28/12/2024

Đêm hoảng loạn ở Sông Bung 2

Vụ vỡ van hầm dẫn dòng tại thuỷ điện Sông Bung 2 – hầm dẫn dòng dài nhất hệ thống các thuỷ điện VN chiều 13.9 đã kéo theo ngập lụt cuốn trôi 3 ngôi nhà và gây hoảng loạn trong đêm cho người dân trong khu vực.

 

Đêm hoảng loạn ở Sông Bung 2

Vụ vỡ van hầm dẫn dòng tại thuỷ điện Sông Bung 2  – hầm dẫn dòng dài nhất hệ thống các thuỷ điện VN chiều 13.9 đã kéo theo ngập lụt cuốn trôi 3 ngôi nhà và gây hoảng loạn trong đêm cho người dân trong khu vực.




 

Van bên trái bị vỡ gây ra sự cố tại đập Sông Bung 2ẢNH: HOÀNG SƠN

 

Đến trưa qua, 18 công nhân hợp đồng trồng rừng thay thế chạy loạn trong đêm mới bắt được liên lạc với lực lượng tìm kiếm. Trong khi đó, thi thể 2 công nhân mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
“Nổ như bom”
Trực tiếp đến kiểm tra hiện trường tối 13.9 và chủ trì cuộc họp báo sáng 14.9, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam bước đầu thống nhất với Ban Quản lý (BQL) dự án thuỷ điện Sông Bung 2 (ASB2, Quảng Nam) là có sự tác động của dòng chảy rất lớn đến cửa van. Theo ông Toàn, nhiều nhân chứng nghe thấy “tiếng nổ lớn như bom trước khi nước tràn vào hầm dẫn”. 

 
 
“Chưa bao giờ thấy lũ như vậy”
Ông Briu Thiên (thôn La Bơ B, xã Chaval, H.Nam Giang) kể: “Khi thuỷ điện Sông Bung 2 bị sự cố thì nước từ thượng nguồn nhiều như trên trời đổ xuống”. Thời điểm đó, ông Thiên thuộc nhóm 18 người đi trồng rừng thay thế của dự án thủy điện này. “Khi nước lũ từ nguồn đổ về, tôi rất hoảng sợ, chỉ kịp bám vào một cành cây để đu lên khỏi mặt nước”, ông Thiên tiếp lời.
Cùng nhóm người đi trồng rừng, ông Arất Biu kể lại, gỗ và củi từ thượng nguồn theo dòng lũ như một cơn lốc tràn về nơi ông ngồi mài rựa bên bờ sông. “Cả đêm hôm đó tôi không ngủ, chưa bao giờ tôi thấy trận lũ dữ dội như vậy. May mắn hôm sau con trai tôi đã cùng dân làng đi tìm và đã gặp lại tôi và vợ”, ông Biu nói.
Hoàng Sơn

 


