25/12/2024

Nguyễn Thế Vinh: “Không thể bỏ mặc các em 
giữa cuộc đời này”

Trong 114 trẻ mồ côi, nghèo khó được nuôi dưỡng tại mái ấm Hướng Dương (Bến Cát, Bình Dương) có 2/3 trong số các em đã vào ĐH, CĐ, trong đó 28 em đang học hoặc đi làm ở nước ngoài.

 

Nguyễn Thế Vinh: “Không thể bỏ mặc các em 
giữa cuộc đời này”

Trong 114 trẻ mồ côi, nghèo khó được nuôi dưỡng tại mái ấm Hướng Dương (Bến Cát, Bình Dương) có 2/3 trong số các em đã vào ĐH, CĐ, trong đó 28 em đang học hoặc đi làm ở nước ngoài. 

 

 

 

Nguyễn Thế Vinh: “Không thể bỏ mặc các em 
giữa cuộc đời này”
Thầy Nguyễn Thế Vinh dạy toán ở mái ấm Hướng Dương – Ảnh: YẾN TRINH

Đó là thành quả sáu năm nay của người gầy dựng mái ấm: thầy Nguyễn Thế Vinh (46 tuổi).

Chúng tôi trở lại mái ấm vào mùa tựu trường, không gian dường như vắng hơn bởi chỉ còn chưa tới 40 em nhỏ và có lẽ vì các em ngoan, nề nếp quá nên người đến thăm không có cảm giác nhộn nhạo.

Nếu các em đến đây quá đông thì tôi sẽ xây thêm phòng, sẽ nhận hết các em vì không thể bỏ mặc các em với cuộc đời này

Thầy 
Nguyễn Thế Vinh

Những năm tháng khổ sở

Ai từng gặp thầy Vinh chắc vẫn nhớ hình ảnh người đàn ông tóc xoăn, dáng vóc nhỏ bé, cánh tay phải cụt hẳn nhưng làm việc gì cũng chu toàn. Việc thành lập mái ấm có lẽ là sự “thấu thị” của người đã trải qua nhiều biến cố đắng cay.

Sinh ra ở Phan Thiết nhưng 5 tuổi thầy Vinh đã theo mẹ đi kinh tế mới ở Bắc Bình, Bình Thuận, còn người cha đã mất tích. Những điều ngọt ngào không còn nữa, thay vào đó là một tuổi thơ dữ dội khi mẹ của Vinh tự kết thúc cuộc đời sau những biến động.

“Một buổi đi học, một buổi tôi đi chăn hai con bò cho hợp tác xã, tiền công bằng giá một ký lúa bây giờ (10.000 đồng). Năm lớp 3, bị té từ trên lưng bò xuống, cánh tay phải bị thương nhưng do nhà nghèo khó xa xôi, không đi nhà thương nên tay tôi dần hoại tử, phải cắt bỏ” – thầy Vinh kể.

Thế rồi năm sau, người anh trai cũng rời bỏ cuộc đời, để lại cậu bé Vinh mồ côi khóc cười với số phận.

Sảy mẹ bú dì, thầy Vinh kể rằng cuộc đời mình dù sao vẫn còn may mắn khi còn nương nhờ người dì và ông bà ngoại. Đến năm lớp 6, khi trông thấy cậu mình chơi guitar, Vinh quyết học đàn để mong tiếng đàn lời ca làm vơi đi bất hạnh. Nhưng làm sao gảy đàn chỉ với một tay? Thầy nhớ lại:

“Tôi thử đủ mọi cách. Tôi lấy chân cây nhang cột vào ống tay cụt. Không được nên tôi chế ống nhôm với một đầu cột vào ống tay, đầu kia gọt như hình móng tay để gảy đàn. Nhưng vô ích”.

Phải đến ba năm sau, Vinh mới nghĩ ra cách đeo đàn trên vai rồi đánh đàn bằng ngón trỏ của bàn tay trái. Cậu bé mất cả năm trời tự học những nốt đơn giản, để đàn được bài đầu tiên trong những giờ phút rỗi rảnh hiếm hoi.

