Chạy khỏi làng vì… thuỷ điện
Những ngôi làng quê của người dân Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) ven sông Vu Gia giờ đã không còn êm đềm, yên ả như xưa nữa. Mới đây nhất là tin đồn đập thuỷ điện Sông Bung 2 vỡ, khiến hàng trăm người dân ở hạ du này dáo dác tháo chạy khỏi làng.
Chạy khỏi làng vì… thuỷ điện
Những ngôi làng quê của người dân Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) ven sông Vu Gia giờ đã không còn êm đềm, yên ả như xưa nữa. Mới đây nhất là tin đồn đập thuỷ điện Sông Bung 2 vỡ, khiến hàng trăm người dân ở hạ du này dáo dác tháo chạy khỏi làng.
Bà Nguyễn Thị Tùng (84 tuổi, Dục Tịnh, Đại Hồng) vẫn chưa hết sợ khi phải chạy lũ đêm 13-9 Ảnh: Đ.CƯỜNG |
“Từ hồi chiến tranh đến chừ mới phải chạy cái kiểu ni. Lợn gà, thóc lúa chi bỏ hết lại, chỉ còn mỗi cái thân ni đi trốn lũ thôi. Chả thấy cái ông thuỷ điện mang lại lợi gì cho mình, nhưng cứ đến mùa mưa là ổng làm cả làng chết khiếp |
Bà TRẦN THỊ TIỀM |
Những câu chuyện râm ran ở làng quê giờ đây biểu lộ sự hoang mang tột độ với thủy điện.
Đến mùa là chạy
Con đường đất dẫn vào thôn Dục Tịnh (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) thi thoảng lại bắt gặp cảnh túm tụm nói chuyện của người dân về đợt tháo chạy do tin đồn vỡ đập thuỷ điện Sông Bung 2 đêm 13-9. Dục Tịnh nằm giữa bãi bồi của con sông Vu Gia, nên mấy trăm con người ở làng quê này chỉ cần nghe tin thuỷ điện xả lũ đã thất kinh, chứ chưa nói gì đến vỡ đập.
Những người đang ở trong ngôi nhà đầu làng của bà Trần Thị Tiềm (77 tuổi, thôn Dục Tịnh) đang còn thất thần về trận tháo chạy vừa qua. Chị Hoàng Thị Thuý nói như mếu: “Cứ đến mùa mưa là tui sụt ký, thấp thỏm miết, ăn ngủ không được”.
Chị Thúy dẫn chứng chiều 13-9, tầm 16-17g khi dân làng dáo dác về tin bể đập thuỷ điện, chị cẩn thận gọi điện cho đứa cháu làm trên thuỷ điện A Vương và nó nói là không có chuyện đó. Vẫn chưa tin, chị Thúy lại gọi cho bạn trên huyện Nam Giang (Quảng Nam) và được khẳng định lần nữa là tin xạo. “Nói là vậy, nhưng thấy cả làng chạy tán loạn tui đâu dám ở lại nhà. Lỡ có lũ về thiệt, chết đi còn mang tiếng là đồ giữ của, thấy nước đến chân mà không chịu chạy” – chị Thuý chia sẻ.
Vậy là chị Thúy cùng ba con hớt hải chạy lên quốc lộ 14B ẩn nấp. “Nồi cơm tôi vừa nấu xong phải bỏ vô bị mang lên lộ, để lỡ có lũ thì 3-4 mẹ con còn có cái ăn. Còn đàn heo 12 con thì vứt lại” – chị Thuỷ nói. Đến tối, khi UBND xã Đại Hồng phát thông báo tin vỡ đập thủy điện là thất thiệt, chị trở về nhà mà còn thấy run. Lại nghe con gái nói trên Facebook đồn khoảng hai tiếng nữa nước lũ sẽ về đến làng, cả đêm chị Thúy không chợp được mắt.
Tội nghiệp nhất là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Tùng (84 tuổi). Bà Tùng già yếu, phải chống gậy đi từng bước. Lại có thêm hai con bị bệnh tâm thần là anh Nguyễn Hưng Thịnh và chị Nguyễn Thị Thu Trâm. Chập choạng chiều 13-9, khi dân làng rồng rắn tháo chạy, con gái lớn của bà Tùng là chị Nguyễn Thị Nga về nhà sơ tán mẹ và hai em. Nhưng không phải dễ đưa một lúc ba con người như thế rời khỏi nhà.
“Nhìn cảnh dân làng chạy tán loạn, còn mình không thể đưa mẹ và em đi được nên tui khóc vì sự bất lực của mình” – chị Nga nghẹn giọng. Cũng may lúc đó có chiếc xe khách chạy lũ đi qua đã ghé đón mấy người nhà chị Nga chở lên quốc lộ.