Sau khi vỡ cửa van số 2, toàn bộ 28 triệu m3 nước đã thoát về phía hạ lưu gây ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng ở xã La Dêê. May mắn là hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 (dung tích 514 triệu m3) cách đó 40 km về phía hạ lưu đã hứng trọn lượng nước bất thường từ hồ Sông Bung 2, không để thoát sâu xuống hạ lưu Vu Gia nên đã tránh được vỡ đập dây chuyền trên hệ thống thuỷ điện bậc thang Vu Gia – Thu Bồn.
Báo cáo tại cuộc họp với đoàn công tác của Bộ Công thương, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 2 (GENCO2, chủ đầu tư dự án thuỷ điện), cho biết sự cố xảy ra chỉ 10 ngày sau khi cửa van hầm dẫn dòng thi công (hầm dẫn nước sông chảy sang hướng khác để thi công đập chính) đóng để tích nước. Thời điểm đó, nước trong hồ còn 33 m nữa mới đến mực nước dâng bình thường. Ông Hải lý giải, do mưa diện rộng nên lưu lượng nước về hồ rất lớn (650 m3/giây).
“Áp lực nước lớn đã tống và đẩy trôi 1 trong 2 cánh van chặn dòng làm bằng thép nặng 125 tấn, cuốn trôi, tạo ra dòng nước rất lớn chảy về hạ lưu”, ông Hải nói và cho biết khi xảy ra sự cố, tại hạ lưu đang thi công nút chặn hầm dẫn dòng và tiến hành đắp đê quai hạ lưu, bơm thoát nước để làm công tác chuẩn bị đổ bê tông nút hầm. Đa số công nhân đã kịp chạy thoát nhưng 2 công nhân vận hành máy đào là anh Đặng Văn Tuyền (quê Hải Dương) và Nguyễn Minh Luân (quê Phú Thọ) bị lũ cuốn mất tích.
Tại hiện trường, dòng nước cũng cuốn trôi 2 ô tô 7 chỗ, 2 máy đào, 1 xe cẩu 25 tấn, 4 xe vận tải ben cùng một số thiết bị máy bơm, máy hàn…
Làm rõ trách nhiệm
Thủ tướng Chính phủ hôm qua tiếp tục có công điện yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo H.Nam Giang và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, xác minh cụ thể thiệt hại do sự cố, nhất là thiệt hại về người, báo cáo Thủ tướng; huy động các lực lượng của địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích và những người còn chưa liên lạc được. Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình theo quy định, xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhìn nhận đây là sự cố hết sức nghiêm trọng xảy ra trong khi đang thi công công trình. “Sự cố này được cả nước, Thủ tướng quan tâm và có 2 công điện chỉ đạo Bộ Công thương, tỉnh Quảng Nam… triển khai ngay các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố. Qua đánh giá bước đầu, ngoài việc cánh van bị sự cố thì các cụm chính của công trình vẫn an toàn. Trước mắt có thể tiếp tục đảm bảo an toàn trong mùa lũ năm nay”, ông Hưng nói.
Chiếc ô tô bị nước từ đập cuốn trôi

Chiếc ô tô bị nước từ đập cuốn trôi


Theo Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực (EVN) Đặng Hoàng An, các ngành chức năng sẽ vào cuộc giám định các nguyên nhân, “rà hết các khâu thiết kế, quá trình thi công để tìm bằng được nguyên nhân trước khi có biện pháp tích nước trở lại. Việc này chủ đầu tư phải phối hợp chặt với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các cơ quan chức năng… Chỉ quay trở lại thi công khi hoàn tất các phần việc đã nói và được đánh giá tuyệt đối an toàn”, ông An nói.
Trả lời PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nhận định: “Nguyên nhân khách quan thì đã rõ là do mưa lớn, còn nguyên nhân chủ quan cần xác định các khâu thi công xây dựng đã đúng quy định, quy trình hay chưa. Đến nay, công an tỉnh vẫn chưa khởi tố vụ án, vì phải chờ giám định và xác định nguyên nhân xem có lỗi của con người hay không, sau đó mới xem xét có yếu tố phạm tội”.
Tại cuộc họp báo, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra nhận định “không có yếu tố phá hoại”.
Công trình này đã kéo dài hơn 2 năm (dự kiến phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2016) và đội vốn hơn 1.600 tỉ đồng. Trong văn bản báo cáo bổ sung về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư (lần 2) của EVN, năng lực quản lý dự án của ASB2 đã được đặt ra với lý do “chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý từ khâu tổ chức khảo sát, chuẩn bị dự án đến điều hành thi công xây dựng”. Đây là dự án được thực hiện theo cơ chế 797-400 của Chính phủ nhưng theo mô hình không có tổng thầu, BQL dự án ký hợp đồng với từng nhà thầu thi công, trong khi EVN nhìn nhận một số nhà thầu yếu về năng lực, đặc biệt là trong quá trình thực hiện chủ đầu tư đã phải bổ sung và thay thế nhà thầu thi công đào hầm. Riêng Công ty CP tư vấn xây dựng điện 3, đơn vị kiêm cả 2 chức năng nhà thầu khảo sát xây dựng và nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, thì được EVN đánh giá là “lần đầu tiên làm tư vấn chính cho dự án có quy mô lớn như Sông Bung 2”.



 

Hoàng Sơn – Hứa Xuyên Huỳnh – Chí Hiếu