Năm 1989, Vinh đậu vào Trường ĐH Kinh tế, được học bổng 75%. Tốt nghiệp, Vinh làm nhiều công việc khác nhau rồi mở tiệm điện thoại. Thế nhưng ước mơ ngày cũ được trở thành thầy giáo vẫn còn (mà trường sư phạm lúc ấy không nhận sinh viên tật nguyền nên Vinh mới thi ĐH Kinh tế), mùa hè năm 2006 Vinh xuống Bến Cát, Bình Dương mở lớp ôn thi ĐH.

Chính ở mảnh đất này, đồng cảm với những phận mồ côi nghèo khó, thầy giáo Vinh ấp ủ có một mái ấm để đón các em về.

Người thầy một tay

Nói là làm, thầy Vinh bắt đầu kế hoạch. Lo được giấy phép sau một năm đi tới đi lui vì người ta e ngại mái ấm khó duy trì, thầy tiếp tục xin đất của người hảo tâm.

Bà Trần Thị Kim Loan (47 tuổi, người đã cho thầy Vinh mượn miếng đất khoảng 700m2 sát nhà) bộc bạch: “Tôi nghe con trai đi học rồi về kể tấm lòng của thầy. Ban đầu tôi cũng đắn đo vì đất nhà đang chăn nuôi, nhưng thấy thầy làm việc tốt nên thôi cứ đưa cho thầy. Thời buổi này ít người được như thầy Vinh lắm”.

Ban đầu với khả năng eo hẹp, thầy Vinh định dựng một căn nhà nhỏ để nhận nuôi và dạy học cho các em. May mắn được bạn bè giúp đỡ hơn 800 triệu đồng, thầy mới xây lên khang trang. Rồi những năm sau đó, mỗi năm thầy sửa sang, xây thêm một ít nhờ vào sự tương trợ từ những tấm lòng gần xa.

Mỗi khi đọc báo hoặc bạn bè kể về những hoàn cảnh bất hạnh ở các nơi, thầy Vinh lại một mình lên đường tìm hiểu. Thầy đã xuất hiện trước cửa nhà xiêu vẹo của nhiều gia đình như một ơn lành để đưa những đứa trẻ đi tìm một tương lai tốt hơn.

“Có người không tin tôi, có người sợ con mình vào mái ấm sẽ tù túng hoặc không nỡ xa con, nhưng mình hễ biết có em nào đang khổ là tìm cách đưa các em về mái ấm” – thầy nói.

Vừa rèn cho các em tính kỷ luật trong sinh hoạt, thầy vừa chú ý lắng nghe nỗi lòng của các em. Các em được đi học ở trường bên ngoài, về mái ấm được học thêm. Hiện mái ấm có tất cả năm thầy cô, thấy việc làm tốt đẹp của thầy Vinh nên tự nguyện chung tay dạy dỗ các em. Mỗi thầy cô phụ trách một môn học như toán hoặc lý, hoá…

Cô Nguyễn Hồng Thơ (36 tuổi, lo việc quản lý mái ấm) chia sẻ: “Nhà ở Hóc Môn nhưng tuần nào tôi cũng ở hai nơi để vừa dạy học ở trường cấp III trên đó, vừa lo liệu việc dưới mái ấm”.

Nguyễn Thế Vinh: “Không thể bỏ mặc các em 
giữa cuộc đời này”
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh một tay trình diễn cùng lúc đàn guitar và kèn harmonica – Ảnh nhân vật cung cấp

Ươm mầm những đóa hướng dương

Kể về những học trò giờ đã là sinh viên ĐH, gương mặt thầy Vinh ngời sáng. Khi lên ĐH, các em sẽ phải kiếm việc làm thêm để trang trải một phần chi phí ăn học, đó cũng là cách thầy rèn cho các em những kỹ năng cần thiết.

