27/12/2024

Rùng rợn lễ Hiến phù

Mùa đông năm Nhâm Tuất (1802) xa giá vua Gia Long từ Thăng Long trở về Phú Xuân và tổ chức lễ Hiến phù, “tận pháp trừng trị” vua quan Tây Sơn.

 

Theo dấu tích ‘hoa cái’ vua Quang Trung: Rùng rợn lễ Hiến phù

Mùa đông năm Nhâm Tuất (1802) xa giá vua Gia Long từ Thăng Long trở về Phú Xuân và tổ chức lễ Hiến phù, “tận pháp trừng trị” vua quan Tây Sơn.




Địa điểm tổ chức lễ Hiến phù, nay thuộc vị trí công viên Nguyễn Văn Trỗi, Huế /// Ảnh: B.N.L

Địa điểm tổ chức lễ Hiến phù, nay thuộc vị trí công viên Nguyễn Văn Trỗi, HuếẢNH: B.N.L

Sau khi tạm ổn định tình hình, ngày 2.5 năm Nhâm Tuất (12.6.1802) Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long nguyên niên ở Kinh thành Phú Xuân và sau đó đưa đại quân ra bắc để tiêu diệt vua Tây Sơn.
Ngày 23.6 năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long vào thành Thăng Long và vài tháng sau bắt sống vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản ở rừng Phượng Nhãn, sau đó đưa về Phú Xuân tổ chức lễ Hiến phù.
Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 11, Nhâm Tuất (1802) làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày quý dậu (6.11 âm lịch, nhằm ngày 30.11.1802) tế thiên địa thần kỳ. Ngày giáp tuất (7.11 âm lịch, nhằm ngày 1.12.1802) hiến phù ở Thái miếu… Sai Nguyễn Văn Khiêm là đô thống chế dinh Túc trực và Nguyễn Đăng Hựu làm tham tri hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vứt đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết”.
Tương truyền quảng trường, nơi tổ chức lễ Hiến phù, nằm trước từ đường Dũng Triết Vương, phía tây thành Phú Xuân. Khu vực này về sau có Tôn Nhân Phủ, Khâm Thiên Giám, Bộ Học và một phần của công viên Bao Viên sau đổi tên thành công viên Nguyễn Văn Trỗi (TP.Huế) hiện nay.
Để không còn sinh phúc
Việc vua Gia Long trả thù nhà Tây Sơn và đưa “hoa cái” của 3 vị vua vào giam trong ngục thất được lý giải và mô tả qua bức thư của giáo sĩ Bissachèrre, như sau:
“Tôi xin khởi sự với các việc về vua trẻ Tây Sơn. Trước hết người ta đã bắt vua đó mục kích một cảnh tượng đau lòng. Hài cốt của cha mẹ vua chết đã mười, mười hai năm nay, cùng hài cốt những người bà con gần của vua đều bị quật lên. Người ta sắp các xương của Quang Trung, cha vua và các xương của mẹ vua… rồi người ta theo lệ bề ngoài chém cổ để làm sỉ nhục, và nhất là để các xương đó không còn sinh phúc cho con cháu, theo tục mê tín của người trong xứ. Rồi tất cả xương được dồn vào trong một cái giỏ lớn để binh sĩ đến tiểu tiện vào. Xong, người ta nghiền xương thành bột, bỏ vào một giỏ khác đặt trước vua trẻ Tây Sơn để làm cho vua đó đau khổ.
Bấy giờ người ta dọn cho vua một bữa tiệc khá long trọng, chiếu theo tục trong xứ đối với những kẻ sắp bị tử hình. Em vua (tức Quang Thiệu) can đảm hơn vua, thấy vua ăn thì trách và bởi vì mâm người ta dọn đồ ăn bưng tới đó có những đặc điểm có ý tôn trọng chức vua, nên ông nói: “Nhà mình thiếu gì mâm, cần gì phải ăn mâm mướn”.
Ăn xong, người ta nhét giẻ vào miệng vua và nhiều người khác để họ khỏi chửi mắng vua mới, đoạn trói chân tay vào bốn voi để cho voi xé. Một con voi đã kéo nát đùi và lòi gân vua ra, nhưng vua còn quay về cái giỏ chứa xương cha mẹ vua. Lý Hình dùng một con dao để phanh các phần còn dính lại với nhau ra làm bốn phần, cộng với cái đùi đã xé ra nữa là năm. Người ta đem bêu các phần đó lên, ở đầu một cái cọc cao, tại năm chợ đông người hơn trong đô thành. Các cọc đó được canh giữ ngày đêm và người ta doạ phạt nặng những ai làm mất đi; nhưng phải để vậy cho thối ra hoặc cho quạ ăn…”.
Theo chính sử, vua Gia Long sau khi có những thao tác “tận pháp trừng trị” lên hài cốt của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và thân xác của Nguyễn Quang Toản, đã chừa lại ba “hoa cái” của 3 “tiếm vương” Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản, bỏ vào 3 cái vò (nên người ta quen gọi là Ông Vò), đậy nắp kỹ, niêm khằng, quấn xích sắt, chú bùa để giam vĩnh viễn tội phạm trong Nhà đồ ngoại (sau đổi thành Vũ Khố) vào tháng 11 năm Nhâm Tuất (1802).
Vậy Vũ Khố ở đâu? Đại Nam nhất thống chí chép: “Vũ Khố. Ở địa phần phường Liêm Năng về phía tây kinh thành. Phía trước có một công trường và một sở chi thu, phía sau có 10 kho. Lệ đặt một viên thị lang trông coi, thuộc viên có lang trung, viên ngoại lang, chủ sự, tư vụ và thơ lại thuộc ty. Trước gọi là Ngoại đồ gia, năm Minh Mệnh thứ 1 đổi tên hiện nay; phía bắc là sở Vũ Khố đốc công, quan chức có viên giám đốc; từ viên ngoại lang trở xuống thì do bộ Công thống lãnh”.
Theo những mô tả trong sử sách thì địa điểm Vũ Khố nay thuộc khuôn viên Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Di vật của Vũ Khố chỉ còn cái giếng cổ ở trung tâm của trường, dưới gốc cổ thụ và một viên đá kê cột nằm trước cổng trường.

 

Trần Viết Điền