Cơ thể tàn tạ vì… thanh lọc
Một nam bệnh nhân 76 tuổi đã vào viện cấp cứu cách đây hai tháng trong tình trạng trụy mạch. Trước đó bệnh nhân uống một loại thực phẩm chức năng để detox (thanh lọc) sỏi khỏi cơ thể và thải độc gan, dẫn tới tiêu chảy gần 30 lần/ngày.
Cơ thể tàn tạ vì… thanh lọc
Một nam bệnh nhân 76 tuổi đã vào viện cấp cứu cách đây hai tháng trong tình trạng trụy mạch. Trước đó bệnh nhân uống một loại thực phẩm chức năng để detox (thanh lọc) sỏi khỏi cơ thể và thải độc gan, dẫn tới tiêu chảy gần 30 lần/ngày.
Các phương pháp detox đăng tải đầy rẫy trên mạng và truyền miệng như một biện pháp phòng ngừa ung thư và bệnh tật.
Bên cạnh đó, không ít những sản phẩm mang tên detox được quảng cáo với những lời “có cánh”, nhưng thực tế có thể làm người dùng mang họa.
Thải cả tiền tế bào ung thư?
Chị L.T.V. (33 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội) cách đây không lâu đã tham gia một liệu trình thải độc tại một trung tâm quảng cáo phương pháp detox gan có thể giải quyết một loạt vấn đề về sức khoẻ, từ viêm da, trĩ đến viêm gan B, ngăn ngừa và điều trị ung thư…
Trong vòng 4 ngày chị phải ở lại trung tâm, được ăn cháo gạo non, nước ép trái cây, dầu ôliu kết hợp với ngồi thiền, tập yoga. Vào ngày thứ 5, chị đi ngoài ồ ạt.
Chị rất sợ hãi khi kết quả xét nghiệm tại trung tâm cho thấy “độc tố” được thải ra có cả tiền tế bào ung thư.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ Việt Hà (khoa cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện ĐH Y Hà Nội – nơi tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân 76 tuổi nói trên) cho rằng cách nói độc tố thải ra trong quá trình detox là sỏi và các chất độc là không chính xác.
Theo bác sĩ Hà, với nam bệnh nhân 76 tuổi nói trên, bệnh viện đã phải truyền 6 lít dịch mới bù được lượng nước đã mất.
“Bệnh nhân đã sử dụng loại thực phẩm chức năng được bán đa cấp. Nếu không được cấp cứu kịp, thận của bệnh nhân cũng bị mất chức năng và hỏng hẳn.
Bệnh nhân đi ngoài gần 30 lần/ngày và ra luôn cả… niêm mạc ruột. Niêm mạc ruột giống như lớp da của ruột, nếu mất đi thì ruột rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc do mất lớp da có chức năng bảo vệ. Nhưng với nhiều người thì họ lại tưởng chất nhầy thải ra là chất độc, càng tin tưởng quảng cáo dịch vụ detox cơ thể”- bác sĩ Hà nói.
Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy thận cấp, mất nước, rối loạn điện giải nặng.
Bệnh nhân cho biết đã sử dụng phương pháp detox cơ thể bằng thực phẩm chức năng.
Theo các bác sĩ, người bệnh đã phải điều trị trong nửa tháng với chi phí hàng chục triệu đồng.
“Thanh lọc bằng cách gây tiêu chảy là cách đối xử tàn tệ với đường tiêu hoá, vì những trận tiêu chảy như cơn lũ sẽ cuốn cả các mảng niêm mạc đường tiêu hóa và các vi khuẩn sống cộng sinh giúp tiêu hóa thức ăn ra ngoài, phải mất rất nhiều thời gian mới khôi phục được”- một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân này chia sẻ.
Không có cơ sở khoa học
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, các phương pháp detox với mục đích thải độc, thanh lọc cơ thể được truyền tụng và thực hiện rộng rãi trên thực tế là không có cơ sở khoa học.
Bác sĩ Cấp giải thích detox ban đầu được hiểu là thải độc cơ thể, nhưng phải xác định được chất độc cụ thể người đó đã bị nhiễm (ví dụ người bị nhiễm độc chì hay thủy ngân) thì thầy thuốc sẽ dùng thuốc, biện pháp giải độc đặc hiệu với chất độc đó.
“Nếu như chẳng biết bị nhiễm độc gì, cứ thanh lọc tự do thì có khi không những không thải được chất độc mà còn thải ra cả niêm mạc ruột, vi khuẩn có lợi cho cơ thể…”- bác sĩ Cấp cho biết.
Một bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai nói rằng những chất độc, sỏi độc, sạn độc thu được sau quá trình “thải độc” đang được quảng cáo thực chất không có gì “huyền bí” như nhiều người đồn đại, mà là cellulose không thể tiêu hoá, mỡ hoặc dầu thực vật do người detox dùng quá nhiều cơ thể không thể tiêu hoá hết, dịch mật còn lại sau khi đã được hấp thụ lại tại gan.
Khi mỡ, dịch mật còn lại kết hợp với nhau sẽ tạo ra “sỏi”, “sạn” màu xanh và cả những sợi cellulose không tiêu hoá được.
Tuy nhiên những “sản phẩm” sau detox thải ra đã làm nhiều người lo sợ, họ tin rằng có một lượng chất độc nào đó có thể thải ra ngoài và phòng trừ được bệnh tật nếu đi detox, và các cơ sở detox lại có khách.
Ngoài sử dụng dịch vụ hoặc thực phẩm chức năng đang được quảng cáo là có tác dụng detox cơ thể, việc sử dụng sản phẩm tươi như nước mía, nước ép bí xanh, ớt xanh… cũng được các bác sĩ khuyến cáo tuy không gây tiêu chảy nhưng cũng không ít các nguy cơ, thậm chí có thể gây suy mòn cho người dùng do đã nhịn ăn kéo dài trong quá trình detox (tối thiểu từ 7-15 ngày/liệu trình).
“Gan là cơ quan đào thải chất độc chính của cơ thể người, sau đó là thận. Nếu tăng hấp thu các chất độc hại thì gan bị tăng gánh nặng thải độc chứ không phải đi thải độc cho gan. Lý thuyết thải độc đã có vẻ sai lầm ngay từ quảng cáo”- bác sĩ Hà khuyến cáo.
Chỉ cho phép thanh lọc độc tố cụ thể Theo ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện Bộ Y tế đã ban hành quy trình thanh lọc, thải độc đối với độc tố cụ thể, ví dụ như thải độc chì, còn thanh lọc chung chung như quảng cáo hiện nay là “một cách nói quá lên về dịch vụ”. Một chuyên gia khác về y khoa cũng cảnh báo hiện phong trào detox này đang nở rộ ở những người còn trẻ, có đủ sức chịu đựng, còn nếu áp dụng cả ở người cao tuổi thì nguy cơ ảnh hưởng tính mạng là hiện hữu. |