24/01/2025

Thông tư 30: Nếu được sửa cả học bạ…

Từ trước tới nay, học bạ để ghi kết quả học tập của học sinh. Chỉ vậy thôi. Thế nhưng học bạ của thông tư 30 lại dài dòng, khiến giáo viên phải viết những điều vô bổ mà mất bao công sức.

 

Thông tư 30: Nếu được sửa cả học bạ…

Từ trước tới nay, học bạ để ghi kết quả học tập của học sinh. Chỉ vậy thôi. Thế nhưng học bạ của thông tư 30 lại dài dòng, khiến giáo viên phải viết những điều vô bổ mà mất bao công sức.

 

 

 

Thông tư 30: Nếu được sửa cả học bạ...
Với học bạ thông tư 30, mỗi năm học giáo viên phải viết 4 trang như thế này cho mỗi học sinh – Ảnh: NHƯ HÙNG

Được biết, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương ban hành thông tư 30 sửa đổi. Giáo viên tiểu học rất mong bộ trưởng sửa đổi cả cuốn học bạ của nó. Nếu được vậy, niềm vui sẽ được nhân đôi.

Tại sao chúng ta ít nói đến học bạ?

Học bạ là một bộ phận của việc đánh giá học sinh. Thông tư 30 ra đời cùng học bạ của nó.

Người ta chưa có dịp nói nhiều đến học bạ, vì còn mãi nói về nội dung thông tư 30.

Còn một lý do nữa là học bạ thì cuối học kỳ 1 và cuối năm học mới mở đến.

Mở cuốn học bạ ra, nhìn vào đó với bao nhiêu bực bội trong người; nhưng vì việc làm cứ phải làm, nên các giáo viên cũng chỉ biết than với nhau trên mạng Facebook. Chẳng có ai ý kiến gì hẳn hoi lên trên cả.

Học bạ chưa bao giờ như thế!

Từ điển của Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa do GS Hoàng Phê chủ biên viết: “Học bạ: cuốn sổ ghi kết quả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh ở trường”.

Như vậy ai cũng hiểu học bạ là để ghi điểm thi hết kỳ, xếp loại học tập, hạnh kiểm, được lên lớp hay không, khen thưởng mức gì. Chung quy lại, học bạ là cuốn sổ ghi vắn tắt kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Từ thuở tôi đi học cấp I đến nay, trải qua 20 năm dạy học, chưa bao giờ thấy trang học bạ nào lắm chữ, lắm ý như học bạ tiểu học của thông tư 30 hiện nay.

Làm việc với học bạ của thông tư 30 thật mệt mỏi. Trang bên trái của học bạ ghi điểm bài thi và nhận xét bên cạnh. Đúng ra thì chỉ cần thêm hai ô đánh dấu “đạt” hay “không đạt” về năng lực, phẩm chất, thêm hai dòng về lên lớp, khen thưởng là đủ.

Nhưng các nhà biên soạn học bạ thông tư 30 lại chế thêm trang bên phải với các nhận xét về năng lực và phẩm chất. Cụ thể, đầy một trang phải, giáo viên phải viết đủ:

– Nhận xét về năng lực:

+ Tự phục vụ, tự quản: Có biết tự phục vụ bản thân (tự mặc quần áo, chải đầu, vệ sinh cá nhân, soạn sách đi học, giữ gìn sách vở…) hay không?

+ Giao tiếp, hợp tác: Nói năng mạnh dạn hay nhút nhát? Có biết hợp tác nhóm hay không?…

+ Tự học và giải quyết vấn đề: Có biết tự đặt ra thắc mắc rồi tự trả lời hay không? Có biết tự học một mình hay không hay khi học cần sự giúp đỡ ?…

– Nhận xét về phẩm chất:

+ Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục: Chăm hay lười cả việc nhà, việc trường. Những khi có việc sinh hoạt tập thể có tích cực không?

+ Trung thực, kỷ luật, đoàn kết: Có nói dối không? Có biết tự nhận lỗi và sửa lỗi không? Ý thức kỷ luật thế nào?…

+ Yêu gia đình, bạn bè và những người khác: Có yêu gia đình mình đang sinh sống không? Có quý mến bạn bè không? Có thích những người xung 
quanh không?…

Cuối trang phải, giáo viên lại còn phải viết thêm dòng: Những điều cần khắc phục, giúp đỡ. Tại sao học bạ viết xong cất lại, khi chuyển trường mới trả cho học sinh, mà giáo viên lại viết những điều cần khắc phục, giúp đỡ, có ích gì?

Những lời nhận xét dài dòng vô bổ trên nếu cuối năm mới viết một lần là đã quá mệt mỏi rồi, nhưng học bạ thông tư 30 thiết kế cứ hết một học kỳ lại viết như vậy.

Toàn những lời sáo rỗng!

Việc đến tay, giáo viên cứ phải làm. Có anh nói “Cứ viết đi, miễn không chết ai là được”. Thế là viết.

Nhưng những lời nhận xét phẩm chất năng lực toàn xuôi một chiều. Cái gì cũng tốt hết.

Trong hai mục to về năng lực phẩm chất và bảy mục con, duy chỉ có mục tự học và giải quyết vấn đề là họa may có em được ghi “tự học nhưng phải giúp đỡ”. Còn lại cứ đánh đồng loạt là: tự phục vụ được bản thân – giao tiếp mạnh dạn – chăm làm việc nhà, việc trường – không nói dối – yêu quý gia đình, bạn bè, kính trọng thầy cô…

Hỏi sao lại thế thì các thầy cô bảo: “Viết thế chẳng sai gì! Đã 6-7 tuổi trở lên thì đứa nào chẳng biết tự mặc quần áo đi học. Đứa nào chẳng giao tiếp bạo dạn, trẻ con đã biết gì mà dối trá với trung thực. Mới 7-8 tuổi đã biết gì mà dám tự chịu trách nhiệm…”.

Lại nữa, phàm là con người, ai chẳng yêu quý gia đình, người thân. Sao lại còn đem việc đương nhiên đó ra nhận xét. Rõ khổ!

TÙNG SƠN (HẢI DƯƠNG)