28/12/2024

Dạy học ngoại ngữ sẽ thực tế hơn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc dạy học ngoại ngữ thời gian tới cần phải thực tế hơn để chấm dứt tình trạng yếu kém trong thời gian qua.

 

Dạy học ngoại ngữ sẽ thực tế hơn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc dạy học ngoại ngữ thời gian tới cần phải thực tế hơn để chấm dứt tình trạng yếu kém trong thời gian qua.




Sinh viên học tiếng Anh tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sinh viên học tiếng Anh tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCMẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Hôm nay 17.9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị thông báo kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”.
Đào tạo giáo viên sẽ tập trung vào các đầu mối
Theo ông Nhạ, Đề án 2020 là chủ trương có tính chiến lược của những lãnh đạo tiền nhiệm. Tuy nhiên, xây dựng đề án từ mục tiêu đến nội dung và phương thức thực hiện trong giai đoạn tới sẽ cần tính thực tế hơn. Ông Nhạ chia sẻ không nên coi Đề án 2020 thay thế được hết mọi thứ. Đây chỉ là chương trình có tính chất khung, để tạo cú hích cho toàn dân. Nó chỉ tập trung vào 2 việc lớn.


Việc thứ nhất, Bộ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn/quy chuẩn và đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cho tốt. Cách làm trước đây là chia về cho từng địa phương nên mới có chuyện đầu tư không “trúng”. Bây giờ, Bộ sẽ tập trung về các đầu mối là trung tâm ngoại ngữ của các trường ĐH ngoại ngữ, họ sẽ xây dựng chuẩn/quy chuẩn, nội dung chương trình. Căn cứ vào đó, họ “đo” giáo viên đang có để đào tạo lại theo chuẩn. Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường công nghệ thông tin để có thể đào tạo trực tuyến.
 
 
Mục tiêu là hướng tới chứ không phải kết thúc
Phóng viên Thanh Niên đặt vấn đề: Trong khi cả nước còn loay hoay với việc dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ mà Bộ lại đặt ra mục tiêu sẽ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại VN thì liệu mục tiêu ấy có khả thi hay không? Ông Nhạ lý giải: “Tiếng Anh giờ là ngoại ngữ, tiến tới là ngôn ngữ thứ hai là mục tiêu ở thì tương lai xa. Nhưng bây giờ không đặt ra và bắt đầu làm thì chẳng bao giờ được. Việc đặt ra phấn đấu là để hướng tới, chứ không phải kết thúc dự án là được cái đó. Giờ cố gắng tiếng Anh làm sao là ngoại ngữ thực sự, đến thời gian nào đó trở thành ngôn ngữ thứ hai. Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai là một ý tưởng đưa ra có tính chất định hướng”.

 

Ví dụ, để đạt trình độ nhất định cần có 300 giờ đào tạo thì trong đó 250 giờ học trực tuyến (giáo viên có thể ngồi học tại chỗ sau khi vừa giảng bài trên lớp xong), 50 giờ học trực tiếp. “Khi đầu tư vào trường ĐH ngoại ngữ thì sẽ đạt lợi ích kép. Vừa làm cho năng lực đào tạo của cỗ “máy cái” tăng lên, đồng thời một người vừa trao đổi được với nhiều người. Tôi tin rằng từ đây chắc chắn sẽ khác”, ông Nhạ khẳng định.

Vào ĐH là có thể học bằng tiếng anh ngay ?
Việc thứ hai, theo ông Nhạ, Bộ sẽ tập trung giải quyết vấn đề khảo thí. Khảo thí sẽ làm theo hướng chuẩn, xã hội hóa và kéo các tổ chức khảo thí quốc tế vào. Bộ sẽ chia ra làm 2 khu vực. Đối với bậc phổ thông hoặc với những người không đi nước ngoài, sẽ dùng chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu. Đối với những người có nhu cầu cao hơn, sẽ dùng luôn các chứng chỉ quốc tế như TOEFL, IELTS.
Ông Nhạ mong muốn phải làm sao để học xong phổ thông, người trẻ không cần phải gần như bắt đầu học lại tiếng Anh nữa khi vào ĐH mà sẽ học bằng tiếng Anh. “Khi đó, chúng tôi sẽ khuyến khích các trường nhập các chương trình quốc tế và dạy bằng tiếng Anh luôn. Bằng thực tiễn này tiếng Anh mới “sống” được. Vào ĐH là đối tượng tinh tuý, có thể học ĐH luôn bằng tiếng Anh. Chẳng nhẽ chỉ mấy vạn sinh viên trong một đất nước gần trăm triệu dân mà lại không đủ trình độ tiếng Anh để học ĐH? Tôi rất muốn đất nước mình có những trường ĐH dùng tiếng Anh, hoặc trong mỗi trường ĐH có dăm bảy chương trình dạy bằng tiếng Anh để hội nhập”, ông Nhạ chia sẻ.
Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020 – 2021, 100% học sinh lớp 3, 70% lớp 6 và 60% lớp 10 được học chương trình mới (10 năm).
Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường CĐ và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc VN và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.
Đến năm 2018 – 2019, 100% các trường ĐH triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5). Đến năm 2020, 70% sinh viên ĐH không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên ĐH không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3). Tiếp tục đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học. Đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra. Đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu của từng khóa học.
Phấn đấu vào năm 2020: 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 60% và 40%.


 

Tuệ Nguyễn – Quý Hiên