các lĩnh vực sử dụng nhiều biên chế, chi tiêu nhiều ngân sách như y tế, giáo dục, hội đoàn; cùng đó tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước để tiết giảm ngân sách.

 

Mai Hà