Tiếng loa thời… thủy điện
Hai chân bà Trần Thị Tiềm bị khớp, đi lại cà nhắc nhưng thấy chòm xóm giục giã, bà chỉ kịp lấy theo chiếc áo rồi hòa vào dòng người chạy lũ. “Từ hồi chiến tranh đến chừ mới phải chạy cái kiểu ni. Lợn gà, thóc lúa chi bỏ hết lại, chỉ còn mỗi cái thân ni đi trốn lũ thôi. Chả thấy cái ông thủy điện mang lại lợi gì cho mình, nhưng cứ đến mùa mưa là ổng làm cả làng chết khiếp” – bà Tiềm thở dài ngao ngán.
Dường như mỗi mùa mưa đến là một mùa… chạy của dân làng Đại Hồng. Sự bất an luôn thường trực ở đây mỗi khi nước về. Chị Thuý kể câu chuyện cười ra nước mắt: có hôm trời nắng chang chang, tự nhiên có người trong làng dắt hai con bò, tay cầm áo phao đi lên phía núi Khe Lim, chỉ vậy thôi mà cả làng cũng nháo nhác lên vì sợ lũ.
“Dân ở đây ám ảnh với hai từ thủy điện lắm nên chỉ nghe tin, chưa biết mô tê chi cũng lo chạy bán sống bán chết” – ông Nguyễn Văn Ánh (thôn Ngọc Kinh Tây) thốt lên.
Đỉnh điểm nhất là hồi tháng 10-2013, dân làng từng chạy trối chết vì tin đồn vỡ đập thủy điện. Lúc đó, cả thôn tổ chức đấu thầu đất nông nghiệp cho bà con. Đây là công việc quan trọng nhất cho nông dân. Vậy mà nghe có tin vỡ đập thuỷ điện, bà con bỏ ngang chạy hết về nhà thu gom đồ đạc lên núi tránh lũ.
Ông Ánh cho biết cả thôn có 247 hộ dân thì đến 50% gia đình phải chạy tứ tán tìm nơi trú ẩn. Cứ mỗi chiều khi nước sông Vu Gia dâng lên là dân làng bồn chồn như ngồi trên lửa vì không biết có lũ hay không.
Ông Nguyễn Hữu Phước, người lái đò từ Đại Hồng qua Đại Lộc trên dòng Vu Gia, nói: “Tui làm nghề đưa đò suốt 40 năm qua nhưng vào mùa mưa lúc này, mỗi chuyến đò như một cuộc mặc cả với thủy thần, chẳng biết đâu mà lần”. Theo ông Phước, ngày trước chưa có thủy điện, dòng sông hiền hòa, con nước dễ đi.
Từ ngày có thuỷ điện chặn dòng, xả nước “bất đắc kỳ tử” nên những người lái đò như ông phải lo nơm nớp. Có lần thuỷ điện xả lũ, ông Phước đưa đò ra giữa sông mới được chính quyền thông báo trên loa là thủy điện xả nước, yêu cầu đóng cửa bến đò.
Bà Nguyễn Thị Lạc – chủ tịch UBND xã Đại Hồng – cho biết dân sống với tin đồn khiến chính quyền địa phương cũng vất vả theo. Mỗi lần nghe tin đồn vỡ đập, bà bấm điện thoại lên huyện Nam Giang hỏi tin tức mà tay thì run không ngớt.
Theo bà Lạc, trên địa bàn Đại Lộc hiện chỉ có thuỷ điện A Vương trang bị hệ thống còi hụ cùng 10 loa cầm tay cho 10 thôn để cảnh báo lũ cho dân. Khi có lũ hoặc thuỷ điện xả lũ thì các loa này sẽ hoạt động nhưng theo bà Lạc, lúc mưa bão người dân khó nghe được tiếng loa.
Bà Nguyễn Thị Tùng (84 tuổi, Dục Tịnh, Đại Hồng) vẫn chưa hết hoảng sợ về cuộc chạy lũ đêm 13-9. Bản thân bà già cả, còn có hai người con bị bệnh tâm thầnẢnh: ĐOÀN CƯỜNG
Dọc những làng quê ven sông Vu Gia thường có hệ thống loa sừng sững trước làng để cảnh báo lũ cho bà con sơ tán Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Bãi bồi giữa sông Vu Gia là nơi người dân chăn thả hàng ngàn trâu, bò. Chỉ cần nghe có nước lũ về là người dân hốt hoảng di tản trâu, bò lên núi Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Loa báo lũ Tại huyện Đại Lộc có đến hàng chục cụm còi hụ báo lũ y như thời… chiến, được trang bị cho 10 xã dọc sông Vu Gia. Ngay đầu cầu Hà Nha nối hai bờ dòng sông Vu Gia đang ngầu ngầu nước đỏ là 30 loa phát thanh, còi hụ được dựng trên hai cây trụ to sừng sững. Trên con đường dẫn vào những làng dọc sông Vu Gia giờ đã nhung nhúc biển báo động xả tràn hồ chứa thuỷ điện. Trước mặt trụ sở UBND xã Đại Hồng, một dàn loa cảnh báo lũ được dựng lên to tướng. Mỗi lần dàn loa này hoạt động, dân làng chạy té khói. |