Trong bảng danh sách, năm nay có bảy em thi ĐH thì sáu em đậu, một em đang xét vào trường CĐ. Năm ngoái con số này là 16, năm trước nữa là 31…

Hiện đang vừa làm vừa học tiếng Nhật và xin được học bổng vào ĐH ở Nhật năm tới, Huỳnh Thị Thanh Vân (21 tuổi, quê Khánh Hoà) chia sẻ: “Cha bỏ bốn mẹ con em từ lúc em nhỏ xíu, mẹ phải bán nhà đi ở nhờ nhà ông bà để nuôi mấy anh em. Rồi mẹ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, teo dần teo dần và không đi lại được nữa.

Giữa lúc em tuyệt vọng cùng cực khi bước vào năm lớp 12 thì bạn của thầy Vinh nói về mái ấm Hướng Dương”.

Những ngày mới đến, Vân hầu như chẳng nói lời nào, việc học sa sút vì chịu đựng quá nhiều đau buồn do cảnh nhà mang lại.

“Chính thầy Vinh với vẻ nghiêm nghị nhưng ân cần đã kéo em lại với việc học và giúp em học cách chung sống với các bạn khác. Em còn nhớ như in những khi thầy dạy đi dạy lại cách giải một phương trình, rồi thầy nói không có việc gì là không thể cả” – Vân kể.

Sau đó Vân đậu vào ĐH Công nghiệp thực phẩm với điểm khá cao nên thầy Vinh đã chọn Vân là một trong chín bạn năm đó được đi Nhật.

Còn Hồ Nguyễn Thế (20 tuổi, quê Quảng Nam) đã xin được học bổng của ĐH Edith Cowan (Úc). Thế mồ côi cha, mẹ bán hàng rong nuôi mấy anh chị em nên trước đây hầu như Thế không có hi vọng mình sẽ học tiếp. Khi vào mái ấm, học giỏi và ngoan nên sau khi đậu ĐH Bách khoa, thầy Vinh đã hỗ trợ tiền cho Thế luyện tiếng Anh.

Cũng đang ở Mỹ, học Trường San Jacinto College South, Lê Thị Vân Anh (20 tuổi, quê Nghệ An) từ một cô bé mồ côi cha mẹ đã được mái ấm thay đổi cuộc đời. Không những cưu mang Vân Anh, thầy còn nhận nuôi dưỡng em trai của cô. Ở mái ấm cũng không ít trường hợp thầy Vinh nhận nuôi cả ba anh chị em ruột.

Thầy Vinh nói rằng quá khứ buồn bã về thân phận dường như đã lụi tàn khi thầy có một mái ấm chung để lo toan.

Hỏi thầy có tiếc nuối khi không theo nghiệp đàn ca vì sau khi biểu diễn guitar và kèn harmonica ở đêm nhạc Trịnh Công Sơn năm 2004, nhiều công chúng mến mộ, rồi những chuyến biểu diễn ngoài nước, thầy Vinh nói giờ đây mình dành tất cả cho mái ấm Hướng Dương.

Chính những chuyến biểu diễn ở Nhật đã tạo cho thầy mối liên hệ với các công ty, để sau này các em nếu học giỏi sẽ được thầy hỗ trợ qua Nhật làm việc hai năm để học tiếng, sau đó tự lực thi vào ĐH ở Nhật, như trường hợp của Thanh Vân.

Người đàn ông độc thân

Thầy Vinh giữ rất kỹ quyển lưu bút của những em sinh viên đã rời mái ấm. Bìa lưu bút là bức tranh màu chì của một sinh viên học mỹ thuật vẽ thầy đang đứng một mình nhìn về phía chân trời.

Nhiều em mong thầy sớm có vợ để bớt cảnh cô đơn khi đã bắt đầu ở bên kia sườn dốc cuộc đời. Nhưng dường như thầy Vinh chẳng nghĩ nhiều đến hạnh phúc riêng tư, thầy cứ nói rằng mình chỉ muốn dành hết thời gian cho mái ấm.

Chính vì vậy mà nhiều em, như Hồ Nguyễn Thế, sinh viên đang học ở Mỹ, nói rằng em coi thầy Vinh như người cha thứ hai của mình bởi những gì thầy dành tặng cho cuộc đời em là quá nhiều.

YẾN TRINH ([email protected])